Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội cho rằng lỗi là cả hai phía. Đầu tiên do kỹ năng đọc, phân tích đề bài của học sinh chưa tốt. Nếu hiểu có dấu trừ đằng trước thì tử số là số 2 và mẫu số là x - 3 sẽ không nằm vào chính giữa dấu gạch ngang nữa.
Lỗi tiếp theo thuộc về lỗi của đơn vị in ấn đề thi đã làm cho thí sinh hiểu nhầm về dấu. Thông thường thi vào lớp 10 Hà Nội, đề thi được tổ chức in ấn theo cụm từ 5 - 10 trường trong khu vực. Theo quy định, sau khi in mẫu, người phụ trách phải kiểm tra một lượt để tránh sai sót, trước khi nhấn nút in đồng loạt.
Nếu bỏ câu hỏi này đi thì đồng nghĩa sẽ bỏ 2 điểm trong tổng điểm xét tuyển vào lớp 10 năm nay của thí sinh (điểm môn Toán nhân hệ số 2). Trong cuộc cạnh canh vào lớp 10 rất áp lực như năm nay thì 2 điểm là một con số rất lớn.
"Để tránh thiệt thòi cho thí sinh, Sở GD&ĐT nên tổ chức chấm theo hai phương án cả dấu cộng và dấu trừ, thí sinh đưa ra được đáp án đúng vẫn sẽ chấm như bình thường. Dù là câu hỏi nào vẫn đánh giá được năng lực của thí sinh.
Việc này cũng không làm mất công bằng cho các thí sinh khác vì kỹ năng để giải hệ phương trình đó vẫn không thay đổi (vẫn đặt ẩn phụ rồi dùng phương pháp cộng hoặc thế) và số thí sinh gặp lỗi này cũng không nhiều (vài chục em trên tổng số 120 nghìn em) - đây là giải pháp hài hòa, hợp lý ở thời điểm này", thầy Tùng nêu quan điểm.
Chia sẻ với báo chí mới đây, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, trong trường hợp này phải xem xét ai chịu trách nhiệm. Nếu phần in ấn, kỹ thuật kiểm soát đề thi không chỉn chu dẫn đến hậu quả các em thí sinh hiểu sai đề thì đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, nếu cơ quan quản lý gây ra thiệt hại cho các em thì chính khâu quản lý này phải tính toán để các em không bị thiệt thòi. Nếu trường hợp các em sai phải chịu trách nhiệm, vấn đề ở chỗ Hội đồng chấm thi phải xem cái sai từ nguyên nhân nào.
"Có thể vẫn chấp nhận kết quả đối với phép tính -2 nếu các em làm đúng là nhân văn nhất. Chúng ta phải xuất phát từ quyền lợi của các em, xem xét những nguyên nhân nào làm thiệt hại với các em để loại trừ ra, luôn luôn vì học sinh và không quá máy móc".
Nhiều phụ huynh có mặt tại Sở GD&ĐT phản ánh vụ đề thi Toán bị mờ.
Là một giáo viên dạy Toán cấp THCS ở quận Nam Từ Liêm, cô N.T.Hà cho biết đây là sự việc không ai muốn và rất tiếc cho những thí sinh gặp phải tình huống như vậy.
"Có lẽ trong kỳ thi cam go hơn cả thi đại học như kỳ thi vào lớp 10 này, nhiều em căng thẳng hồi hộp với tâm lý phòng thi nên đã không dám hỏi cán bộ coi thi do vậy đã hiểu nhầm là dấu trừ. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các con học sinh khóa sau, khi có nghi vấn về đề thi thì thí sinh cần hỏi ngay để có phương án xử lý. Theo tôi, phương án hợp tình hợp lý nhất trong thời điểm này là nhầm thế nào thì chấm thế đó, miễn thí sinh làm đúng là được, trên tinh thần bảo đảm quyền lợi và sự công bằng tối đa cho các em".
Trước đó, như Sức khỏe&Đời sống đưa tin, sáng ngày 12/6, nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 công lập năm nay đã có mặt tại trụ sở Sở GD&ĐT Hà Nội để kiến nghị, đòi lại quyền lợi cho con vì đề thi môn Toán bị in mờ khiến một số thí sinh hiểu nhầm, từ đó làm bài sai.
Lý do một số phụ huynh làm đơn kiến nghị bởi sau khi kết thúc buổi thi môn Toán vào lớp 10 Hà Nội năm 2023, nhiều phụ huynh và học sinh phản ánh đề thi mắc lỗi in ấn ở câu giải hệ phương trình, khiến học sinh hiểu nhầm và làm sai.
Cụ thể, ở đề thi môn Toán, tại ý 1 câu III, đề bài yêu cầu thí sinh giải hệ phương trình. Tuy nhiên, ở một số đề thi, do mực in không rõ nên dấu gạch ngang ở phương trình thứ nhất bị đứt quãng, không liền mạch, khiến nhiều học sinh lầm tưởng là có dấu (-) ở phía trước. Theo đó, thay vì 2/(x-3), nhiều học sinh đã nhìn nhầm thành -2/(x-3), từ đó giải ra kết quả sai.
Những phụ huynh có con bị hiểu nhầm vì lỗi in ấn cho rằng đề thi của một kỳ thi quan trọng khiến học sinh hiểu nhầm là khó chấp nhận và mong Sở GD&ĐT có phương án giải quyết để không gây thiệt thòi cho các con.
Trong Hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 của Sở GDĐT Hà Nội, ở mục V. có nội dung về in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi tại Hội đồng thi như sau:
Trưởng ban In sao đề thi chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng thi và trước pháp luật, có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: tiếp nhận các túi đề thi gốc từ Ban soạn thảo đề thi, tổ chức in sao đề thi, đóng gói, niêm phong, bảo quản và bàn giao các túi đề thi cho Trưởng ban Vận chuyển và bàn giao đề thi của Hội đồng thi với sự chứng kiến của ủy viên, thư ký Hội đồng thi và công an được cử giám sát, bảo vệ đề thi; đề nghị Chủ tịch Hội đồng thi xem xét, ra quyết định hoặc đề xuất việc khen thưởng, kỷ luật (nếu có) đối với các thành viên Ban In sao đề thi.
Chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ in sao đề thi: trưởng ban In sao đề thi phải kiểm tra bảo đảm có các phương tiện thiết bị phục vụ in sao đề thi như: máy photocopy siêu tốc (khổ giấy A4 hoặc A3, tốc độ tối thiểu 100 bản một phút; độ phân giải tối thiểu 600 dpi,..), máy sắp xếp tài liệu và máy đếm trang (nếu có)…
Các máy móc, thiết bị vi tính cần phải đảm báo đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng và không gắn bộ phận thu phát và không nối mạng Internet, phải được công an kiểm tra niêm phong các cổng kết nối và lập biên bản kiểm tra, niêm phong. In sao đề thi lần lượt cho từng môn thi; in sao xong, niêm phong đóng gói theo phòng thi, thu dọn sạch sẽ rồi mới chuyển sang in sao đề thi của môn thi tiếp theo. Trong quá trình in sao phải kiểm tra chất lượng bản in sao; các bản in sao thử và hỏng phải được thu lại, bảo quản theo chế độ tài liệu tối mật.