Đêm qua, mặc dù thời tiết oi bức nhưng tại cổng Trường THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội) rất nhiều phụ huynh đã phải xếp hàng từ đêm để cho con có một "tấm vé" vào lớp 10.
Có mặt tại cổng trường từ 20h ngày 4/7, chị Hồng Nhung (ở quận Hoàng Mai) cho biết phải xin nghỉ làm trước giờ chiều hôm trước để về nhà chuẩn bị nước, quạt, đồ ăn còn ra xếp hàng.
Trường THPT Tạ Quang Bửu năm nay tuyển sinh theo ba hình thức: xét tuyển thẳng, xét tuyển học bạ và xét tuyển bằng điểm thi lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội. Với hình thức xét tuyển thứ ba, trường đưa ra mức điểm chuẩn 38,5.
Tuy nhiên, trường không cho biết cụ thể chỉ tiêu xét tuyển. Theo thông báo đưa ra ngày 2/7, trường nhận hồ sơ từ 8h sáng ngày 5/7 và dừng tiếp nhận khi đủ chỉ tiêu.
Còn tại Trường THPT Hoàng Cầu, hơn 100 phụ huynh có con trượt lớp 10 công lập đã vây kín cổng trường từ 1 giờ sáng nay (ngày 5/7) với mong muốn giành được một suất nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 năm nay. Nhiều người cho biết họ đã có mặt từ tối hôm qua và mang theo ghế nhựa, nước uống, thức xuyên đêm để nộp hồ sơ cho con.
Trường THPT Hoàng Cầu là cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính từ năm 2012. Trường không đưa ra điểm chuẩn năm nay, cũng không thông báo về cách thức xét tuyển Do đó, nhiều phụ huynh canh sẵn ở cổng để chờ nộp hồ sơ.
Là một trong những phụ huynh có mặt tại điểm Trường THPT Hoàng Cầu từ chiều tối qua, chị Hoàng Thu Hà (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, theo thông báo, Trường THPT Hoàng Cầu sẽ phát phiếu đăng ký nộp hồ sơ xin học từ 6h sáng 5/7 nên chị hy vọng xếp hàng từ đêm để con chị cơ hội vào học ở trường. "Nếu hôm nay tôi "mất lượt" thì không biết rằng cháu sẽ học lớp 10 ở đâu".
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Lan Phương - Hiệu trưởng THPT Hoàng Cầu (Hà Nội), cho hay: "Thời điểm hiện tại, nhà trường vẫn đang phát số, những phụ huynh tới nộp hồ sơ sớm nhất đã có số thứ tự.
Hiện nhà trường cũng mời phụ huynh vào trường, không còn tình trạng lộn xộn. Bộ phận tuyển sinh đang làm việc, trường sẽ nhận hồ sơ lần lượt theo thứ tự với những phụ huynh đã vào trường và đã có số thứ tự.
Những phụ huynh đang ở cổng sẽ chờ đợi thêm một chút, chúng tôi nhận hết hồ sơ với những phụ huynh bên trong trường sẽ mời phụ huynh bên ngoài vào làm việc.
Năm nay, Trường THPT Hoàng Cầu sẽ nhận hồ sơ trong khoảng từ 450-495 học sinh (chỉ tiêu được giao là 495), chúng tôi cũng không biết sáng nay phụ huynh có đến đủ với chỉ tiêu hay không. Về cơ bản nhà trường hỗ trợ hết sức để phụ huynh thuận lợi trong việc dự tuyển cho con em mình".
Trước đó, ngày 3/7, hàng trăm phụ huynh có con đạt 41 điểm trở lên nhưng trượt nguyện vọng 1 vào lớp 10 Hà Nội đã đổ ra cổng Trường THPT Phan Huy Chú từ 2h sáng để giành một suất lớp 10 cho con. Mặc dù chen nhau khó khăn để giành suất ít ỏi vào trường nhưng phụ huynh vẫn cố gắng với hy vọng con có nơi để học.
Nhiều người thắc mắc tại sao thành phố Hà Nội không xây dựng thêm trường công lập mà năm nào cũng để những cảnh tượng này xảy ra? Lãnh đạo giáo dục Thủ đô nhìn cảnh tượng này có xót cho phụ huynh và học sinh? Sao các trường tư không nộp hồ sơ rồi thông báo điểm chuẩn vào mà lại nhận cho đến hết chỉ tiêu? Sao các trường không chấp nhận phương án nộp hồ sơ online?...
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm 2023, số lượng học sinh Hà Nội đăng ký thi vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023-2024 là gần 105.000 em. Trong khi, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000, chiếm 55,7%, cùng chỉ tiêu của một số trường chuyên.
Hơn 30.000 học sinh không có cơ hội vào học tại các trường công lập có thể tham khảo, chọn học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; các trường cao đẳng, trung cấp dạy hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp học nghề, các trường ngoài công lập.
Nhà văn Hoàng Anh Tú, người gắn bó với nhiều thế hệ học trò 7x, 8x với cái tên Chánh Văn, đã có lời nhắn gửi với những cha mẹ có con không đủ điểm đỗ cả 3 nguyện vọng. "Mấy ngày qua, đọc những status chúc mừng con của các "cha mẹ bên ấy" chắc nhiều "cha mẹ bên này" cũng buồn. Con mình với con nhà người ta đôi khi cũng thành "mình làm cha mẹ kiểu nào đây?" Cũng lắm nỗi chạnh lòng. Nhưng cha mẹ xin nhớ cho 1 điều: Con của chúng ta còn buồn hơn nhiều. Xin hãy gạt nỗi chạnh lòng để trở thành chỗ dựa cậy cho con lúc này.
Trượt vào 10 của thời nay nhiều khi chẳng phải do học dốt, tư chất kém mà còn là do chọn sai nguyện vọng, đánh giá sai về điểm chuẩn. Tôi vẫn đùa rằng các cha mẹ giỏi khoản này đều đủ điều kiện để chơi chứng khoán được rồi. Có mỗi 3 nguyện vọng thôi mà cũng đoán trúng cho con thì chơi xổ số còn được nữa là. Nên các cha mẹ "bên thua cuộc" đừng buồn quá hay nghi ngờ gì sức học của con.
Cuộc đời luôn cho ta cơ hội thứ 2 sau khi chúng ta gặp thất bại. Nhưng nhớ cho, vì bạn đã là cha mẹ, bạn đã bầm dập với đời đến 30 năm có lẻ rồi còn những đứa con của bạn chúng mới chỉ 15 năm, trải nghiệm cuộc đời của chúng mới chỉ bằng cái móng tay của các bạn. Chúng cần các bạn lúc này!
Tôi thực lòng vẫn mong những cha mẹ trước khi biết kết quả thi đã nói: "Kết quả thế nào không quan trọng, bố mẹ vẫn yêu con", sẽ nhớ điều mình đã nói. Bằng những cái ôm, nụ cười (dù đã chẳng còn nguyên vẹn, tròn trịa nữa) và cả những phần thưởng cho con, dù con thua cuộc.
Nếu con vẫn còn buồn (chán ăn hoặc bỗng ăn nhiều hơn, giờ giấc ngủ cũng đảo lộn, ngủ nhiều hơn hoặc thức khuya hơn…) cha mẹ hãy viết tặng con 10 (không 100 đi, càng nhiều càng tốt) những điều tích cực tạo ra giá trị của con. Là những thứ tốt đẹp nhất ở con mà cha mẹ thấy. Hãy cho con biết chúng là 1 đứa trẻ tốt đẹp ra sao. Chúng cần được biết điều đó lúc này để tin lại vào bản thân chúng".