Phụ huynh bức xúc con tử vong, BV Chợ Rẫy khẳng định không điều trị sai

14-09-2018 19:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiều 14/9, BV Chợ Rẫy đã có buổi họp báo tường thuật toàn bộ quá trình điều trị bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng (19 tuổi), người đã tử vong sau hơn 20 ngày điều trị viêm tụy cấp tại bệnh viện này.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền nội dung tố cáo từ tài khoản Lily HM, người xưng là mẹ của bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng (19 tuổi), bà này cho biết mình sống tại Mỹ, gửi con trai cho chị gái nuôi tại Đồng Nai, 3 tháng nữa con bà đủ 20 tuổi sẽ sang đoàn tụ với gia đình thì sự cố ập tới.

Các bác sĩ BV Chợ Rẫy cho biết đã cố gắng hết sức trong điều trị

Trong dòng trạng thái chia sẻ trên trang cá nhân, bà LiLy HM bày tỏ sự đau đớn tiếc nuối và bức xúc khi con bị viêm tụy cấp, chuyển từ BV Đồng Nai về BV Chợ Rẫy điều trị rồi tử vong. Một đoạn trong nội dung chia sẻ, bà LiLy HM cho rằng bác sĩ ở BV Chợ Rẫy đã cấp cứu một bệnh nhân bị viêm tụy cấp bằng cách truyền vào tay con trai bà một bình nước biển (loại nước muối loãng mà giá khoảng 11.000 đồng).

Cũng theo bà LiLy HM, tất cả các bệnh lý đều có một khung giờ vàng để chữa trị kịp thời, nhưng phía bệnh viện đã không làm thế. "Khi bụng của cháu chướng lên cao hơn mặt thì họ bắt đầu cắm ống hút dịch từ dạ dày ra”. Mẹ của bệnh nhân cũng cho rằng khi con bà bắt đầu khó thở và kiệt sức dần do dịch tràn quá nhiều và do phải nằm chờ gần hai ngày với cách cấp cứu qua loa như cấp cứu một bệnh nhân bị tiêu chảy bình thường. "Trong khi căn bệnh của con tôi cần cấp cứu gấp và cần lọc máu hoặc chọc hút tụy. Nhưng không, họ vẫn không làm”, bà LiLy HM viết.

Tài khoản này cũng kể lại, sau khi huy động các mối quan hệ nhờ vả, con trai bà được đưa vào phòng ICU. Nhưng khi vào tới phòng này và cắm máy lọc cũng là lúc con bà tắt thở. "Họ bắt đầu dùng máy thở nhân tạo công suất cao và luồn cái ống to đùng vào phổi cho con tôi. Từ đó con tôi thở 100% bằng máy, và không tự thở được 1% nào”.

Cũng trong bài tố cáo, bà LiLy HM cho biết sau một thời gian không thấy con có tiến triển, gia đình mong muốn xin visa khẩn cấp để chuyển bệnh nhân sang Mỹ thì lại gặp trở ngại. "Điều kiện cho visa khẩn cấp là yêu cầu bệnh viện cấp một bản MEDICAL REPORT (tóm tắt bệnh án bằng tiếng Anh) và giấy xác nhận căn bệnh này bệnh viện tại Việt Nam không chữa được. Khi tôi yêu cầu giấy này thì một bác sĩ nói với tôi “Bệnh viêm tụy cấp có gì là không chữa được mà chuyển đi Mỹ. Bộ nhà bà giàu lắm hả”...

Mẹ của bệnh nhân cho biết thêm: “Sau hơn 20 ngày bất động con tôi đã mở mắt nhìn mẹ. Ngày tiếp theo họ gọi gia đình tôi lên để ký giấy chụp CT bụng cho con tôi vì chướng lên bất thường. Chiều đó tôi lên thăm cháu thì gặp bác sĩ trưởng khoa ICU đi thăm bệnh.  Sau 1 giờ đồng hồ họ gọi tôi lên và nói “ Con chị trở bệnh nặng, chỉ còn vài % sống. Chúng tôi sẽ tiến hành mổ cầu may nhưng nói trước là 99% chết trên bàn mổ. Mổ cũng chết không mổ cũng chết. Tôi nghẹn lòng và ký vào giấy với hy vọng là dù 1% nhưng biết đâu sẽ có phép màu. 9h đêm đó họ đưa con trai tôi vào phòng mổ. 2h sáng tôi chạy vào phòng ICU mặc dù bị cấm cản nhưng tôi vẫn xông vào và nhìn thấy họ đã mang con tôi ra khỏi phòng mổ và trở lại giường cũ. 6h sáng, họ gọi tôi, vị bác sĩ cho biết đêm qua đã mổ cho con tôi nhưng khi mổ ra thì bên trong tất cả đều hư hết rồi nên họ không thể làm gì hơn. Vì vậy họ nói gia đình nên đem con tôi về vì không nên để chết tại bệnh viện. Về đến nhà con tôi mất”.

Với dòng cảm thán "tại sao con tôi chết, ai đã giết con tôi", nội dung bài viết của tài khoản facebook Lily HM về cái chết của con trai lập tức được cộng đồng mạng chia sẻ.

Trước làn sóng dư luận về sự việc, chiều 14/9, BV Chợ Rẫy đã có buổi họp báo với sự tham gia của đại diện ban giám đốc và đại diện của các khoa đã điều trị cho bệnh nhân. Quá trình điều trị được tóm tắt như sau:

Bệnh nhân Nguyễn Duy Hưng, được chuyển từ BV Đồng Nai đến BV Chợ Rẫy ngày 5/8 trong tình trạng theo dõi viêm tụy cấp. Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ cho làm xét nghiệm đánh giá và theo dõi đến khoảng 5h sáng (tức sau 4 tiếng) chuyển lên khoa Nội Tiêu Hóa.

6h sáng 5/8 tại khoa Nội Tiêu Hóa, bệnh nhân ghi nhận viêm tuy cấp rất nặng. Bác sĩ theo dõi sát và có thông báo cho người nhà. Đến ngày 6/8, tình hình sức khỏe nặng hơn, bác sĩ trao đổi liên tục với người nhà, cố gắng hết sức chăm sóc tốt nhất. 12h trưa, bệnh nhân chuyển khoa ICU (Hồi sức cấp cứu) để săn sóc đặc biệt

Bệnh nhân tiên lượng khó qua khỏi, các bác sĩ thông báo với người nhà BS.CK2 Phan Thị Xuân, Trưởng khoa ICU cho biết bệnh nhân được thở máy, dùng kháng sinh, thở máy liên tục. Bệnh nhân bụng chướng, được theo dõi biến chứng để điều trị phù hợp. Người bệnh nằm 23 ngày tại ICU với chi phí khoảng 29 triệu đồng mỗi ngày (đây là chi phí hợp lý do bệnh nhân không có bảo hiểm y tế).

Người nhà xin số điện thoại bác sĩ để mời đi ăn, có 3 bác sĩ được gửi tiền bồi dưỡng nhưng không nhận. BS Xuân xác định bệnh viện không thiếu thuốc, bệnh viện không chấp nhận dùng thuốc của người nhà mang từ Mỹ về vì không thể biết chắc đây là loại thuốc gì.

Cũng theo trưởng khoa ICU, bệnh viện có 7 máy lọc máu và không có tình trạng thiếu máy. Toàn bộ máy thuộc thế hệ mới, không có tình trạng máy cũ. Về quy trình lọc máu, bệnh viện có quy trình lọc máu nghiêm ngặt, tờ theo dõi của điều dưỡng ghi rõ quá trình lọc máu, không có tình trạng lấy tiền mà không lọc máu, không có chuyện bác sĩ lấy màng lọc bán.

TS.BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh Dưỡng, BV Chợ Rẫy cho biết: "Ngày hôm đó, tôi có lên hội chẩn tại khoa ICU khoảng 3 giờ chiều và có gặp mẹ bệnh nhân đang thăm con tại khoa. Tôi còn hỏi mẹ bệnh nhân để khai thác thêm tiền sử chế độ ăn và việc dùng bia rượu của bệnh nhân. Tình trạng bệnh nhân lúc tôi thăm khám là tình trạng bệnh viêm tụy cấp nặng, thể hoại tử, suy hô hấp, tổn thương thận cấp vô niệu, tình trạng bụng chướng căng, nghe không có nhu động ruột, theo dõi tình trạng tăng áp lực ổ bụng nặng, mất máu cấp. Ngay lúc đó,  bác sĩ khoa hồi sức đã điện thoại mời hội chẩn khoa Ngoại Gan mật tụy khẩn. Trước tình trạng bệnh diễn tiến nặng như vậy, tôi có bàn với bác sĩ Hưng (bác sĩ đang theo dõi bệnh nhân này khoa ICU) là ngưng cho dinh dưỡng qua ống thông bằng nước đường và nhịn ăn hoàn toàn qua tiêu hóa. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng bằng dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch với công thức dinh dưỡng phù hợp với chuyển hóa và tình trạng bệnh lý nặng của bệnh nhân. Tôi khẳng định rằng sự quyết định, chỉ định điều trị về dinh dưỡng của tôi cho bệnh nhân này là hoàn toàn phù hợp. Đồng thời, với vai trò là  một bác sĩ được mời hội chẩn, phối hợp chuyên môn thì tôi không được phép và cũng đã không nói là bệnh nhân phải được trả về. Cho nên thông tin viết “Bệnh nhân này trả về chứ nuôi gì nữa mà nuôi” trên mạng là hoàn toàn không đúng sự thật".

