Hà Nội

Phóng viên tác nghiệp tại vùng dịch: Khó khăn và thử thách

15-12-2021 09:52 | Xã hội

SKĐS - Dịch bệnh bùng phát ở Hải Dương vào những ngày cận Tết Tân Sửu, cùng với thầy thuốc, lực lượng tuyến đầu tham gia hỗ trợ địa phương, nhóm PV báo Sức khỏe và Đời sống cũng nhanh chóng có mặt tại đây để tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Trong những ngày tác nghiệp tại tâm dịch Hải Dương vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhóm PV Báo Sức khỏe và Đời sống đã không ngần ngại khó khăn, nguy hiểm khi vào các khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, trực tiếp đồng hành cùng các lực lượng tuyến đầu để mang đến cho bạn đọc những thông tin, hình ảnh sống động, chân thực nhất.

Tuyên truyền công tác chống dịch, quan trọng nhất là thông tin phải chính xác, luôn đặt lên hàng đầu, thông tin trên báo Sức khỏe& Đời sống về y tế từ vùng dịch càng cần phải đúng, đảm bảo tính khoa học, chuẩn mực, không gây hoang mang trong dư luận nhân dân.  

Trong "rừng" thông tin về dịch, về nỗ lực không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, người dân, thầy thuốc diễn ra hằng ngày, PV hiện trường phải lựa chọn được những tin tức "đắt" nhất, nội dung thể hiện cần hợp lý và phù hợp với tôn chỉ mục đích tờ báo. 

Phóng viên tác nghiệp tại vùng dịch: Khó khăn và thử thách - Ảnh 1.

Nhóm PV Báo Sức khỏe và Đời sống có mặt tại Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương vào những ngày cận Tết Tân Sửu

Theo quy định phòng, chống dịch, không phải nơi nào phóng viên cũng được đến tác nghiệp. Nhiều khu cách ly, phong tỏa, bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân COVID-19 còn có những quy định khắt khe hơn như: Phải có đồ bảo hộ, khẩu trang đúng tiêu chuẩn; được sự đồng ý của cơ quan chức năng hay người đại diện/lãnh đạo đơn vị y tế…

Khi tác nghiệp tại vùng dịch, 3-5 ngày, PV sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm PCR một lần, và lần nào cũng hồi hộp, lo âu bởi PV là những người thường xuyên có mặt tại các nơi nguy cơ lây nhiễm cao.

An toàn- đó là yếu tố tiên quyết mà PV phải đặt lên hàng đầu khi tác nghiệp tại vùng dịch. Để có mặt tại Phòng hồi sức cấp cứu (ICU) hay các địa điểm nguy cơ cao, PV phải thuộc lòng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn khi mặc và thay đồ bảo hộ hay những quy tắc khi tiếp xúc với F0. 

Chỉ cần một sai sót nhỏ, hậu quả sẽ rất khôn lường, khi ấy, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của PV mà nguy hiểm cho cộng đồng. Vì vậy, việc tác nghiệp của PV gặp vô số khó khăn khi khoác lên mình bộ đồ bảo hộ với lớp kính chắn, khẩu trang N95 nhưng vẫn phải tuân thủ những quy định khắt khe để bảo vệ chính mình và cộng đồng. Và tất nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ xảy ra, không phải cơ sở khám chữa bệnh nào cũng đồng ý cho PV tác nghiệp, nhiều đề tài mà PV phải tìm mọi cách, mọi phương tiện để tiếp cận bằng được nhân vật, mục sở thị hiện trường.

Phóng viên tác nghiệp tại vùng dịch: Khó khăn và thử thách - Ảnh 2.

PV Báo Sức khỏe và Đời sống phỏng vấn y tá Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn – Bệnh viện Đại học Kỹ Thuật Y tế Hải Dương

Bên cạnh đó, để có những hình ảnh chân thực, sống động nhất về công tác phòng, chống dịch không chỉ của các y bác sĩ, nhóm PV đã không quản đêm khuya tới các địa điểm như CDC Hải Dương đưa tin về những người "trắng đêm" truy vết hàng nghìn mẫu bệnh phẩm hay căn bếp "không ngủ" của các cô U60-70 ngày đêm phục vụ hàng trăm bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 2.

