Phụ huynh xếp hàng xuyên đêm để chờ giờ nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 tại cổng Trường THPT Tạ Quang Bửu.
0h38 ngày 5/7, hơn 100 phụ huynh có con trượt lớp 10 công lập đã vây kín cổng Trường THPT Hoàng Cầu mong giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Nhiều người trong số họ đã có mặt ở đây từ lúc 19h tối 4/7, mang theo ghế nhựa và nước uống, xuyên đêm xếp "lốt" chờ trời sáng để nộp hồ sơ cho con cháu.
Cùng thời điểm, tại Trường THPT Tạ Quang Bửu, hàng trăm phụ huynh khác cũng có mặt tại trường để xếp hàng chờ đợi tấm vé may mắn cho con vào trường.
Trước đó, ngày 3/7, hàng trăm phụ huynh có con đạt 41 điểm trở lên nhưng trượt nguyện vọng 1 vào lớp 10 Hà Nội đã đổ ra cổng Trường THPT Phan Huy Chú từ 2h sáng để giành một suất lớp 10 cho con. Mặc dù chen nhau khó khăn để giành suất ít ỏi vào trường nhưng phụ huynh vẫn cố gắng với hy vọng con có nơi để học.
Chia sẻ với báo chí, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết đã nắm được việc phụ huynh xếp hàng xuyên đêm để nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con ở các trường tư thục và công lập tự chủ tài chính.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, tình trạng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ cho con vào các trường tư thục và công lập tự chủ tài chính như thế này đã từng xảy ra ở các năm trước, tuy nhiên năm nay tình trạng này diễn ra ở nhiều trường hơn.
Ông Cương cho biết, mạng lưới trường học tại Hà Nội phát triển rất đa dạng, có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Bên cạnh lựa chọn học lớp 10 các trường công, trường tư thục, phụ huynh và học sinh còn có thể tham khảo trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Để không tái diễn cảnh xếp hàng khi nộp hồ sơ cho con, nhiều ý kiến cho rằng các trường nên tuyển sinh trực tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong năm học tới sẽ yêu cầu các trường áp dụng triệt để việc này. "Sở SG&ĐT duyệt chỉ tiêu cho trường dựa vào cơ sở vật chất và các yếu tố khác. Trường tư thục và công lập tự chủ được toàn quyền quyết định cách tuyển sinh, Sở GD&ĐT không thể kiểm soát từng chi tiết".
Chia sẻ về lý do tại sao nhà trường không tuyển sinh theo cách lấy điểm từ cao xuống thấp, bà Cao Thanh Nga - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho biết, trường đã từng nghĩ đến phương án tuyển sinh theo cách lấy điểm từ cao xuống thấp, kèm theo tiêu chí phụ để tuyển sinh, tránh việc "ai đến sớm thì được", song không thể thực hiện.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, khi lấy điểm từ cao xuống thấp, số trúng tuyển sẽ có nhiều em điểm cao. Nhưng khi các trường công lập các em đăng ký nguyện vọng 1 hạ điểm chuẩn, nhiều em đủ điều kiện vào trường rồi lại rút hồ sơ vào công lập. Khi đó trường bị "hụt" thí sinh và ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch dạy học, xáo trộn những chuẩn bị cho năm học mới.
Vì vậy, để đảm bảo số lượng đầu vào, nhà trường đành phải thu hồ sơ theo cách thức như hiện tại. Những phụ huynh, học sinh đến trường nhập học sớm thường xác định, định hướng, quyết tâm theo học trường rõ ràng hơn.
Trượt lớp 10 công lập, học sinh sẽ học ở đâu?
Sở GDĐT Hà Nội đã giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho 95 trường THPT tư thục. Các trường này sẽ tuyển mới 614 lớp và 26.829 học sinh. Danh sách chỉ tiêu cụ thể của các trường như sau:
29 trung tâm giáo dục thường xuyên tuyển sinh với chỉ tiêu như sau:
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 với gần 105.000 thí sinh dự thi, Hà Nội tuyển trên 72.000 em (trên 55%) vào trường công lập, tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 em (chiếm 23,2%), tuyển vào các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 em (chiếm 7,7%) và tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 17.210 em (chiếm 13,4%).
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, ngoài trường công lập, thí sinh và phụ huynh tìm hiểu chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm 2023 của các loại hình trường tư thục và công lập tự chủ tài chính, Trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề. Hà Nội đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh có nhu cầu học THPT, do vậy, phụ huynh cần bình tĩnh tìm hiểu và xem xét, cân nhắc các loại hình trường phù hợp để nộp hồ sơ cho con.