Hà Nội

Phóng viên tác nghiệp bị côn đồ hành hung - SOS

10-07-2019 14:04 | Pháp luật
google news

SKĐS - Nghề báo đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn khi chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua lại xảy ra thêm ít nhất 2 vụ các nhà báo bị côn đồ tấn công.

Bởi vậy, để tránh việc bị đe dọa, hành hung trước khi cơ quan chức năng có thể can thiệp, các nhà báo cần phải tự biết bảo vệ mình, đó là trang bị thêm một số kỹ năng để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Nghề báo - nghề nguy hiểm

Qua 2 vụ các nhà báo bị côn đồ tấn công cho thấy với tính chất manh động và liều lĩnh được thể hiện ở chỗ, không chỉ hành hung, đập phá tài sản, phương tiện tác nghiệp... mà nguy hiểm hơn có đối tượng côn đồ còn khủng bố cả tinh thần của phóng viên như đe dọa “giết cả nhà” họ.

Mới đây, nhận được thông tin về nhiều công trình sai phạm tại khu vực Cửa Nghè, Thạch Cầu thuộc địa bàn phường Long Biên (Hà Nội), được sự phân công của Ban biên tập, 2 phóng viên (PV) báo Tuổi trẻ Thủ đô (TTTĐ) đã đi thực tế, điều tra và ghi nhận các hình ảnh sai phạm. Khi vừa tác nghiệp xong và ra về, bỗng xuất hiện một nhóm khoảng 6 thanh niên lạ mặt điều khiển xe máy ào tới từ nhiều hướng chặn xe, bao vây nhóm PV và chửi bới. Có vẻ như những đối tượng này đã có sự chuẩn bị kỹ càng, có kế hoạch, có tổ chức để thực hiện vụ tấn công bởi sự xuất hiện đúng lúc, đeo khẩu trang bịt kín mặt để ngăn chặn khả năng nhận diện. Các đối tượng này đã vô cùng hung hãn lao vào đánh tới tấp nhóm PV... và chỉ chịu rời đi khi công an xuất hiện.

Sau khi bị nhóm côn đồ trên tấn công gây thương tích, ngày 2/7, các PV báo TTTĐ đã nhập viện tại Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) điều trị, các bác sĩ chẩn đoán nhóm PV bị “Chấn động não do bị đánh”... Ngoài việc bị tấn công uy hiếp sức khỏe, tính mạng, nhóm PV còn bị những kẻ côn đồ đập phá tài sản, phương tiện đi lại tác nghiệp. Cụ thể, nhóm côn đồ trên đã sử dụng vật cứng để đập phá ôtô mà nhóm PV đang sử dụng, khiến chiếc xe bị hư hỏng, móp méo...

Trước vụ hành hung nhóm PV báo TTTĐ không lâu, một vụ khủng bố tinh thần nhà báo khác có tính chất nguy hiểm hơn đã diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Theo trình báo của nhà báo T.L, PV báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, trong ngày 3/5, ông nhận được nhiều cuộc gọi của 1 phụ nữ và 1 đàn ông  gọi đến chửi bới, mạt sát, khủng bố và dọa giết cả nhà, đồng thời họ còn dọa sẽ “xử” 2 con của PV T.L vì cho rằng PV T.L đã viết báo đụng đến quyền lợi của họ trong một vụ kiện dân sự. “Hiện nay, tôi và người thân của tôi đang hết sức lo lắng, hoang mang vì tính mạng bị đe dọa. Tôi kính trình báo sự việc và nhờ Công an TP. Tuy Hòa (Phú Yên) có biện pháp hỗ trợ giúp tôi và vợ con tôi trước sự uy hiếp, nguy hiểm trên” - PV T.L viết trong đơn trình báo gửi Công an TP. Tuy Hòa.

