Phòng viêm phế quản cấp khi thời tiết chuyển lạnh

16-01-2023 18:18 | Bệnh thường gặp

SKĐS- Viêm phế quản cấp tính là tình trạng niêm mạc của phế quản bị tổn thương. Đây là một bệnh thường gặp, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường và lạnh như hiện nay. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, dứt điểm bệnh có thể gây biến chứng.

Phế quản là gì?

Tiếp nối với đường hô hấp trên là khí quản, nối tiếp với khí quản là phế quản, tiếp với phế quản là tiểu phế quản, phế quản tận cùng (phế nang). Hệ thống đường hô hấp có nhiệm vụ dẫn dưỡng khí ô xy vào trong phế nang (nơi trao đổi chất) và đưa khí CO2 ra ngoài theo đường ngược lại.

Nguyên nhân viêm phế quản cấp tính

Có nhiều nguyên nhân gây nên viêm phế quản cấp tính:

- Tác nhân gây bệnh viêm phế quản cấp xếp hàng đầu là các loại virus đường hô hấp (Adeno virút, Rhino virút; Echo virút; virút cúm, á cúm,…). Bên cạnh virút là vi khuẩn phế cầu, H. influenza, não mô cầu (luôn thường trực ở họng, mũi), tụ cầu, liên cầu, Mycoplasma,… xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

- Do sức đề kháng của cơ thể yếu, đặc biệt là người bị liệt, nằm lâu ngày, suy dinh dưỡng (trẻ em, người già), suy kiệt (nằm liệt giường), mắc một số bệnh mạn tính (còi xương, hen phế quản…),

- Sau mắc một số bệnh nhiễm trùng như: cúm, sởi…, khi có các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể không đủ sức đề kháng để chống lại chúng.

- Các yếu tố thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, đó là thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt

- Người nghiện thuốc lá, thuốc lào...

- Môi trường nhiều khói, bụi, mắc bệnh hen mạn tính.

- Ngoài ra, viêm phế quản cấp có thể do sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ làm cho vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và người đó dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có bệnh viêm phế quản cấp do vi khuẩn.

Triệu chứng viêm phế quản cấp

Phòng viêm phế quản cấp khi thời tiết chuyển lạnh - Ảnh 1.

Hắt hơi xổ mũi là biểu hiển thường gặp của viêm phế quản cấp.

- Sốt cao đột ngột từ 38 – 39oC; một số trường hợp người già, trẻ còi xương suy dinh dưỡng có thể chỉ sốt nhẹ do phản ứng của cơ thể kém.

- Mệt mỏi do cơ thể bị mất nước, mất chất điện giải.

- Cảm thấy nhức đầu.

- Có cảm giác nóng rát ở phía sau xương ức, đặc biệt là khó thở.

- Một số trường hợp triệu chứng bắt đầu thường là viêm đường hô hấp trên: rát, ngứa họng, ho khan, hắt hơi, sổ mũi. Sau vài ngày, ho có đờm màu trắng đục như mủ hoặc vàng hoặc xanh.

Nếu bị viêm phế quản cấp do virus, hầu hết các biểu hiện này thường kéo dài chừng 1 tuần sẽ hết, tuy vậy, ho có thể kéo dài đến vài ba tuần lễ.

Viêm phế quản cấp do vi khuẩn, vi nấm nếu không chữa trị kịp thời bệnh ngày càng nặng và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng, đặc biệt với trẻ em suy dinh dưỡng, còi xương, người tuổi cao, sức yếu, suy kiệt. Một số trường hợp có thể trở thành viêm phổi, viêm phế quản mạn tính và hay bị tái diễn.

Chẩn đoán viêm phế quản thế nào?

- Chẩn đoán viêm phế quản cấp tính, ngoài các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ dựa vào tiền sử của người bệnh: đang hoặc đã từng viêm họng mũi, viêm VA, viêm amiđan, hút thuốc lá, nghề nghiệp tiếp xúc với hóa chất…

- Cần chụp X quang phổi để chẩn đoán phân biệt với bệnh khác.

- Bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ. Đồng thời cần xét nghiệm máu xem chỉ số bạch cầu, chỉ số tốc độ lắng máu, chỉ số CRP…

Khi nghi bị viêm phế quản, có các triệu chứng bệnh, cần đi khám bệnh để xác định nguyên nhân để được điều trị sớm. Đặc biệt trẻ em suy dinh dưỡng, còi xương và người cao tuổi có sức khỏe kém không được chủ quan, bởi bệnh tuy không rầm rộ nhưng đôi khi bệnh rất nặng.

Phòng viêm phế quản cấp khi thời tiết chuyển lạnh - Ảnh 2.

Súc họng vệ sinh hàng ngày để phòng bệnh.

Phòng ngừa viêm phế quản

Để phòng bệnh cần:

- Vệ sinh họng, miệng sạch sẽ hàng ngày bằng các biện pháp đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

- Nếu thường bị viêm mũi, họng mạn tính, nên súc họng nước muối nhạt hàng ngày trước khi đánh răng.

- Nếu bị bệnh viêm họng, mũi mạn tính cần tích cực điều trị để vi sinh vật gây bệnh không còn tồn tại ở đó.

- Hàng ngày nên tập vận động cơ thể, tùy theo sức khỏe và điều kiện của từng lứa tuổi.

- Cần giữ ấm cơ thể nhất là lúc thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt.

- Nên tắm, rửa bằng nước ấm. Không nên tắm lâu, tắm xong lau khô người, đầu tóc và mặc quần áo ngay để tránh cảm lạnh, nhất là trẻ ốm yếu, còi xương, suy dinh dưỡng, người cao tuổi có sức khỏe kém.

- Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý đủ chất cho từng lứa tuổi, nhất là trẻ em và người cao tuổi để nâng cao sức đề kháng chống lại các tác nhân gây bệnh.

Phòng và chữa viêm phế quản cấp tính vào mùa thuPhòng và chữa viêm phế quản cấp tính vào mùa thu

SKĐS - Mùa thu, khí hậu khô hanh gây ra loại nhiệt bệnh ngoại cảm gọi là thu táo. Lúc đầu tà (tác nhân gây bệnh) vào phần vệ khí, sau đó đi vào phần phế khí gây bệnh cấp tính ở phế quản với các triệu chứng như sốt, ho, nhức đầu, ngực đầy, sườn đau…

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Mùa Lạnh Đừng Để Viêm Phổi 'Tấn Công" | SKĐS

BS. Nguyễn Văn Bàng
Ý kiến của bạn