Học sinh, phụ huynh và cả giáo viên đều mong ngóng
Thời điểm này, học sinh lớp 12 đã bước vào giai đoạn cuối của học kỳ I, tuy nhiên nhiều trường đại học vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh khiến học sinh lo lắng, khó khăn trong ôn tập và chuẩn bị định hướng đăng ký xét tuyển.
Là lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình GDPT mới ở cấp THPT và sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp vào năm 2025, Vũ Hương Giang - học sinh lớp 12 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) đang tập trung học, ôn tập theo định hướng đề thi tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố.
Theo chương trình mới, ngoài những môn học bắt buộc, Hương Giang được chọn tổ hợp môn học lựa chọn ngay khi vào lớp 10 và em không thay đổi môn học lựa chọn trong cả 3 năm học bậc phổ thông. "Sau 3 năm học thì việc chọn tổ hợp môn học lựa chọn lại làm em thiệt thòi. Em đang rất lo lắng với tổ hợp mà em đang chọn liệu có đáp ứng được yêu cầu của trường đại học. Vì vậy, chúng em mong sớm có những thông tin cụ thể để chúng em thuận lợi cho việc ôn tập".
Cùng tâm trạng, Nguyễn Lan Nhi - học sinh lớp 12 Trường THPT Thăng Long chia sẻ, năm 2025 là năm đầu tiên chúng em thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới với nhiều thay đổi. Việc chúng em chỉ thi tốt nghiệp 4 môn tưởng giảm áp lực nhưng lại làm chúng em lo về số lượng tổ hợp xét tuyển đại học giảm có thể làm ảnh hưởng đến cơ hội tham gia xét tuyển. "Mặc dù em và các bạn trong lớp đã chọn 2 môn thi trong số các môn học lựa chọn ở lớp 12, nhưng không biết các môn đó có trùng với tổ hợp trong đề án tuyển sinh của trường đại học mà chúng em muốn đăng ký xét tuyển hay không.
Để giảm áp lực, ngoài việc ôn tập theo hướng dẫn của thầy cô, chúng em cũng đã chuẩn bị một số phương án dự phòng như thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hay đăng ký tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư nhằm tăng cơ hội trúng tuyển đại học".
"Thời gian từ nay đến hết năm học không còn nhiều. Chúng tôi rất mong các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh năm 2025 để các con bớt lo lắng, yên tâm tập trung ôn thi vì với học sinh lớp 12 năm nay mọi thứ đều mới", anh Trần Đức Minh - phụ huynh học sinh Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức nêu ý kiến: "Chúng tôi cũng như là tất cả các em học sinh đều rất mong mỏi Bộ GD&ĐT có hướng dẫn và các trường có phương thức tuyển sinh của năm 2025 để cho học sinh và các thầy cô giáo chúng tôi chủ động hơn trong mọi công việc".
Ban hành Quy chế quá muộn sẽ ảnh hưởng đến thí sinh và công tác xét tuyển
Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh (Trường Đại học Thương mại) cho rằng, với các quy định mới Bộ GD&ĐT đề xuất, điều rất quan trọng với các trường là Bộ cần có quyết định ban hành Quy chế chính thức sớm và các giải pháp về mặt kỹ thuật cần được thực hiện, triển khai ngay. Nếu thời gian lấy ý kiến quá dài cũng như ban hành Quy chế quá muộn sẽ ảnh hưởng đến thí sinh và công tác xét tuyển của năm 2025.
Về phương án tuyển sinh của Trường Đại học Thương mại năm 2025, ông Trung cho hay, chỉ tiêu xét tuyển và các phương thức xét tuyển vẫn tương tự như các năm trước, không có biến động nhiều.
Tuy nhiên, ông Trung cho biết, trường sẽ có sự điều chỉnh ở các tổ hợp xét tuyển để phù hợp với quy chế và bổ sung một số tổ hợp để tạo điều kiện cho học sinh. "Năm nay, trường sẽ công bố đề án tuyển sinh sớm hơn mọi năm. Hiện tại, chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị đề án tuyển sinh và sẽ công khai ngay sau khi Quy chế tuyển sinh được ban hành và có hướng dẫn của Bộ".
Với các thí sinh sẽ tham gia xét tuyển đại học năm 2025, ông Trung khuyên các em không nên quá lo lắng, bởi Thông tư mới của Bộ GD&ĐT đưa ra nhằm mục tiêu hướng đến kỳ tuyển sinh chất lượng hơn và đảm bảo sự công bằng cho các em. Nếu có năng lực thực sự, cơ hội của các em sẽ lớn hơn. "Thí sinh vẫn nên tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để nâng cao kết quả thi thì cơ hội của các em sẽ lớn hơn. Ngoài ra, nếu còn thời gian và điều kiện, các em có thể cân nhắc tham gia thêm 1-2 phương thức xét tuyển khác để tăng cơ hội trúng tuyển".