Phụ huynh lơ là tiêm chủng, dịch bệnh tấn công trẻ

08-11-2017 10:40 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại Hội nghị Triển khai công tác phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua ở Hà Nội, các chuyên gia đã cảnh báo, trong khi dịch sốt xuất huyết giảm đáng kể số người mắc thì nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác như sởi, cúm, ho gà, tay - chân - miệng, viêm não, tiêu chảy, nhiễm khuẩn liên cầu lợn...

đang có nguy cơ bùng phát khó lường trong giai đoạn từ nay tới cuối năm, nhất là trong mùa đông xuân năm 2017-2018.

Huy động mọi biện pháp để nâng tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin sởi

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận khoảng 230 ca mắc sởi, 1 ca tử vong; so với cùng kỳ năm ngoái số mắc giảm 28%. Các ca bệnh ghi nhận chủ yếu tại miền Bắc và một số tỉnh, thành khu vực phía Nam. Khu vực miền Bắc ghi nhận gần 100 ca mắc sởi, số mắc cao nhất tại Hà Nội (45 ca), sau đó là Hải Dương (17 ca), Nghệ An (8 ca)...

PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, Hà Nội hiện là địa phương có số mắc sởi cao nhất với 45 ca, chiếm gần 50% tổng số mắc ở toàn miền Bắc, trong đó đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi. Đáng chú ý là có tới 43% số trẻ mắc sởi ở Hà Nội từ đầu năm đến nay là trẻ dưới 6 tháng tuổi và trẻ từ 6-9 tháng tuổi, tức là nhóm trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vắc-xin sởi đã mắc bệnh. Tại Hà Nội, TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phân tích thêm, hiện Hà Nội có 1 ca tử vong do sởi. Đáng chú ý, hiện Hà Nội có tới 32.634 trẻ ở chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin sởi đúng kỳ sau 5 năm. Đây là số trẻ có nguy cơ mắc sởi rất cao và chỉ cần 10% trong số này mắc sởi thì việc bùng phát như dịch sởi năm 2014 sẽ thực sự có nguy cơ quay trở lại.

Tại BV Nhi TW, TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV cho biết, nếu vào dịp đầu năm, mỗi tháng BV chỉ tiếp nhận 2-3 trẻ mắc sởi đến điều trị nội trú thì 3 tháng gần đây, con số này tăng lên khoảng 20-25 cháu/tháng. Hầu hết trẻ nhập viện do sởi đều dưới 1 tuổi, trong tình trạng sốt cao, phát ban và có thể kết hợp nhiễm trùng bội nhiễm. Đáng lưu ý, bệnh sởi dù không phải bệnh nặng nhưng lại có biến chứng rất nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, thậm chí có thể viêm não, dễ dẫn đến tử vong.

Trước nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát trở lại và lan rộng thành dịch lớn, chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu Hà Nội và các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp cần huy động mọi biện pháp để nâng tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin hạn chế các “vùng lõm” tiêm chủng. “Ngành y tế cần phối hợp cùng ngành giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tại trường học, rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh để bảo đảm cho trẻ được tiêm phòng vắc-xin sởi đầy đủ”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.Tiêm phòng cho trẻ là cách phòng bệnh tốt nhất.    Ảnh: TM

Tiêm phòng cho trẻ là cách phòng bệnh tốt nhất. Ảnh: TM

Bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt ít nhất 95%

PGS.TS. Trần Đắc Phu cảnh báo, từ nay tới cuối năm, chúng ta không thể chủ quan trước các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm, ho gà, viêm não virut, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, tay - chân - miệng, liên cầu lợn...

Cục Y tế dự phòng đề nghị các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh; giám sát và phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng và kéo dài. Bên cạnh đó, rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung, cũng như tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt ít nhất 95% theo quy mô xã/phường, đặc biệt đối với các bệnh sởi, Rubella, ho gà, bạch hầu và viêm não.

Về vấn đề tiêm vắc-xin sởi tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, nguyên nhân khiến số lượng trẻ chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin sởi chủ yếu vì trẻ phải hoãn tiêm do ốm đau, sức khỏe không đảm bảo khi đến lịch tiêm, hoặc do bệnh lý bẩm sinh. Song bên cạnh đó, vẫn có nhiều trường hợp không tiêm vì phụ huynh không chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng, hoặc quên lịch tiêm của trẻ...  Đây là điều rất đáng cảnh báo bởi hiện tại, tiêm vắc-xin chính là biện pháp phòng sởi hữu hiệu nhất. Ngay trong tháng 11 này, Hà Nội sẽ chỉ đạo rà soát lại đối tượng tiêm chủng trên toàn thành phố, tập trung vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi để xem những trẻ nào bỏ sót chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng bổ sung hàng tuần cho các trẻ, song song với thực hiện tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại các trạm y tế.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, Việt Nam đã thực hiện kiểm soát và khống chế khá tốt những bệnh truyền nhiễm trong thời gian qua. Nhưng mùa đông xuân đến là thời điểm của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, cần phải tiếp tục nâng cao cảnh giác. Cùng với đó, nguy cơ các bệnh dịch xảy ra sau bão lũ, ngập lụt luôn tiềm ẩn. Cần hết sức lưu ý đối với các bệnh có vắc-xin tiêm chủng. Chỉ vì lơ là, không tiêm chủng đầy đủ có thể dẫn đến tình trạng nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sởi, ho gà, cúm, viêm não bùng phát.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn