Phụ huynh giám sát bữa ăn bán trú trong trường học thế nào?

17-10-2023 13:57 | Thời sự

SKĐS - Năm học mới bắt đầu được hơn một tháng, bên cạnh vấn đề chất lượng học tập thì vấn đề liên quan đến chất lượng bữa ăn bán trú cũng là mối quan tâm đặc biệt của các bậc phụ huynh, nhất là cấp mầm non, tiểu học, THCS khi trẻ đang ở độ tuổi phát triển.


Yếu tố nào quyết định chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học?Yếu tố nào quyết định chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học?

SKĐS - Từ đầu năm đến nay, một số cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm khi tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh gây hậu quả nghiêm trọng. Điều này đã tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh khi không biết chất lượng bữa ăn ở trường của con như thế nào?

Bữa ăn bán trú ở nhiều trường khiến phụ huynh lo lắng

Mới đây, phụ huynh có con học ở Trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) phản ánh, suất ăn ở trường của con có giá 32.000 đồng nhưng thức ăn chỉ có vài món lèo tèo, không đủ no. Có bữa khay cơm chỉ có ít rau, một miếng giò và vài ba miếng chả cá. Bữa khác, suất ăn cũng chỉ có một ít khoai tây, 3-4 miếng cá chiên giòn nhỏ và thay miếng giò bằng thịt lợn. Ban giám hiệu nhà trường sau đó đã nhận lỗi thiếu sót trong việc giám sát khâu chia khẩu phần ăn.

Hay một vụ việc khác vừa xảy ra mới đây, theo phản ánh của phụ huynh, một số học sinh Trường Tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội) có biểu hiện nôn ói, đau bụng trong nhiều ngày và phải nhập viện. Phụ huynh nghi ngờ do suất ăn bán trú của trường.

Qua những vụ việc này, chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, chị Nguyễn Hương Liên (Hà Đông, Hà Nội) có 3 con đang theo học ở hai cấp từ mầm non đến tiểu học cho biết rất lo lắng về bữa ăn ở trường của các con. Theo chị Liên, các con đang trong giai đoạn phát triển, dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Nếu không được ăn những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, an toàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con.

Phụ huynh học sinh giám sát bữa ăn bán trú trong trường học thế nào? - Ảnh 1.

Hình ảnh suất ăn bán trú của học sinh Trường THCS Yên Nghĩa do phụ huynh cung ấp.

Mặc dù lo lắng về bữa ăn bán trú của các con tại trường học nhưng chị Liên cho biết lâu nay phụ huynh không được lấy ý kiến công khai thông tin về các đơn vị cung cấp bữa ăn. Trong buổi họp đầu năm, phụ huynh chỉ được giáo viên chủ nhiệm thông báo rằng năm nay công ty nào sẽ cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh, còn thực tế doanh nghiệp đó ở đâu, năng lực thế nào thì những phụ huynh như chị Liên lại không được biết rõ.

"Hằng ngày, mỗi khi đón con về tôi chỉ hỏi con hôm nay được ăn những món gì, có ngon không, con ăn hết suất không… mà không biết sự thật bữa ăn ngày hôm đó của con thế nào. Là phụ huynh, chúng tôi mong muốn sẽ được tham gia trực tiếp vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm cũng như được thường xuyên đến trường giám sát bữa ăn bán trú của các con. Ngoài ra, tôi mong cơ quan chức năng cũng cần giám sát thật chặt quy trình hoạt động của bếp ăn bán trú để chi phí mà phụ huynh chúng tôi bỏ ra được tương xứng với chất lượng bữa ăn của các con".

Làm sao để bảo vệ con em mình?

Về vai trò của phụ huynh trong việc giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) tại trường học, TS.BS. Trương Hồng Sơn - Phó Tổng thư ký, Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, hội phụ huynh cần phối hợp với nhà trường trong việc kiểm tra chất lượng bữa ăn cho con em mình. Phụ huynh có thể cắt cử mỗi ngày 1 đến 2 người phối hợp với nhà trường, buổi sáng sớm đến để kiểm tra nguồn đầu vào thực phẩm, số lượng có đủ hay không, chất lượng thực phẩm như thế nào.

Việc kiểm định về ATTP không dễ vì mắt thường không thể nhìn thấy vi khuẩn được. Tuy nhiên, chí ít có thể quan sát xem thực phẩm ngày hôm đó có tươi ngon không. Trong khi chế biến có thể cử phụ huynh kiểm tra đột xuất, đến bữa ăn cử người đến ăn cùng các con. Các hành động trách nhiệm như vậy sẽ bảo vệ con em mình.

Về quy trình giám sát bữa ăn bán trú tại các trường học, theo TS.BS. Trương Hồng Sơn, các quy trình phải được thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm túc. Nhà trường có thể tự nấu các bữa ăn bán trú, thuê đơn vị bên ngoài hoặc có thể kết hợp đơn vị bên ngoài nấu ăn tại trường.

Tuy nhiên, với hình thức nào cũng phải duy trì quy trình bếp ăn một chiều: thức ăn sống → thức ăn sống sạch → thức ăn chín → các suất ăn. Trong quy trình đó tất cả các khâu đều phải đảm bảo vệ sinh. Nếu một quy trình nào gặp vấn đề thì chất lượng thực phẩm sẽ có vấn đề. Để đảm bảo quy trình VSATTP cần kiểm soát chặt từ nguồn nguyên liệu cho đến khâu chế biến, bảo quản, đóng gói, phân phối.

Phụ huynh học sinh giám sát bữa ăn bán trú trong trường học thế nào? - Ảnh 2.

Kiểm tra thực phẩm tại bếp ăn một trường học. Ảnh minh họa.

Theo TS. BS. Trương Hồng Sơn, nếu nhà trường tự tổ chức bữa ăn bán trú thì phải có bếp ăn theo đúng quy chuẩn (đủ diện tích, cắt cử giám sát), nhà trường không có bếp ăn có thể ký kết với đơn vị bên ngoài, tuy nhiên cần chọn đơn vị có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và có phương án giám sát chặt chẽ.

Thành lập các ban kiểm tra tiếp nhận thực phẩm bán trú, có sự góp mặt của ban lãnh đạo nhà trường, đại diện phụ huynh học sinh, kiểm tra về số lượng, chất lượng thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm ghi trên bao bì, nhãn mác. Ngoài nguồn gốc thực phẩm, cũng cần kiểm tra, giám sát, thực hiện quy trình đảm bảo VSATTP với người trực tiếp sơ chế, chế biến thực phẩm, với cơ sở vật chất, dụng cụ chế biến, nguồn nước… "Nhân viên y tế nhà trường thường xuyên kiểm tra nhanh mẫu thực phẩm hàng ngày tại các bếp ăn tập thể. Triển khai kiểm tra chuyên sâu định kỳ nhằm phục vụ công tác giám sát an toàn thực phẩm. Nếu làm đúng tất cả các bước chúng ta có thể giảm được nhiều yếu tố nguy cơ", TS.BS.Trương Hồng Sơn cho biết.

Còn PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XII cũng cho rằng, để đảm bảo hơn nữa an toàn trong bữa ăn học đường, giá cả phù hợp, nhà trường nên mời phụ huynh cùng tham gia vào quá trình lựa chọn đơn vị cung cấp bữa ăn học đường. "Thậm chí 3-6 tháng 1 lần, nhà trường nên có đánh giá về thực đơn bữa ăn học đường của học sinh cả về chất lượng bữa ăn như dinh dưỡng, mức độ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến giá cả… Đặc biệt, nhà trường cũng cần lắng nghe ý kiến của phụ huynh, thường xuyên tổ chức cho phụ huynh đến tham quan, kiểm tra trực tiếp bếp ăn của đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh. Điều này không chỉ giúp phụ huynh yên tâm về dinh dưỡng của con khi đến trường mà còn giúp nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú trong nhà trường".

Chia sẻ thêm với PV báo Sức khỏe&Đời sống, TS. Lưu Quốc Toản - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Trường ĐH Y tế công cộng) cho biết, để đảm bảo và phòng ngừa mất ATTP liên quan tới các cơ sở cung cấp suất ăn lớn như bếp ăn tập thể trường học, các nhà trường và đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú cần tuân thủ thực hiện các quy định khác về ATTP nói chung và ATTP đối với bếp ăn tập thể nói riêng.

Cụ thể, thực hiện tốt "10 nguyên tắc vàng của Tổ chức y tế thế giới về vệ sinh ATTP": Chọn thực phẩm tươi an toàn; Nấu chín kỹ trước khi ăn; Ăn ngay sau khi nấu; Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín; Nấu lại thức ăn thật kỹ; Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn; Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác; Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn; Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác; Sử dụng nguồn nước sạch an toàn và "5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn": Giữ vệ sinh; Để riêng thực phẩm sống và chín; Nấu và chế biến đúng cách; Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn; Sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn.

Suất ăn bán trú tại Trường THCS Yên Nghĩa chỉ có vài món lèo tèo: Phòng GD&ĐT kiểm tra đột xuấtSuất ăn bán trú tại Trường THCS Yên Nghĩa chỉ có vài món lèo tèo: Phòng GD&ĐT kiểm tra đột xuất

SKĐS - Liên quan đến thông tin phụ huynh phản ánh suất ăn bán trú của học sinh Trường THCS Yên Nghĩa có giá 32.000 đồng nhưng không đủ no. Ban giám hiệu nhà trường đã nhận lỗi thiếu sót trong việc giám sát khâu chia khẩu phần ăn.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn