Tôi 37 tuổi, cơ thể gầy yếu, khoảng 4 tháng gần đây, tôi ăn không ngon miệng và hay thấy đầy bụng, khó tiêu. Gần đây, chân tôi sưng to, ấn tay lõm một lúc với trở lại. Có phải tôi bị phù? Tôi cần phải làm gì để phòng bệnh?
Nguyễn Văn Nam (Nam Định)
Phù là hiện tượng ứ nước trong các tổ chức dưới da hoặc ở các tạng của cơ thể. Phù có thể khu trú ở các chi, mặt, ngực, có khi phù toàn thân. Nguyên nhân gây phù có thể là do cơ thể không giữ được nước khi thiếu đi lượng protein và albumin khiến cơ thể bị phù. Phù có thể là một dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm như: bệnh gan, thận, ung thư... Có thể chia phù làm 2 dạng là phù mềm và phù cứng. Phù cứng xảy ra thường là bệnh liên quan đến tuyến giáp. Còn phù mềm hay còn gọi là phù dịch, nó xuất phát từ hiện tượng dịch từ trong lòng mạch thoát ra ngoài khoang bào. So với phù cứng thì phù mềm dễ phát hiện hơn. Khi bạn dùng tay ấn vào da trên nền cứng, khi rút tay ra thì thấy chỗ dấu tay ấn bị lõm xuống. Các dấu hiệu kèm theo như lượng nước tiểu ít đi, gan to, cổ trướng, khó thở...
Theo thư bạn mô tả, có thể bạn bị phù mềm, nguyên nhân cụ thể thì phải đi khám bệnh và làm các xét nghiệm cơ bản thì mới có chẩn đoán và hướng điều trị cụ thể. Trước mắt, để bệnh không nặng hơn, bạn cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tăng cường rau xanh và hoa quả tươi, giảm lượng muối trong bữa ăn. Tránh tắm nước quá nóng. Khi ngồi hoặc nằm, nên nâng cao chân, tránh ứ nước…
BS. Hạnh Nguyễn