Việc lựa chọn học đại học hay học trường nghề, cao đẳng là rất khó khăn với gia đình tôi - chị Đào Thị Luyến (phụ huynh có con đang học lớp 12 ở Phú Diễn, Hà Nội) chia sẻ.
Chị Luyến cho biết, con trai chị có lực học ở mức trung bình nên gia đình muốn hướng con chọn học nghề tại một trường cao đẳng bởi ngoài thời gian đào tạo ngắn thì khi ra trường con chị sẽ dễ có cơ hội tìm việc làm hơn.
"Mặc dù con tôi vẫn mong muốn sau khi thi tốt nghiệp THPT sẽ được vào học tại một trường đại học nhưng với lực học của con thì may chăng chỉ đỗ được vào trường đại học ở top dưới. Do đó, gia đình rất phân vân giữa việc nên cho con học nghề hay học đại học".
Không chỉ chị Luyến mà nhiều phụ huynh có con đang học lớp 12 đều có chung băn khoăn liệu cho con học đại học thì cơ hội việc làm có tốt hơn học nghề hay không.
Gần 2 tháng nữa, con của anh Nguyễn Văn Phong (ở Cẩm Khê, Phú Thọ) cũng sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thời gian này, ngoài việc động viên con cố gắng ôn luyện để thi tốt nghiệp THPT thì anh Phong lại băn khoăn giữa việc lựa chọn bậc học cho con để làm sao vừa phù hợp với kinh tế của gia đình mà ra trường con lại dễ có việc làm.
Bởi theo anh Phong, hiện nay, nhiều trường đại học dự kiến tăng tới 20% học phí từ năm học 2023-2024. "Lực học của con tôi cũng chỉ ở mức trung bình khá nên gia đình đang cân nhắc cho con theo học một trường nghề của tỉnh. Nếu cháu đỗ một trường đại học không thuộc "hàng top" hoặc trường đại học ngoài công lập thì ngoài học phí cao kéo dài trong suốt 4 năm, gia đình sẽ phải gánh thêm chi phí ăn ở, sinh hoạt hằng tháng của con khi học xa nhà, sẽ rất tốn kém. Chưa kể, học đại học không biết ra trường liệu con có việc làm ngay hay không".
Người học phải tự lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp nhất
Liên quan đến vấn đề này, TS. Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, có hai sự khác biệt lớn giữa học cao đẳng và học đại học, phụ huynh và học sinh cần nắm rõ. Thứ nhất, về bậc học, học cao đẳng là bậc học thấp hơn một trình độ so với bậc học đại học.
Thứ hai về chương trình đào tạo, các trường cao đẳng, về cơ bản, đều dạy thực hành chiếm phần đa số. Một số trường chất lượng cao, giờ thực hành được nhiều hơn, có thể đạt tới 70-80%.
Theo TS. Đồng Văn Ngọc, vì số lượng thời gian học thực hành chiếm đa số nên những học sinh có học lực văn hóa ở bậc THPT chưa chắc giỏi, nhưng học nghề ở bậc cao đẳng hoàn toàn có thể giỏi về lĩnh vực nghề nghiệp. "Dù ở bậc học nào, đầu tiên là phải phù hợp với năng lực của bản thân, phù hợp với sở trường, nhu cầu, mục tiêu cũng như đam mê của mình. Quan trọng, sau khi học xong, tốt nghiệp, ra trường, dù ở bậc nào cũng phải đi làm nghề, làm ra được kinh tế và sớm tự lập. Đấy mới là mục tiêu của việc học tập".
Còn TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trước khi đưa ra sự lựa chọn, thí sinh, phụ huynh cần hiểu rõ, hiện nay, thị trường lao động Việt Nam thiếu cả nhân lực tốt nghiệp đại học và nhân lực tốt nghiệp cao đẳng, trường nghề.
Theo TS. Phạm Như Nghệ, mỗi bậc học sẽ có ưu và nhược điểm riêng. Với bậc đại học, về mặt bằng cấp, trình độ đào tạo sẽ cao hơn cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về thang bảng lương, ngay trong Nhà nước đã quy định, nếu tốt nghiệp đại học, mức lương sẽ hơn tốt nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xét tổng thể, cơ hội thăng tiến đối với học sinh tốt nghiệp đại học sẽ tốt hơn cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, hạn chế của việc học đại học là thời gian học dài hơn, tiêu chí tuyển sinh đầu vào cao hơn và học phí cũng đắt hơn so với học nghề.
TS. Phạm Như Nghệ phân tích: "Nhược điểm của bậc đại học chính là ưu điểm của học nghề. Tuy nhiên, thí sinh và phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, ở thị trường lao động Việt Nam cần cả những em tốt nghiệp đại học và cả những em tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Các em có kiếm được việc làm hay không, việc làm có tốt không, thu nhập có cao hay không, ngoài thang bảng lương như đã nói ở trên còn phụ thuộc vào chính bản thân các em. Năng lực làm việc của các em có đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hay không. Vì vậy, người học phải tự lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp nhất với mình. Không có phương án nào là ưu điểm tuyệt đối".