Được biết, nguyên do của vụ khủng bố tinh thần nhà báo này là, ngày 26/4, báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh đăng bài “Tòa xử “siêu nhanh” sau 15 ngày thụ lý” của một CTV. Trước đó, PV T.L được tòa soạn phân công liên lạc với Chánh án TAND TP. Nha Trang tìm hiểu thêm một số vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng vụ kiện để bổ sung vào bài báo trên. Bởi vậy, người phụ nữ và người đàn ông cho rằng PV T.L là người viết bài...

Kẻ côn đồ tấn công phóng viên  sau khi tác nghiệp trên địa bàn phường Long Biên.

Kẻ côn đồ tấn công phóng viên sau khi tác nghiệp trên địa bàn phường Long Biên.

Phóng viên cần làm gì để tránh bị hành hung?

Thời gian qua, thực trạng nhà báo bị hành hung không phải hiếm, ngoài 2 vụ việc nói trên còn có hàng chục vụ nhà báo bị “côn đồ” tấn công hoặc bị cản trở tác nghiệp một cách thô bạo. Qua quan sát một số vụ hành hung nhà báo cho thấy, có 2 lý do dẫn đến việc bị hành hung. Thứ nhất, nghiệp vụ điều tra của nhà báo không tốt, bị lộ khi điều tra đối tượng nên bị đối tượng hành hung. Đó là chưa kể đến có một số nhà báo có động cơ vụ lợi vừa đi vừa đánh trống khua chiêng “tôi đang điều tra anh đây”, rồi hạnh họe hoặc vòi vĩnh dẫn đến đối tượng bức xúc nên ra tay. Thứ nữa, rất nhiều nhà báo, đặc biệt là các bạn mới vào nghề, ảo tưởng sức mạnh của mình, có những hành động, thái độ không phù hợp khiến đối tượng bức xúc.

Việc bảo vệ nhà báo không chỉ được quy định trong Luật Báo chí, mà với tư cách là một công dân thì nhà báo cũng được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, thực tế không ít nhà báo gặp nạn ngay trước khi lực lượng chức năng có thể can thiệp kịp thời. Bởi vậy, để tránh việc bị đe dọa, hành hung trước khi các đối tượng “côn đồ” có thể tấn công, các nhà báo cần phải tự biết bảo vệ mình, đó là trang bị một số kỹ năng trong quá trình tác nghiệp để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Theo chia sẻ của một số nhà báo “lão làng” từng làm việc tại nhiều tờ báo như Lao động, Thời báo Tài chính... thì nguyên tắc số 1 của PV điều tra đó là sự hiểu biết về pháp luật. Nếu không hiểu luật, không hoạt động, không tác nghiệp theo luật thì chính PV có thể vi phạm pháp luật. Thứ 2 đó là PV phải có cái tâm. Cái tâm ở đây là sự công bằng, trong sáng, không vì động cơ vụ lợi cá nhân để lái cuộc điều tra theo hướng có lợi cho bản thân vì thế người PV phải khách quan. Tiếp theo đó là sự nhạy cảm đối với sự việc, phát hiện sự việc và lường trước được sự tác động của bài viết của mình sẽ tác động như thế nào đến với đối tượng được phản ánh. Và cuối cùng đó là sự nhân văn của nhà báo.

Đặc biệt trong các vụ việc phỏng vấn, điều tra tiêu cực, các PV khi làm việc không được dồn ép, đe dọa đối tượng, nếu họ có sai thì cũng luôn gợi mở cho họ phương án khắc phục và sẵn lòng lắng nghe ý kiến, luôn tỏ thái độ hợp tác thì không gây ức chế cho đối tượng và không bị đánh. Khi kết thúc phỏng vấn, PV không bao giờ nhận bất cứ quà cáp gì của đối tượng thì chắc chắn sẽ không bao giờ bị gài bẫy. Và khi viết bài, phải tôn trọng sự thật, không bịa đặt, không nói quá, ngôn từ phải nhân văn, nếu làm được điều đó, người bị phê phán chắc chắn tâm phục khẩu phục.


Trọng Hoàng
Ý kiến của bạn