Vì nhiệm vụ, họ để lại gia đình, để lại những niềm vui cuộc sống thường nhật, lao vào làm việc không kể ngày đêm, để có những thông tin chân thật nhất, sống động nhất, nhanh nhất về dịch bệnh chuyển tải tới bạn đọc.
Đến thời điểm này, cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta đã trải qua 1,5 năm, trong dòng chảy thông tin của mặt trận truyền thông về chống dịch, nhiều phóng viên của Báo Sức khỏe&Đời sống đã luôn có mặt tại các điểm nóng, các tâm dịch từ Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM... Báo Sức khỏe&Đời sống đi đầu trong việc cập nhật, chuyển tải đến bạn đọc những thông tin nhanh nhất và chính xác nhất về phòng chống dịch. Nhiều thông tin của báo là độc quyền, mang tính chất định hướng dư luận trong công tác phòng đại dịch.
Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cũng là lúc Việt Nam đang nỗ lực để có thể nhanh nhất, sớm nhất khống chế đợt dịch COVID-19 thứ tư với đặc thù biến chủng Ấn Độ siêu lây nhiễm. Chúng tôi, những phóng viên của Báo Sức khỏe&Đời sống xin gửi đến độc giả những dòng cảm xúc trong quá trình tác nghiệp ở năm dịch COVID-19 thứ hai này...
Nhà báo Ngô Anh Văn - Trưởng ban Xã hội bạn đọc - Y tế địa phương: Cảm ơn nghề báo đã cho tôi có mặt tại các tâm dịch, ăn Tết trong vùng dịch
Làn sóng COVID-19 lần thứ tư ập đến. Cả tòa soạn báo SK&ĐS lao vào cuộc. Sáng sớm 30/4/2021, tôi nhận được tin từ CTV cho biết, Hà Nội sẽ có cuộc họp khẩn với huyện Đông Anh về ca mắc COVID-19 trên địa bàn.
Rất nhanh, không suy nghĩ nhiều tôi lên đường, đúng 7h có mặt ở UBND huyện. Ngay sáng 30/4 (dù là ngày nghỉ), một cuộc họp khẩn được tổ chức ngay tại tòa soạn với nhiều nhà báo có kinh nghiệm lăn lộn trong trận chiến COVID-19 do Tổng biên tập Trần Tuấn Linh chủ trì. Từ đây tôi hiểu cần ở tư thế sẵn sàng lên đường khi có yêu cầu.
Nhà báo Anh Văn trong lần công tác tại tâm dịch COVID -19.
Lần lượt từng nhóm phóng viên đã được Ban Biên tập điều đến các điểm nóng Bắc Giang rồi Bắc Ninh. Phó Tổng biên tập Tô Quang Trung động viên: Văn sẵn sàng nhé. Khi cần sẽ “tung” cậu vào.
Thời điểm này, dịch đang bùng phát mạnh tại Bắc Giang và bắt đầu lan đến tỉnh Bắc Ninh, tôi về nhà với tâm trạng hồi hộp, thông báo với gia đình nhỏ: Có khả năng, bố sẽ đi Bắc Giang hoặc Bắc Ninh đợt này. Vợ im lặng không nói, bởi đã rất hiểu nghề nghiệp của tôi. Còn 2 đứa nhỏ, có vẻ hào hứng: Bố đi vào vùng dịch? Bố có sợ không? Tôi chỉ mỉm cười: Các bác sĩ đang khoác balo vào vùng có dịch, có người còn viết đơn tình nguyện xin được đi kìa. Bố phải xin các bác mới đồng ý cho đi đấy.
Tôi may mắn được công tác ở Báo SK&ĐS đến nay đã 21 năm. Được dìu dắt và chỉ bảo tận tình của nhiều thế hệ nhà báo giỏi đi trước, cùng sự ủng hộ, giúp đỡ của các bạn đồng nghiệp nên trong 3 đợt dịch COVID-19 tôi được vinh dự có mặt đưa tin từ các điểm nóng ở Đà Nẵng (7/2020), Hải Dương (1/2021) và Bắc Ninh (5/2021).
Tôi trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của các đồng nghiệp tại tòa soạn những người luôn đồng hành, cùng thức khuya, dậy sớm như tôi ở ngoài “tiền phương” để có những bản tin, hình ảnh nóng hổi nhất từ tâm dịch. Những dòng inbox, những lời động viên qua tin nhắn, những cuộc điện thoại hỏi thăm từ Tổng Biên tập và các lãnh đạo báo cũng như từ các bạn đồng nghiệp luôn là lời động viên quý giá giúp phóng viên nơi tâm dịch có thêm sức khỏe, yên tâm theo dòng tin thời sự.
Qua 3 lần vào tâm dịch, kỷ niệm nhất, tôi thấy rằng mình rất may mắn khi được ở lại Hải Dương vào những ngày Tết Tân Sửu. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế do PGS.TS. Trần Như Dương làm trưởng đoàn làm việc không kể thời gian. Tối muộn, sau ngày làm việc, gặp nhau bên mâm cơm, rồi nói chuyện khẽ, “gần Tết rồi đấy”. Cảm nhận không khí Tết đã về, các anh chị phục vụ của Nhà khách Tỉnh ủy Hải Dương lo bữa cơm của đoàn có thêm bánh chưng, khoanh giò, bát canh măng bớt nỗi nhớ mâm cơm ngày Tết quây quần bên gia đình.
Tổ truyền thông của tôi tại Hải Dương gồm 5 anh em, khi hội ý với nhau về chiến dịch truyền thông trong những ngày Tết, cả nhóm đều đồng lòng, háo hức quyết tâm ở lại cùng nhau chống dịch. Hẹn ngày hết dịch, ta sẽ ăn Tết bù.
Đêm 30 Tết Tân Sửu chắc chắn không thể nào quên với tổ truyền thông 5 người của chúng tôi tại Hải Dương. 20 năm làm báo lần đầu tiên tôi đón Tết xa nhà. 4 bạn trẻ Kim Dung, Trung Sơn, Huy Hoàng, Đức Tùy... lần đầu tiên xa gia đình, người yêu, vợ con. Sát giờ đón giao thừa, các em còn lao vào bệnh viện “chiến”, có người còn chạy xe ngoài đường để ghi hình ảnh thực tế của Hải Dương. Rồi cả nhóm như đã hẹn có mặt để nghe lời chúc năm mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, của Bộ trưởng Bộ Y tế từ Hà Nội.
Trong suốt hành trình, các tổ truyền thông của Bộ Y tế chúng tôi không ngại khó khăn, nguy hiểm. Các thành viên tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh đã lao vào “cuộc chiến” chống giặc COVID-19, xuất hiện tại điểm nóng, mọi thời điểm, từ rạng sáng đến đêm muộn, tham gia những cuộc họp bàn các biện pháp phòng chống dịch dài cả chục tiếng đồng hồ... Những bản tin, bức ảnh, đoạn clip về cuộc chiến chống COVID-19 của tổ truyền thông vẫn đều đặn, nhanh chóng gửi về tòa soạn.
Dù có tuân thủ những quy định phòng dịch cẩn trọng như thế nào đi nữa, nhưng đã lao vào điểm nóng là đồng nghĩa với việc chấp nhận nguy cơ cao bị nhiễm SARS-CoV-2. Bởi muốn có hình ảnh chân thực, muốn có những cuộc phỏng vấn sinh động, phóng viên không thể không trực tiếp vào “vùng đỏ” tiếp xúc với thầy thuốc trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân nặng. Chúng tôi không quản nguy hiểm, chỉ mong truyền tải hình ảnh, tin tức chính xác nhất, sinh động nhất đến bạn đọc...
Nhà báo Hoàng Nữ Thái Bình, Phó Trưởng ban Thời sự chính trị - quốc tế: Cuộc họp lúc nửa đêm, giao thừa nơi “thành trì chống dịch” và bức ảnh độc quyền...
Do sự phân công công việc của tòa soạn, cá nhân tôi được giao nhiệm vụ theo dõi thông tin mọi hoạt động phòng chống dịch của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế. Đây vừa là thuận lợi nhưng cũng là áp lực không nhỏ trong công tác đưa tin. Làm sao để thông điệp truyền thông về phòng chống dịch phải nhanh, nhưng phải đúng và trúng, đó là điều tôi luôn trăn trở và cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng chính vì thế, mỗi khi có cơ hội được đến các điểm nóng, đến tâm dịch là tôi luôn nhiệt tình tham gia...
Nhà báo Thái Bình (áo đỏ) tác nghiệp tại Hà Nam khi cán bộ y tế của tỉnh này là công dân Việt Nam đầu tiên đuợc tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
21h30 ngày 27/1, khi đang ở nhà cùng gia đình, tôi nhận được điện thoại từ Bộ Y tế: “Em đến Bộ ngay nhé, cuộc họp khẩn chống dịch chuẩn bị bắt đầu”. Không kịp nghĩ gì, tôi vội vã đến cơ quan. Khi có mặt tại phòng họp, tôi nhìn đồng hồ đã gần 22h. Lúc này lãnh đạo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế cùng các Cục/Vụ/Viện liên quan của Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế đều có mặt và cuộc họp được nối với điểm cầu nóng Hải Dương - Quảng Ninh, nơi có 2 ca bệnh trong cộng đồng mở màn cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần thứ ba ở nước ta. Chủng biến thể mới lần đầu xuất hiện trong nước, nhiều nguy cơ và cả hệ thống phải kích hoạt chống dịch với cấp độ cao nhất, bởi dịch COVID-19 đã “tấn công” vào khu công nghiệp của Hải Dương, hàng trăm người đã thành bệnh nhân COVID-19...
Ở thời điểm đó, ý thức được công việc của mình (bởi chỉ có tôi và 1 phóng viên của Cổng thông tin điện tử Chính phủ tham dự cuộc họp quan trọng này) tôi vội vã bật máy tính, ghi âm và tác nghiệp. Cuộc họp đến hơn 0h ngày 28/1 mới kết thúc, cũng là lúc tôi hoàn thành sơ sơ bản tin.
Bước ra khỏi phòng họp, cá nhân tôi hiểu rằng, mình sẽ có những chuỗi ngày bận rộn trên mặt trận truyền thông đợt dịch thứ ba nhiều đặc thù - sát Tết Nguyên đán. Gió rét cắt da, cắt thịt của đêm mùa đông, gần 1h sáng nhưng phòng họp cơ quan Bộ Y tế mới tắt đèn, sân Bộ vẫn lao xao lời dặn dò của anh chị em trong cơ quan “về nghỉ đi, sáng bắt đầu cuộc chiến”...
Trong đợt dịch thứ ba này, tôi đã liên tục có những chuyến đi công tác giữa Hà Nội - Hải Dương và Hà Nội - Quảng Ninh; 27 tháng Chạp vẫn đi công tác Quảng Ninh; mùng 3 Tết Nguyên đán đã lên đường đến tâm dịch Hải Dương...
Nhắc lại công tác truyền thông của đợt dịch thứ ba, cá nhân tôi không thể nào quên được hoạt động tác nghiệp của đêm Giao thừa Tết Tân Sửu giữa “thành trì” điều trị bệnh nhân COVID-19 của phía Bắc - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW.
Đó là đêm giao thừa đặc biệt, bởi ở thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới là lúc mỗi chúng ta cần sum họp gia đình hơn bao giờ hết. Nhưng vẫn có hàng nghìn y bác sĩ, nhân viên y tế của gần 20 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 đang tạm xa gia đình, để thực thi nhiệm vụ. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng tạm xa gia đình ở thời khắc đó để đón giao thừa trực tuyến với hàng nghìn y bác sĩ tại điểm cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW.
Trong giờ phút đó, tôi rất xúc động, bởi lẽ 18 năm gắn bó với nghề báo, chưa bao giờ nghĩ mình tác nghiệp trong một không gian, thời gian mà nhiều cảm xúc đến vậy. Ở đó, tôi đã được nghe những tâm sự, những gửi gắm của thuyền trưởng ngành y với các đồng nghiệp, đồng đội của mình và tôi cũng đã được hòa mình vào bài hát mà toàn tuyến cùng cất lên hào hùng trong đêm Giao thừa “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”... Về đến nhà và hoàn thiện xong bài viết cũng là lúc gần 2h sáng ngày mùng 1 Tết Tân Sửu... Chiều mùng 2 Tết lại họp, mùng 3 Tết đi Hải Dương, mùng 4 và mùng 5 họp, rồi mùng 6 đi làm. Tết Tân Sửu là cái Tết khá đặc biệt với tôi...
Ở đợt dịch thứ tư này, ngay ngày mở màn chống dịch chiều 29/4, tôi đã có mặt tại điểm nóng Hà Nam cùng đoàn công tác của Bộ Y tế. Trong thời điểm chiều tối 29/4, tôi là phóng viên duy nhất vào tâm dịch của Hà Nam - thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, cũng chính vì thế mà tôi đã chụp được bức ảnh độc quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy kiểm tra thực tiễn khu cách ly, khoanh vùng chống dịch tại thôn Quan Nhân.
Tiếp sau đó là những ngày công tác đến các vùng tâm dịch liên miên. Cứ như thế, cá nhân tôi góp phần cùng các đồng nghiệp của báo mang đến những thông tin chân thật, nhanh nhất về công tác ứng phó với dịch bệnh đến bạn đọc Báo SK&ĐS.
Trong suốt hơn 1 năm qua, tôi đã cùng ăn, cùng ngủ và cùng làm với “em Vy”, nhiều lúc con gái nhỏ phàn nàn “suốt ngày mẹ ôm máy tính”. Chút áy náy với con, nhưng rồi đâu lại vào đấy, bằng “phép thắng lợi tinh thần” của mẹ, cô con gái nhỏ lại vui vẻ, thậm chí còn nhiều lần dặn mẹ nhớ đeo khẩu trang và rửa tay liên tục khi mẹ đi làm.
Viết lại những dòng chia sẻ này, tôi luôn cảm thấy biết ơn lãnh đạo tòa soạn báo, đó là đồng chí Tổng biên tập, các đồng chí Phó Tổng biên tập, đồng chí Trưởng ban và nhiều nhiều đồng nghiệp khác trong, ngoài tòa soạn đã luôn quan tâm, động viên, sẻ chia và giúp đỡ tôi trong công việc. Đó còn là sự hỗ trợ của nhiều anh, chị, em ở Bộ Y tế và gia đình đã dành cho tôi. Cá nhân tôi tự dặn mình phải tiếp tục nỗ lực, trau dồi để có thể hoàn thiện mình hơn với mỗi tác phẩm báo chí...
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Thời sự chính trị - quốc tế: Trải nghiệm rất đáng nhớ
Gần 15 năm gắn bó với nghề báo, đã từng có những chuyến đi công tác dài ngày, đến “tạm trú” tại nhà của các đồng bào dân tộc thiểu số nơi miền núi xa xôi. Nhưng có lẽ chuyến đi vào “tâm dịch” tại Bắc Ninh mới đây, với tôi có những điều rất đặc biệt ...
Rời Hà Nội vào một buổi sáng trời mưa như trút nước, ngay khi đến Bắc Ninh, tôi cùng đoàn công tác đã đến BVĐK tỉnh Bắc Ninh. Lúc này, tình hình dịch bệnh tại địa phương đang rất “nóng” và phức tạp khi có hàng trăm ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 20 bệnh nhân nặng, đang được điều trị tại BVĐK tỉnh.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (bìa trái) tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Ninh.
Chứng kiến sự khẩn trương, nhiệt tình, tận tụy của các y bác sĩ tại đây, cảm giác lo sợ vào vùng dịch ban đầu của tôi không còn nữa. Thay vào đó là niềm cảm hứng cho công việc khi nghĩ rằng, những người trực tiếp điều trị, chăm sóc và tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân còn không sợ, nữa là mình...
Tại Bắc Ninh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dường như mọi thành viên trong từng tổ công tác không còn khái niệm “hôm nay là thứ mấy”. Hàng ngày, các tổ căng mình hoạt động, không lúc nào ngơi nghỉ... Khi có tình huống gấp về dịch bệnh xảy ra, những cuộc họp bắt đầu từ lúc 21h và kết thúc khi ngày mới đã bắt đầu...
Chúng tôi, những phóng viên trong Tổ Truyền thông phân chia nhau bám sát hoạt động của các tổ, nhanh chóng truyền tải thông tin mới nhất, chính xác nhất đến bạn đọc. Việc làm này có thể là dễ dàng trong một sự kiện bình thường, nhưng đối với thông tin từ vùng dịch, khi mọi diễn biến có những thay đổi nhanh, khó ngờ, anh em phóng viên đều thận trọng, cân nhắc đến từng từ ngữ, con số để không làm bạn đọc hoang mang trong thời điểm rất nhạy cảm về tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, có những bài viết giúp người dân hiểu hơn những khó khăn vất vả của cán bộ y tế vẫn hàng ngày thầm lặng cống hiến, vì sức khỏe người dân.
Trong bữa cơm tối ngày 8/6, nhận được thông tin từ Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông báo 22h đêm nay, 3 thôn tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được gỡ bỏ phong tỏa khi trải qua 21 ngày không phát sinh ca mới tại cộng đồng. Đây là những thôn đầu tiên được gỡ bỏ phong tỏa tại tỉnh Bắc Ninh. 21h, tôi cùng anh em phóng viên nhanh chóng di chuyển, tuy nhiên gần đến huyện Thuận Thành, trời mưa như trút nước, mưa to đến nỗi xe phải di chuyển rất chậm, có lúc phải dừng lại vì quá nguy hiểm. Anh em phóng viên ai nấy đều lo lắng với thời tiết như thế này sẽ tác nghiệp như thế nào đây. Nhưng thật may mắn, sát thời điểm gỡ bỏ phong tỏa tại thôn Đa Tiện, xã Xuân Lâm, trời đột nhiên ngớt mưa, chỉ còn lác đác vài hạt, tôi cùng anh em phóng viên nhanh chóng xuống xe, thực hiện tác nghiệp để kịp thời ghi lại chia sẻ cũng như những hình ảnh không thể nào quên của người dân nơi đây.
Rồi còn lần tác nghiệp ở nơi lấy mẫu xét nghiệm. Mặc dù chưa phải khoác trên người bộ đồng phục bảo hộ, anh em phóng viên đã cảm thấy rất ngột ngạt trước cái nóng như thiêu đốt của mùa hè. Bước vào điểm lấy mẫu, chứng kiến áp lực phải lấy mẫu khẩn trương cho rất đông người dân, trên gương mặt, những bộ đồng phục bảo hộ của các cán bộ y tế thấm đẫm mồ hôi, có những người đã nằm gục, anh em phóng viên ai cũng cảm phục sự chịu đựng bền bỉ của những cán bộ y tế.