TS.BS Hồ Tấn Phát, trưởng khoa Nội tiêu hóa cho biết, viêm tụy cấp luôn có những diễn tiến khó lường. Với ca này, các triệu chứng cho thấy tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Bệnh nhân cần điều trị bảo tồn bằng cách nghỉ ngơi và không thể cho ăn, chỉ truyền dịch, đồng thời đặt ống giải áp là hoàn toàn phù hợp. Trong quá trình điều trị bảo tồn, các bác sĩ đã có thông báo cho người nhà.

BS.CK2 Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng khoa Gan Mật Tụy, cũng cho hay, bệnh nhân viên tụy cấp rất nặng ở thể việm tụy hoại tử xuất huyết. Khi vào BV Chợ Rẫy bệnh nhân đã rất nặng. Bệnh đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, điều này được bệnh viện thực hiện đúng và phù hợp. Bệnh viện điều trị cho bệnh nhân theo đúng phác đồ. Tiến hành phẫu thuật lọc mô hoại tử và đã làm hết mình để cứu bệnh nhân nhưng do bệnh quá nặng nên không thể qua khỏi.

Giải thích bức xúc trong bài viết trên facebook, BS Mỹ cho rằng, nhóm bs phẫu thuật viên và hồi sức có giải thích bệnh nhân tình trạng rất nặng, khó qua khỏi để gia đình biết tình trạng bệnh của bệnh nhân cũng như tiên lượng. "Chúng tôi chỉ giả thích tình trạng bệnh rất  nặng khó qua khỏi mặc dù đã tiến hành các bước hồi sức nội khoa tích cực và theo dõi sát. Giải thích mổ mới có hy vọng vì hồi sức nội khoa đã không cải thiện mà xấu hơn, diễn tiến xuất huyết trong ổ bụng và sau phúc mạc, suy đa cơ quan. Mổ là tìm cơ may cứu sống chứ không phải mổ cầu may, càng không có câu nói "chúng tôi sẽ tiến hành mổ cầu may nhưng nói trước là 99% chết trên bàn mổ" như đã phản ánh. BS Mỹ cũng khẳng định không có bác sĩ nào nói với gia đình câu "mổ cũng chết, không mổ cũng chết".

Đồng cảm với nỗi mất mác của gia đình, tuy nhiên BS. CK2 Phạm Thanh Việt, trường phòng Kế hoạch tổng hợp cho rằng, lời lẽ của người nhà phản ánh trên mạng xã hội là chưa hiểu được tâm tư của bác sĩ, không đúng với tinh thần mà các bác sĩ đã cố gắng chữa trị. Cụ thể, bệnh viện không thiếu máy móc, các loại máy móc đều hiện đại. Việc bệnh viện không chuyển viện là hoàn toàn phù hợp. Các cụm từ đặt nội khí quản được dùng là "thọc cái ống", "máy từ thời Bảo Đại"... là không đúng với thực tế.

Về việc cấp bảng tóm tắt bệnh án để bệnh nhân làm thủ tục xuất cảnh, đại diện bệnh viện cho biết ngày 25/8 nhân lúc bệnh nhân ổn định các bác sĩ đã tiến hành làm bảng tóm tắt bệnh án (bằng tiếng Anh). Đến ngày 27/8, bảng tóm tắt chưa xong thì bệnh nhân trở nặng phải truyền máu, phẫu thuật nên bác sĩ hoãn lại việc tóm tắt bệnh án để bệnh nhân làm thủ tục xuất cảnh.

Phát biểu tại buổi họp báo, PGS.TS Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc BV Chợ Rẫy một lần nữa bày tỏ sự đồng cảm và chia buồn trước mất mác của gia đình. Tuy nhiên vị bác sĩ này cũng khẳng định, tại BV Chợ Rẫy, những ca nặng đều hội chẩn trưởng khoa và các BS có kinh nghiệm, chính vì thế không có chuyện bệnh nhân không được quan tâm đúng mức.

6/8/2018 28/8/2018 điều trị tại khoa HSCC

Chẩn đoán: viêm tuỵ hoại tử.
Điều trị:
-Thở máy.
-Lọc máu: mục đích: điều trị suy thận, lấy các hoá chất trung gian viêm do viêm tuỵ.
-Kháng sinh: điều trị nhiễm trùng.
-Kháng nấm: điều trị nhiễm nấm.
-Dinh dưỡng: đường tĩnh mạch, qua ống nuôi ăn.
-Theo dõi biến chứng.

Thiên Chương
Ý kiến của bạn