Phụ huynh băn khoăn về điểm quy đổi
Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế vừa ban hành thông tin tuyển sinh năm 2025. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh 1690 cho 11 ngành đào tạo đại học hệ chính quy, trong đó ngành Y khoa có 440 chỉ tiêu, Răng - Hàm - Mặt 160 chỉ tiêu, Dược học 210 chỉ tiêu… Trong đó, ngành Y khoa và Răng – Hàm – Mặt có 3 phương thức tuyển sinh.
Phương thức 1 (mã 100) xét tuyển điểm của các tổ hợp B00 (Toán, Sinh học, Hóa học), tổ hợp B08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh), tổ hợp D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh).
Phương thức 2 (mã 409) với các tổ hợp B08-1 và D07-1, trong đó môn Tiếng Anh sẽ quy đổi từ các chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế IELTS và TOEFL iBT (không sử dụng TOEFL iBT Home Edition). Phương thức 3 là xét tuyển thẳng, dự bị.

Bảng quy đổi điểm chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế.
Ở phương thức 2, điểm quy đổi cho môn Tiếng Anh từ chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế sẽ là IELTS 6.5 hoặc TOEFL iBT 79-93 có mức điểm quy đổi là 9.5; IELTS từ 7.0 đến 9.0 và TOEFL iBT từ 94 trở lên được quy đổi thành mức điểm 10.
Theo một số phụ huynh, mức điểm quy đổi như vậy là quá cao. Bởi nếu xét tuyển theo phương thức 2, các thí sinh đã có chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL iBT chỉ cần tập trung ôn luyện cho 2 môn Toán và Hóa học hoặc Toán và Sinh học.
Chị N.T. (xin giấu tên) cho biết, như năm trước, việc quy đổi điểm chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế để cộng vào điểm xét tuyển là phù hợp vì có thể khuyến khích cho các em học sinh có năng khiếu Tiếng Anh. Tuy nhiên, năm nay việc quy đổi điểm quá cao lại còn dùng để thay thế cho một môn xét tuyển sẽ không công bằng cho các em học và thi tổ hợp môn truyền thống.
"Con tôi từ lớp 10 quyết tâm học, ôn luyện 3 môn Toán, Hóa học và Sinh học để cuối năm lớp 12 có thể thi tuyển vào trường y dược. Tuy nhiên, khi chỉ còn 2 tháng nữa bước vào kỳ thi thì nhận được thông tin về phương thức tuyển sinh như vậy tạo ra áp lực rất lớn và ảnh hưởng tâm lý", chị T. nói.
Trong khi đó, anh T.T. (xin giấu tên) cho rằng, ở phương thức tuyển sinh thứ 2 cho ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế có 3 tổ hợp, trong đó 2 tổ hợp môn Tiếng Anh được dùng để thay thế cho 1 trong 2 môn là Hóa học hoặc Sinh học. Như vậy, ở tổ hợp môn Toán, Hóa học, Tiếng Anh sẽ không còn môn Sinh học dẫn đến những em đã học môn học này từ khi lớp 10 mất đi lợi thế.
Anh T. chia sẻ, tổ hợp B00 truyền thống học sinh ôn luyện vất vả nhưng thường rất khó để đạt mức điểm từ 9.5 đến 10, nhưng với phương thức 2, có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế (chứng chỉ này có thể thi lại nhiều lần) sẽ được quy đổi ra mức điểm gần tối đa cho môn Tiếng Anh nên lợi thế rất lớn.
Nhà trường lên tiếng về điểm quy đổi
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, TS Vĩnh Khánh, Trưởng phòng Đào tạo Đại học (Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế) cho biết, năm 2025 trường mở rộng phương thức và tổ hợp xét tuyển cho các ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học với môn Tiếng Anh được đưa vào trong các tổ hợp xét tuyển nhưng vẫn dựa trên các môn xét tuyển truyền thống Toán, Hóa học, Sinh học. Điểm các môn truyền thống trong tổ hợp tuyển sinh mới vẫn chiếm 2/3 tổng điểm xét tuyển.

Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế.
"Sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe gắn liền với sinh mạng của con người, yêu cầu về năng lực ngoại ngữ phải được xác định rõ ràng và cụ thể để có thể lĩnh hội và nâng cao năng lực chuyên môn trong quá trình học tập", TS Vĩnh Khánh nói.
Đại diện Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế cho hay, tại Thông tư 06 ngày 19/3/2025 của Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung với điểm mới là phương thức 409 (Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với quy đổi chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế thành điểm môn Tiếng Anh). Do đó, trường nhận thấy đưa môn Tiếng Anh vào trong các phương thức, tổ hợp xét tuyển thời điểm hiện nay là phù hợp.
Ngoài ra, việc sử dụng chứng chỉ Tiếng Anh trong tuyển sinh các ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt và Dược học được trường triển khai từ những năm tuyển sinh 2023 và 2024 cho nên thí sinh không quá bất ngờ khi chứng chỉ này xuất hiện trong các phương thức và tổ hợp xét tuyển của trường năm 2025.
Theo thông tư cũ, đối với mỗi phương thức tuyển sinh các đơn vị đào tạo chủ động phân bố chỉ tiêu riêng trong xét tuyển. Tuy nhiên thông tư 06 ngày 19/3/2025 quy định rõ ràng tất cả các phương thức xét tuyển phải quy đổi về thang chung.
"Công tác tuyển sinh của trường được thực hiện theo các quy định chung của Bộ GD&ĐT và Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế. Năm 2025, trường mở rộng tổ hợp có môn Tiếng Anh trong các tổ hợp xét tuyển.
Điều này rất phù hợp với xu hướng về yêu cầu năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam nói chung, đặc biệt sinh viên Y khoa, Răng - Hàm - Mặt và Dược học. Nhà trường vẫn sử dụng phương thức tuyển sinh truyền thống (mã 100 - xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT)", đại diện Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế thông tin.
Liên quan đến việc quy đổi điểm chứng chỉ Tiếng Anh, TS Vĩnh Khánh cho hay, mức điểm quy đổi dựa trên cơ sở tham khảo mức điểm quy đổi của các trường đại học trên toàn quốc áp dụng phương thức (409) và thang điểm quy đổi chung của toàn Đại học Huế.
"Đối với vấn đề này, Thường trực Ban tuyển sinh Đại học Huế đã giao Trường Đại học Ngoại Ngữ nghiên cứu thang điểm quy đổi, lấy ý kiến các bên để tập hợp thang điểm chung toàn Đại học Huế", đại diện Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế nói.
Theo Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của trường vẫn giữ nguyên như các năm về trước nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đầu vào và công bằng cho thí sinh, trường không áp dụng điểm cộng (điểm thưởng) khi xét tuyển ở tất cả các phương thức và các tổ hợp.
"Để phụ huynh, học sinh có thể chủ động trong việc lựa chọn các môn học, các đơn vị đào tạo thuận tiện trong công tác tuyển sinh, cơ quan chủ quản cần ban hành sớm các thông tư hướng dẫn để công tác tuyển sinh đại học được triển khai hiệu quả hơn nữa", đại diện Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế chia sẻ thêm.