Phụ huynh trông chờ vận may

08-05-2013 15:08 | Thời sự
google news

Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm chuẩn bị tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh ở Hà Nội lại đứng ngồi không yên.

Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm chuẩn bị tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh ở Hà Nội lại đứng ngồi không yên.
 
Anh Nguyễn Văn Chiến (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) cho biết: Cách đây 3 năm, khi con trai lớn của anh đến độ tuổi học mầm non, vợ chồng anh từng phải nghỉ việc, thay nhau xếp hàng cả ngày để mua hồ sơ xin học cho con.

Theo anh Chiến, lẽ ra có hộ khẩu đúng tuyến thì đương nhiên con mình phải được tiếp nhận vào học tại các trường trên địa bàn, nhưng để kiếm một chỗ học công lập cho con ở Hà Nội quả là điều không đơn giản.

Năm nay, khi cháu thứ 2 bước vào độ tuổi tới trường, anh rất mừng khi nghe thông tin nhiều trường mầm non công lập sẽ tổ chức tuyển sinh bằng hình thức bốc thăm.
Phụ huynh trông chờ vận may 1
 Để tránh tình trạng phụ huynh phải xếp hàng thâu đêm trước cổng trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã quyết định phương án bốc thăm ở những trường có hồ sơ vượt quá chỉ tiêu (Ảnh: VNE)
Mừng vì sẽ không phải xếp hàng chờ đợi nhưng anh lại thấp thỏm vì bốc thăm chỉ là hình thức may rủi.

Anh Chiến chia sẻ: “Nhiều khi nguyện vọng của cha mẹ là muốn con vào trường nhưng không may mình bốc thăm không được thì cũng chịu. Tốt nhất chỉ có cách mở thêm trường lớp công lập”.

Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh ở Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, dù là may rủi, nhưng ít ra ai cũng được mua hồ sơ, ai cũng được bốc thăm, chứ không phải chen chân không mua nổi hồ sơ như trước đây.

Chị Trịnh Thị Oanh (quận Đống Đa) cho rằng: “Tôi thấy bốc thăm là hình thức tin cậy nhất, công bằng nhất. Còn về lâu dài, theo tôi phải xây dựng trường lớp cho đầy đủ để các cháu đi học”.

Theo bà Vũ Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng trường mầm non Chu Văn An (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ), năm nay quận này dự kiến tổ chức tuyển sinh theo hình thức bốc thăm ở tất cả các trường mầm non công lập.

Với trường mầm non Chu Văn An, sau khi tuyển hết số trẻ 5 tuổi, trường chỉ đáp ứng được từ 50-60% trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn. Do đó, 3 năm nay, nhà trường đã áp dụng hình thức bốc thăm công khai dưới sự giám sát của Hội đồng nhân dân phường và thực tế đã giải quyết được tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm trước cổng trường.

Theo bà Hà, trong điều kiện cả phường chỉ có một trường mầm non công lập, phụ huynh nào cũng muốn cho con vào học, thì tuyển sinh kiểu “may rủi” này là biện pháp tình thế, nhưng không thể là lâu dài.

Dự kiến, năm học 2013-2014, các trường mầm non cả công lập và ngoài công lập ở Hà Nội sẽ đón 73.5000 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và khoảng 362.000 trẻ mẫu giáo.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy mỗi năm, số trẻ mầm non tăng từ 30.000 – 35.000 em, trong khi đó, từ năm 2009 đến 2012, toàn thành phố mới xây được 73 trường mầm non; cải tạo, sửa chữa 145 trường. So với quy chuẩn thiết kế xây dựng trường học, hiện tại Hà Nội còn thiếu 7 triệu m2đất để xây trường, riêng bậc mầm non là 2,3 triệu m2.

Thiếu quỹ đất để xây trường, kinh phí hạn hẹp, dân số cơ học tăng quá nhanh là những thách thức lớn không chỉ của ngành giáo dục và đào tạo của Thủ đô mà cả UBND TP Hà Nội hiện nay.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: Hình thức tuyển sinh bốc thăm là chấp nhận được, tạo sự bình đẳng và hạn chế tiêu cực. Nguyện vọng của người dân, chính quyền thành phố và ngành giáo dục Hà Nội biết nhưng không thể có chính sách gì ngay lập tức đáp ứng được hết cho mọi người

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các quận, huyện chậm nhất ngày 20/5 tới báo cáo phương thức tuyển sinh ở địa phương, tùy thực tế để đề xuất hình thức bốc thăm hay không. Trong khi đó, dù có thể không phải thức đêm, chen lấn mua hồ sơ, thì người dân lại ngày đêm lo lắng, trông chờ vào “vận may” để bốc thăm được một chỗ cho con học trường công giữa Thủ đô.
 
Theo VOV

Ý kiến của bạn