Mọi người thường nói “vui như Tết”! Bạn thấy câu nói đó thế nào khi trong dịp Tết mà cứ sốt, hắt hơi liên tục rồi nước mũi cứ tuôn trào? Thật là đáng ngại phải không? Nhất là với trẻ em mà viêm mũi họng trong dịp Tết đến xuân về như thế này thì thật phiền toái... Nào thì chuẩn bị nhà cửa đón Tết, nào thì chuẩn bị món ăn, mua quà Tết cho các cụ trong khi con cái cứ quấy khóc vì sốt, vì ho, vì đau họng... Nhiều khi mất cả Tết vì viêm mũi họng! Vậy làm thế nào để hạn chế bị viêm mũi họng trong dịp Tết?
Rất dễ phát sinh bệnh tai mũi họng
Không khí dịp Tết rất thuận lợi để xuất hiện viêm mũi họng vì không khí xuân có độ ẩm rất cao, mưa phùn thường xuyên làm cho sự lưu thông không khí kém, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây bệnh và dễ gây thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời. Không khí xuân cũng mang theo nhiều phấn hoa, mùi hoa đặc biệt tai hại cho những người dị ứng các tác nhân này. Trong khi mọi người mải mê ngắm sắc màu rực rỡ của mùa xuân qua các loại hoa thì những người dị ứng không dám ra chợ hoa, thậm chí nếu phải đi qua những nơi nhiều hoa như thế phải đeo khẩu trang thật kín hoặc phải nhịn thở khi đi ngang qua.
Cần đưa trẻ đi khám khi có các dấu hiệu bệnh tai mũi họng.
Với thời tiết như thế này, khi ra đường nên mặc đủ ấm, hai nơi cần giữ ấm nhất đó là vùng bụng và vùng ngực. Nếu có mưa phùn, cố gắng để đầu tránh bị ướt bằng mũ, khăn trùm, áo mưa... Với trẻ em, không nên ra ngoài trời sau 6 giờ tối cũng như trước 7 - 8 giờ sáng. Tránh cho trẻ chơi đùa ở những chỗ có gió lùa. Không nên cho trẻ đến những chỗ đông người (hội chợ, triển lãm dịp Tết...) vì rất dễ nhiễm bệnh chéo do hệ miễn dịch của trẻ còn chưa đầy đủ. Hơn nữa, nhiều khi mọi người không biết rằng đồ ăn, nước uống cũng rất dễ làm viêm mũi họng do niêm mạc họng dị ứng với các loại thức ăn đó, nhất là đồ uống có cồn ướp lạnh, thức ăn không rõ nguồn gốc dễ bị nhuộm phẩm màu hoặc tẩm các hóa chất không được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Chế độ ăn uống, sinh hoạt trong dịp lễ Tết cũng thường bị đảo lộn làm cho bệnh dạ dày xuất hiện hoặc tái phát gây ra hiện tượng trào ngược cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm mũi họng.
Khi bị viêm mũi họng thì phải làm gì?
Trong Tết, để tìm được chỗ khám bệnh thường rất khó vì bạn phải đến bệnh viện mới có trực Tết và có thuốc bán, chính vì thế trong những ngày Tết bạn nên chuẩn bị cơ số thuốc cho cả nhà, đó là các thuốc kháng sinh nhóm β lactam cho cả người lớn và trẻ em, thuốc hạ sốt, thuốc giảm viêm, giảm ho, thuốc chống sung huyết mũi vì thuốc này có khả năng làm mất triệu chứng ngạt mũi, một trong những triệu chứng làm người bệnh khó chịu của viêm mũi họng.
Phấn hoa là một thủ phạm khiến viêm mũi dị ứng gia tăng.
Sử dụng thuốc hợp lý mà an toàn
Bạn cứ nhìn dịch mũi của người bệnh mà có thể quyết định việc dùng thuốc: nếu dịch mũi trong, bạn không cần sử dụng kháng sinh mà chỉ dùng các thuốc điều trị những triệu chứng mà người bệnh mắc phải như sốt, đau họng nhiều (hạ sốt, giảm đau), ho (giảm ho, long đờm...), thuốc co mạch chống ngạt tắc mũi, chống hắt hơi bằng nhóm thuốc chống dị ứng kháng histamin H1... Tốt nhất, nên đến gặp bác sĩ mà bạn hay khám, nhờ tư vấn nên sử dụng thuốc gì và nên dự trữ thuốc gì cụ thể và kê đơn điều trị dự phòng cho bạn.
Nếu dịch mũi có màu vàng, xanh, nên sử dụng kháng sinh theo liều được sử dụng trên tờ hướng dẫn dùng thuốc để biết cách dùng, liều lượng, đường dùng tránh nhầm lẫn khi tự ý sử dụng thuốc, nhất là sử dụng thuốc của người lớn trong gia đình cho trẻ em, do đó mà tất cả các thuốc dự trữ phải để xa tầm với của trẻ em. Nếu trẻ sốt phải thường xuyên cặp nhiệt độ cho trẻ (tốt nhất là một tiếng một lần) để có thể hạ nhiệt một cách kịp thời, tránh những rủi ro đáng tiếc cho trẻ khi sốt cao đặc biệt là sốt cao co giật.
Nếu tự điều trị trong 2 - 3 ngày, bệnh tiến triển tốt thì duy trì thuốc và liều đó trong 7 - 10 ngày, còn nếu sau 2 - 3 ngày bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu dần (sốt vẫn cao, ho càng ngày càng tăng, chảy nước mũi đặc dần...) cần đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị nhằm tránh có thể xảy ra các biến chứng của bệnh.