Ai dễ bị viêm phổi do cúm?
Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân. Ở nước ta, có 3 loại virus gây cúm mùa thường gặp nhất là cúm A, cúm B, cúm A/H1N1 (ít gặp), nguy cơ tiến triển thành dịch cao.
Nghiên cứu cho thấy trong số các trường hợp cúm được xác nhận thì tỷ lệ mắc cúm A chiếm khoảng 75%, cúm B chỉ khoảng 25%. Cả 2 loại bệnh này đều rất dễ lây khi tiếp xúc với giọt bắn hoặc dịch tiết của người bệnh trong không khí lúc họ ho hoặc hắt hơi.
Ngoài ra, nếu người bị nhiễm cúm mùa chạm vào bề mặt bị nhiễm virus cúm, người bình thường chạm phải bề mặt này sau đó chạm vào miệng hoặc mũi của mình thì cũng bị lây bệnh. Thời gian lây nhiễm cúm thường khoảng 3 - 4 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh.
Tùy thể nhẹ và nặng ở từng người mà triệu chứng của bệnh cũng có sự khác nhau nhưng nhìn chung khi mắc cúm người bệnh thường có biểu hiện ho, nghẹt mũi, đau đầu, ớn lạnh, đau họng, nhức mỏi cơ thể, sốt, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, khó thở, tức ngực, chóng mặt,...
Xét về mức độ nặng thì cúm mùa thường không nguy hiểm với những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, những người trên 60 tuổi, mắc các bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người thừa cân, béo phì và đặc biệt là phụ nữ mang thai… là nhóm dễ bị biến chứng viêm phổi khi mắc bệnh cúm.
Thông thường viêm phổi lúc đầu có thể do virus cúm gây nên nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang bội nhiễm thêm các loại vi khuẩn như phế cầu và tụ cầu, khiến tình trạng của người bệnh nặng lên, xuất hiện cơn khó thở, thở nhanh, mệt lả, tím tái môi, ý thức lơ mơ... lúc này cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế.
Trên thực tế, biến chứng thường gặp nhất viêm phổi do cúm là viêm phổi nguyên phát do bản thân virus gây ra và viêm phổi thứ phát do nhiễm trùng sau khi nhiễm virus
Đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc cúm A thì biến chứng nguy hiểm nhất xảy ra sẽ là tổn thương đa cơ quan, suy cơ tim biến chứng suy hô hấp dẫn đến tử vong. Đối với cơ địa phụ nữ mang thai khi mắc các bệnh lý liên quan đến viêm phổi nguy cơ cao gây ra sẩy thai, sinh non.
Phòng viêm phổi do cúm
Để phòng ngừa viêm phổi do cúm, khi có dấu hiệu bất thường nên đi khám kịp thời để được tư vấn, điều trị hiệu quả, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm. Chẩn đoán bệnh sớm và chính xác có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc người bệnh, đồng thời bệnh nhân cũng sẽ được cách ly sớm, hạn chế nguy cơ lây lan và bùng phát dịch.
Sau khi đã được chẩn đoán bệnh, bệnh nhân nên tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ, đồng thời tiến hành cách ly để tránh lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh.
Những trường hợp bệnh nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh cúm mỗi người nên chủ động phòng ngừa bệnh với những biện pháp sau:
- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân.
- Che miệng khi hắt hơi.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý để tăng cường sức đề kháng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn.
- Vệ sinh mũi và họng hàng ngày bằng nước muối.
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi, người già, người có bệnh lý mạn tính, phụ nữ trước khi mang thai,…. nên tiêm phòng cúm hàng năm.
- Không nên tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc người đã mắc bệnh.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh lây nhiễm bệnh.