Nhà báo Lê Hoàng Dương, phóng viên Ban Thời sự chính trị - quốc tế: Chuyến công tác với nhiều “cái nhất”
Ngày 17/5/2021, tôi được phân công trong danh sách Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế phòng chống dịch COVID-19 ở Bắc Giang. Ngay sáng hôm sau, đoàn đã di chuyển đến tâm dịch nóng nhất cả nước. Đây quả là chuyến công tác có nhiều cái “nhất” của tôi.
Dài nhất, đoàn chúng tôi lên Bắc Giang từ 18/5 và rút vào ngày 10/6, tròn 3 tuần.
Họp nhiều nhất, ngay khi vừa có mặt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã tập trung cả đoàn để nắm bắt tình hình, sau đó là những cuộc họp triền miên với lãnh đạo tỉnh. Các phóng viên đều “choáng ngợp” với lịch các buổi họp chống dịch đột xuất và liên tục, thậm chí thường xuyên dài đến 11h đêm.
“Làm” nhiều nhất, đội ngũ 4 phóng viên của 2 tờ báo trong đoàn đã miệt mài sản xuất 130 tin, bài, clip.
Di chuyển nhiều nhất, Bộ phận thường trực chia thành 3 tổ chính là xét nghiệm, điều trị, cách ly. Tôi được phân công theo tổ giám sát cách ly y tế do ông Dương Chí Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế làm tổ trưởng. Với nhiệm vụ của mình, tổ đã đi giám sát hàng chục các khu cách ly (KCL) trong tổng số 240 KCL khi đó ở Bắc Giang, đồng thời, tổ còn phối hợp với các đội chấm điểm của tỉnh Bắc Giang đi rà soát điều kiện phòng chống dịch để trở lại sản xuất cho hàng chục nhà máy trong các khu công nghiệp. Mỗi ngày, ngoài di chuyển bằng xe ôtô đến các điểm, tổ đã phải đi bộ nhiều km vòng quanh các nhà máy rộng hàng chục nghìn m2 dưới trời hè nắng nóng và không một bóng cây.
Nhà báo Hoàng Dương có chuyến công tác đáng nhớ tại “điểm nóng” dịch COVID-19 Bắc Giang.
Chuyến công tác cũng mang đến nhiều cảm xúc nhất cho tất cả thành viên trong đoàn. Từ lo lắng khi bắt đầu, đến hồi hộp mỗi ngày chờ kết quả số lượng bệnh nhân nhiễm mới, mừng khấp khởi mỗi khi có tin bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện, các nhà máy hoạt động trở lại.
Đổi lại, chúng tôi đã vô cùng xúc động khi được chứng kiến tinh thần đoàn kết và sự quyết liệt của tất cả các đội ngũ, những người dân, đặc biệt là đội ngũ y tế đang trực tiếp chiến đấu với đại dịch. Có gần 3.000 y, bác sĩ, sinh viên các trường y, dược, các đội y bác sĩ tinh nhuệ từ nhiều miền Tổ quốc đã đến hỗ trợ Bắc Giang trong trận chiến này.
Tôi đã dành nhiều thời gian quan sát hình ảnh những lãnh đạo tỉnh “bơ phờ” vì mệt mỏi và phải ra những quyết định phong tỏa vô cùng khó khăn, đầy lo lắng. Những thành viên trong Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế chạy đôn chạy đáo như đang sắp xếp đại sự cho chính gia đình mình. Những đội ngũ “áo trắng” trong đó không ít em sinh viên đôi mươi, khoác đồ bảo hộ, dưới cái nắng 40oC, miệt mài lao vào tâm dịch để xét nghiệm, lấy mẫu, gương mặt đỏ ửng hằn vết khẩu trang, vẫn cười vui, làm việc hết sức nghiêm túc và chuyên nghiệp.
Xúc động không kém là được chứng kiến những con người Bắc Giang, rồi vô vàn nhiều chuyến xe thiện nguyện đã mang thực phẩm, đồ thiết yếu đến hỗ trợ Bắc Giang chống dịch.