Bệnh viện Việt Đức là cơ sở y tế ngoại khoa hạng đặc biệt, tuyến đầu cấp cứu, phẫu thuật những ca bệnh nặng, khó và cũng là địa chỉ làm chủ thành công nhiều ca ghép tạng lần đầu thực hiện tại Việt Nam. Nhưng ở nơi "đỉnh" như vậy cũng có những điều vô cùng khó tin.
Trong một chia sẻ mới đây với phóng viên, TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, ca mổ dài hay ngắn, kể cả những ca phẫu thuật đặc biệt như ca ghép đồng thời tim-gan vừa thành công, các bác sĩ chính, người gây mê chính cũng chỉ được nhận phụ cấp 280.000 đồng - mức dành cho các bệnh viện hạng cao nhất.
"Các bác sĩ phụ mổ, phụ gây mê hồi sức phụ cấp còn 200.000 đồng. Mà bác sĩ của chúng tôi đứng từ 8-12 tiếng để thực hiện ca ghép cũng chỉ phụ cấp như vậy" - TS Hùng ngậm ngùi.
Nhưng vị giám đốc Việt Đức bản thân cũng bác sĩ phẫu thuật có tên tuổi khẳng định: "Chúng tôi luôn đặt sức khoẻ, tính mạng của người bệnh lên trước hết. Vì thế, dù còn một tia hi vọng nhỏ cho bệnh nhân, chúng tôi cũng cố gắng mà chưa từng nghĩ đến phụ cấp mình sẽ được nhận"...
BS Ngh. đang công tác tại một bệnh viện hạng 2 của Hà Nội, xin không nêu chi tiết thông tin cá nhân, tiết lộ rằng mỗi tháng anh trực khoảng 5 - 7 ngày nhưng tổng tiền phụ cấp trực chưa đến 1 triệu đồng. Anh chua xót so sánh những ngày trực vất vả của mình cả tháng thực sự không bằng cậu sinh viên chạy đơn Shopee trong một ngày!
"Tôi và các đồng nghiệp nhận phụ cấp 90.000 đồng và 15.000 tiền ăn cho ca trực suốt 24h, từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau. Tiền ăn này chưa mua nổi bánh mì ngon, đừng nói ăn phở. Chúng tôi làm việc vì trách nhiệm với bệnh nhân, với nghề nghiệp cứu người, còn nói tới phụ cấp trực thì thực sự không ai muốn phải đi trực đêm vừa vất vả lại không được nhận thù lao tương xứng..." - BS Ngh nói.
Trong lần Bộ trưởng Đào Hồng Lan (khi đang là Quyền Bộ trưởng) xuống làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Đoàn Thu Trà - Chủ tịch công đoàn Bệnh viện Bạch Mai đã thẳng thắn "kêu": Do ảnh hưởng của dịch bệnh và nhiều yếu tố khác, đời sống của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai trong 2 năm qua khá vất vả. Nhiều tháng liền y bác sĩ và nhân viên y tế của BV Bạch Mai phải đi làm từ 5-6h sáng để kịp thăm khám cho người bệnh. Nhưng có những người chỉ thu nhập 5 triệu, có những điều dưỡng phải bán hàng online thêm để trang trải cuộc sống.
"Thế nhưng cả đêm trực chúng tôi có thù lao 115.000 đồng (bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt mới có phụ cấp này), rất vất vả, áp lực không chỉ về chăm sóc người bệnh mà còn bị cả áp lực bạo hành từ người nhà người bệnh. Nhiều y bác sĩ làm việc và trực 24/24h, sáng hôm sau vẫn sẵn sàng đi chỉ đạo cho tuyến dưới" - TS.BS Thu Trà cho hay.
Thay mặt cho hơn 4.000 nhân viên y tế của bệnh viện và công đoàn ngành, Chủ tịch công đoàn Bệnh viện Bạch Mai Đoàn Thu Trà mong có quyết sách mới làm sao thu đúng, đủ, để nhân viên y tế có hệ số lương phù hợp, có phụ cấp tương xứng để đời sống ổn định, từ đó nhân viên y tế yên tâm làm việc, không có sự dịch chuyển công việc.
Và thực tế dịch chuyển công việc trong ngành y dã diễn ra, theo một thống kê của ngành y tế, từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, cả nước đã có gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó nhiều nhất là ở TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng.
Một trong những nguyên nhân chính khiến người lao động ngành y nghỉ việc là do áp lực công việc, trong khi thu nhập thấp, thì tìm kiếm một môi trường làm việc tốt hơn là nguyện vọng, mong muốn thực tế…
Năm 2011, khi Quyết định 73 quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch được ban hành, người lao động ngành y cảm thấy phấn khởi và có ý nghĩa động viên về mặt tinh thần.
Tuy nhiên, mức phụ cấp này giữ nguyên suốt 13 năm qua, trong khi mức lương cơ sở đã được điều chỉnh thêm 8 lần và mọi thứ trong đời sống đều vận động, thay đổi theo chiều hướng tăng khiến nhiều y bác sĩ không khỏi tâm tư.
Cũng là một phẫu thuật viên nổi tiếng ở Bệnh viện Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện cho rằng 13 năm qua, cuộc sống nhiều thay đổi, tình trạng trượt giá xảy ra thường xuyên song mức phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn giữ nguyên là thiệt thòi cho y bác sĩ.
Do đó, PGS Khánh cho rằng: Việc điều chỉnh tăng phụ cấp tiền trực, tiền mổ là cần thiết, giúp y bác sĩ phần nào đảm bảo nhu cầu cuộc sống và yên tâm làm việc chuyên môn của mình...
Thực tế, nhiều nhân viên y tế hầu như không có ngày nghỉ, làm việc cường độ cao trong thời gian kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe thể chất, tinh thần. Trong khi lương và phụ cấp chỉ đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống, không tương xứng với đặc thù làm việc và quá trình đào tạo…
"Để được đứng mổ, bản thân mỗi bác sĩ phải học rất nhiều, không như những ngành nghề khác, chúng tôi khi tốt nghiệp đại học phải thực hành 18 tháng tại bệnh viện, sau đó tiếp tục học lên chuyên khoa, học lên tiếp mới có thể đứng mổ; thời gian học dài, chi phí để học không hề nhỏ thế nhưng phụ cấp lại rất thấp. Trong khi nghề y là nghề đặc thù, chúng tôi phải học tập suốt đời"- một bác sĩ giấu tên chia sẻ.
BSCK II Phạm Thanh Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng việc điều chỉnh tăng phụ cấp trực, mổ và chống dịch là cần thiết, khi tăng tiền phụ cấp cho nhân viên y tế thì bắt buộc phải điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, nếu không sẽ rất bất cập.
"Trước đó tăng lương cơ sở nhưng giá dịch vụ khám chữa bệnh không tăng dẫn đến hiện nay nhiều bệnh viện tự chủ đang rất căng thẳng khi chi trả lương. Chúng tôi đã phải lấy quỹ lương dự phòng để chi trả cho anh em. Như thế là bệnh viện đang 'ăn thịt chính mình'"- BSCK II Phạm Thanh Việt nói.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ: Trước khi cải cách tiền lương (áp dụng từ 1/7/2024), công chức hưởng lương khởi điểm như nhau. Nếu một người chỉ học bốn năm, thì sau 4-5 năm ra trường, người đó đã có thể tăng hai bậc lương.
Trong cùng thời gian đó, "bác sĩ tương lai" vẫn đang học. Tức là, vào thời điểm một bác sĩ vừa ra trường, nhận lương khởi điểm, thì một công chức cùng trang lứa ở ngạch khác có thể đã lên hai bậc lương...
Không chỉ người làm ngành y cảm thấy thiệt thòi mà ngay cả cử tri cũng lên tiếng. Mới đây, cử tri tỉnh Hà Giang phản ánh hiện chế độ phụ cấp trực thấp không đảm bảo được cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, tiền trực ngày thường của nhân viên trạm y tế xã hiện 18.750 đồng/đêm, ngày cuối tuần là 32.500 đồng, còn tiền ăn 15.000 đồng/đêm.
Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ Y tế nâng phụ cấp tiền trực, tiền ăn ngày thường lên 100.000 đồng/đêm; ngày cuối tuần lên 150.000/đêm; ngày nghỉ lễ tăng từ 45.000 lên 200.000 đồng/đêm. Hỗ trợ tiền ăn ngày cuối tuần và nghỉ lễ từ 15.000 lên 150.000/ngày.
Hôm 8/10, Bộ Y tế đã công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Dự thảo đang lấy ý kiến người dân và các đơn vị liên quan, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 11 tới đây. Trong dự thảo này có nhiều điều chỉnh tăng cả mức phụ cấp trực, phẫu thuật và chống dịch...
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi nhận được thông tin này đã bày tỏ: "Tôi rất cảm ơn và thấy nhẹ lòng khi hay tin các cơ quan chức năng đề xuất tăng mức phụ cấp, tiền trực cho nhân viên y tế gấp hai đến ba lần, nhằm đảm bảo thu nhập.
Đây là việc làm cần thiết, hướng tới sự công bằng cho y bác sĩ trong bối cảnh giá cả tiêu dùng leo thang, mức phụ cấp theo quy định cũ đã trở nên lạc hậu. Có nhiều lý do để chờ đợi dự thảo thông qua, sớm ngày nào hay ngày đó"...