Hà Nội

Phù chân do thuốc hạ áp, có nên dừng uống?

25-09-2019 09:17 | Dược
google news

SKĐS - Tôi 65 tuổi, bị bệnh tăng huyết áp đã lâu. Bác sĩ cho tôi uống thuốc hạ áp amlodipin, nhưng uống một thời gian thì cổ chân tôi bị phù.

Tôi 65 tuổi, bị bệnh tăng huyết áp đã lâu. Bác sĩ cho tôi uống thuốc hạ áp amlodipin, nhưng uống một thời gian thì cổ chân tôi bị phù. Tôi đọc trong đơn hướng dẫn sử dụng thuốc thì thấy tác dụng phụ là gây phù cổ chân. Xin quý báo giải thích giúp tôi hiểu vì sao amlodipin lại gây phù cổ chân và tôi nên dừng thuốc hay tiếp tục uống? Tôi xin cảm ơn!

Nguyễn Thị Liên (Hà Nội)

Amlodipin là thuốc chẹn kênh calci, có tác dụng hạ huyết áp bằng cách trực tiếp làm giãn cơ trơn quanh động mạch ngoại biên và ít có tác dụng hơn trên kênh calci cơ tim. Vì thuốc chủ yếu làm giãn tiểu động mạch ngoại biên làm tăng cường nhiều máu đến tận “cuối đường” của động mạch. Mà động mạch càng nhỏ, càng bé và thành mạch càng mỏng, khi giãn mạch khả năng thoát dịch từ lòng mạch ra bào tương càng nhiều. Phù cổ chân dễ xảy ra vì cổ chân vừa xa tim nhất, vừa là cơ quan nằm ở vị trí thấp nhất cơ thể, cho nên khả năng thu hồi máu từ các tiểu tĩnh mạch trở về tim là khó khăn nhất.

Khi tiểu tĩnh mạch chưa dẫn lưu máu kịp về tim thì lượng máu tuần hoàn cung tới các tiểu động mạch đã tới, sẽ gây thừa tức thời nên ứ lại, càng dễ thẩm thấu dịch ra bào tương, nên dễ gây phù (khoảng 3% trong số người bệnh điều trị với liều 5mg/ngày và khoảng 11% khi dùng 10mg/ngày bị phù cổ chân).

Trong trường hợp của bác, chúng tôi không thể đưa ra lời khuyên cụ thể là nên dừng thuốc hay tiếp tục uống. Mà tốt nhất bác nên đến bệnh viện, nơi có chuyên khoa tim mạch uy tín để bác sĩ chuyên khoa khám, làm các xét nghiệm máu cũng như kiểm tra xem bác có thêm bệnh gì khác nữa hay không, bác có đang uống kèm theo thuốc nào nữa không? Tình trạng phù cổ chân nặng hay nhẹ... Lúc đó bác sĩ mới có lời khuyên về việc dùng thuốc như tăng hay giảm liều hoặc cho bác uống một loại thuốc hạ huyết áp khác. Chúc bác mau khỏe!


DS. Sĩ Thành
Ý kiến của bạn