Thế nhưng, không phải lúc nào công việc của PV cũng "thuận lợi", nhiều người còn chưa quen với ống kính máy ảnh, máy quay, tâm lý e ngại không muốn xuất hiện trên báo chí. Hay chỉ nghe tới hai từ nhà báo - câu chuyện giữa chúng tôi và người dân bỗng trở nên gượng gạo. 

Tại địa điểm căn bếp dã chiến, phải đến lần thứ 2 PV mới có thể trò chuyện, làm quen và được các cô nuôi trong chia sẻ về những hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn lặn lội 3h sáng đạp xe tới căn bếp để nấu ăn cho bệnh nhân.

Phóng viên tác nghiệp tại vùng dịch: Khó khăn và thử thách - Ảnh 3.

PV Anh Văn Báo Sức khỏe và Đời sống phỏng vấn PGS.TS Đinh Thị Diệu Hằng - Giám đốc Bệnh viện dã chiến Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Ảnh: Trung Sơn

Không chỉ có vậy, việc đi lại, di chuyển của PV cũng gặp nhiều khó khăn khi địa bàn dịch trải dài trên nhiều huyện, thị kèm với đó là tần suất các chốt kiểm soát xuất hiện dày đặc. Khi PV di chuyển đến các địa điểm xa thành phố như TP Chí Linh, Kinh Môn, Cẩm Giàng… bằng xe máy thay vì xe công vụ khi đi qua nhiều chốt kiểm soát liên ngành gặp khó khăn, thậm chí có những lần không thể di chuyển.

Thế nhưng, vượt qua những khó khăn, trở ngại và cả thách thức, bước chân của các nhà báo - chiến sĩ trên "chiến trường" COVID-19 vẫn len lỏi đến nhiều con ngõ, thôn xóm, từng căn phòng điều trị bệnh nhân, bếp ăn dã chiến… không quản ngày đêm để ghi lại những hình ảnh nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, truy vết F0, các cô nuôi "trắng đêm" nấu ăn phục vụ bệnh viện dã chiến và cả những chuyến xe cuối cùng đưa các bệnh nhân rời Bệnh viện dã chiến 1 (Chí Linh)…. 

2 năm 2020 – 2021, Đảng bộ Báo Sức khỏe&Đời sống đã lãnh đạo chỉ đạo tập thể phóng viên bám sát các hoạt động, chỉ đạo chống dịch của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đẩy mạnh tuyên truyền, chủ trương chính sách phòng chống dịch để người dân tin tưởng, đồng lòng chống dịch. Đảng ủy Báo Sức khỏe&Đời sống đã chỉ đạo, phân công đảng viên, phóng viên đi vào vùng tâm dịch, đưa thông tin nóng hổi, chính xác nhất từ vùng dịch giúp người dân hiểu, đồng lòng cùng ngành y tế và các cấp chính quyền chống dịch.

30 ngày tác nghiệp tại tâm dịch Hải Dương, chúng tôi có cơ hội được biết đến những người con Hải Dương giàu lòng mến khách, tận tình với những chiến sĩ tuyến đầu đã đón Tết tại Hải Dương, cùng Hải Dương chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19. 

Cũng vì thế, nhiều tuyến bài, bài viết thể hiện bằng Emagazine chất lượng cao về công tác tuyên tuyền phòng, chống dịch COVID-19 ở Hải Dương đã được nhiều độc giả đón đọc.

Khi viết những dòng hồi tưởng này, chúng tôi những người làm báo được sống trong trung tâm của sự kiện rất tự hào và luôn biết ơn sự giúp đỡ của các thầy thuốc đã luôn đồng hành và giúp đỡ chúng tôi.

Bên cạnh đó, là sự động viên và luôn sát cánh cùng phóng viên của Ban biên tập và các bạn đồng nghiệp ở tòa soạn đã giúp phóng viên vượt qua những khó khăn, nỗi nhớ nhà đằng đẵng!

Kim Dung
Ý kiến của bạn