Phù bình, trừ phong nhiệt, lợi niệu

SKĐS - Phù bình còn gọi bèo cái, bèo tía, bèo ván... Theo Đông y, phù bình vị nhạt cay, tính mát; vào kinh phế. Có tác dụng phát hãn, thúc sởi, tống độc, trừ phong nhiệt, lợi niệu. Hằng ngày dùng 4-12g bằng cách sắc, nấu. Dùng tươi để tắm khi sởi mới phát do nhiệt tích mà không mọc được: 150-250g.

Sau đây là một số cách dùng phù bình làm thuốc:

Thúc sởi, tống độc

Dùng khi sởi mới phát, nhiệt tích lại nên sởi không mọc được: phù bình 8g, sanh liễu 8g. Sắc uống. Lấy 150-250g phù bình, sắc lấy nước để lau rửa toàn thân.

Trị đơn độc mới phát,  ngứa do mồ hôi ứ đọng, trẻ em lòi dom (Nam dược thần hiệu): lá bèo cái nấu lấy nước để xông, rửa; lá giã nát đắp chỗ đau.

Chữa phong nhiệt, đầu mặt sưng ngứa, khắp mình nổi mẩn ngứa hoặc sưng phù: bèo cái (bỏ rễ) 30g, bạc hà 20g, kinh giới 30g. Sắc uống và lau rửa.

Trị  mề đay thể nhiệt (nốt đỏ nóng rát, miệng khát, phiền táo, khi gặp gió nóng bệnh phát nặng thêm...): bèo cái (bỏ rễ) 8g, kim ngân hoa 16g, ké đầu ngựa 16g, kinh giới 16g, lá dâu 16g, thổ phục linh 16g, xa tiền 16g, bồ công anh 12g, thuyền thoái 6g, sinh địa 12g. Sắc uống.

Phù bình (bèo cái) khô là vị thuốc tác dụng thúc sởi, tống độc, trừ phong nhiệt, lợi niệu.

Lợi niệu, tiêu thũng

Trị phù do viêm thận cấp tính, tiểu tiện kém: phù bình 8g, mộc tặc 12g, liên kiều 12g, xích tiểu đậu 20g, đông qua bì 16g, tây qua bì 16g, ma hoàng 4g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Trị viêm cầu thận cấp, có mụn nhọt chốc lở kết hợp: phù bình 10g, ngải diệp 12g, ích mẫu 10g, bạch mao căn 10g, bồ công anh 10g, kim ngân hoa 10g, sài đất 12g, huyền sâm 12g, sinh địa 12g. Sắc uống.

Kiêng kỵ: Người hay bị ra mồ hôi hoặc thân thể hư nhược kiêng dùng.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn