Phong vị Tết Việt trên đất Mỹ

10-02-2013 10:08 | Quốc tế
google news

Số người Việt Nam sống ở nước ngoài hiện nay độ bốn triệu. Riêng ở Mỹ: 1,5 triệu. Thực tế có thể lớn hơn vì chỉ tính riêng trong 15.000 người sang du học, nhiều người mang vợ theo, rồi ông bà sang trông cháu.

Số người Việt Nam sống ở nước ngoài hiện nay độ bốn triệu. Riêng ở Mỹ: 1,5 triệu. Thực tế có thể lớn hơn vì chỉ tính riêng trong 15.000 người sang du học, nhiều người mang vợ theo, rồi ông bà sang trông cháu. Một đã hóa thành năm, sáu. Những cộng đồng Việt quen thuộc ở Quận Cam, ở San Jose, ở Houston, ở Philadellphia... cũng ngày một đông thêm. Nhiều cộng đồng mới, nhỏ hơn, rải rác xuất hiện.

Phong vị Tết Việt trên đất Mỹ 1
Trong trai phòng chùa Vô Ưu California

Ở những vùng đông người Việt, Tết Nguyên đán còn lưu nhiều hương vị xưa. Đôi khi vị xưa ấy còn đậm hơn ở chính quê nhà. Vì đấy là hương vị của hoài niệm, đã thành một thứ bảo tàng tâm hồn, ít chịu tác động đổi thay của thời cuộc. Nội một món quà sáng của thường ngày: bánh cuốn Thanh Trì, ăn ở San Jose tôi thấy nó “Thanh Trì” hơn cả bánh Thanh Trì của Hà Nội bây giờ: độ mềm, độ ướt cho đến cách rải bánh làm gợi nhớ phong vị cách đây hơn nửa thế kỷ trên phố hè Hà Nội. Thật ngạc nhiên một cái bàn thờ gia tiên ngày tết trong gia đình một cụ đã ở tuổi 80 ở nơi này lại làm tôi nhớ những nhang đăng kỳ ảo trên bàn thờ quê nội hồi thuở bé thơ.

Người xa quê thường níu vào tục xưa nếp cũ mà tự “phục chế” quê hương cho hồn mình yên ổn. Những năm 60 thế kỷ trước, nhà văn Xứ Huế Thanh Tịnh sống độc thân trong một buồng của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội, áp tết ông thường mua mấy giò hoa giấy thô sơ dán trên que nứa. Tôi chê. Ông nói đấy là loại hoa ngày xưa mẹ ông hay mua, nay ông  lùng tìm mua nó để mình gần mẹ. Có phải thế chăng mà mấy dãy hàng tết của chợ Phúc Lộc Thọ quận Cam, hay chợ Sư tử San Jose cứ gợi nhớ một nét gì đó của chợ lễ tết đường Nguyễn Huệ Sài Gòn xưa?

Phong vị Tết Việt trên đất Mỹ 2
Họp mặt đón Tết

Cỗ tết trong mỗi gia đình Việt kiều hình như có đổi thay theo tuổi của chủ nhà. Mấy năm trước hai cụ còn, mâm cỗ Nguyên Đán còn giò nem ninh mọc, mâm cúng giao thừa còn gà luộc cả con. Ở Mỹ siêu thị bán gà đã thịt, xẻ từng mảnh, mua gà còn sống phải vào tận trại nuôi mới mua được.

Bà con Việt Kiều mượn vào không khí tết mà hồi cổ tuổi trẻ, mà truy lĩnh tình cảm cố hương. Khi xa không gian thì lấy hương vị thời gian mà bù đắp. Ngày tết thường có những cuộc gặp mặt bạn bè, những ai cùng hội cùng thuyền, hoặc gần nhau chỗ ở, gần nhau nghề nghiệp. Chỗ mọi người hay đến là các ngôi chùa. Chùa Việt ở Mỹ cũng nhiều sắc thái. Có chùa mang dáng dấp quê hương hàng cau, cây đại, mái cổng tam quan, cách bày tượng Phật. Có chùa chuyển từ nhà ở sang, khách hành hương còn nhận ra dấu tích căn hộ. Riêng ở Cali, khá nhiều chùa đẹp, tích tụ công quả của nhiều người. Ở San Jose có ngôi chùa trong phố, do một kiến trúc sư Phật tử thiết kế rất tinh tế trong kiểu dáng và chất liệu. Đang đi trong phố Mỹ, bước qua cổng tam quan là nhập vào hồn Việt.

Phong vị Tết Việt trên đất Mỹ 3
Chợ hoa siêu thị Sư tử San Jose

Chùa ngày tết có cả các bà con theo các tôn giáo khác. Đến chùa để thấy lại một khóm hoa mộc, một giại nứa trước hiên, để bước chân trên lối nhỏ lát gạch nghiêng, để nghe tiếng lá tre khô một góc vườn xao xác. Ở Bắc Cali, đang xây dựng Viện Phật học Kim Sơn trong rừng nguyên sinh nhìn ra Thái Bình Dương, nhìn về quê Việt. Mỗi lần tới đây, trong cái yên ắng vắng xa của rừng biển nơi này, nghe nhẹ điểm tiếng mõ tiếng chuông, con người lại như đang được thì thầm với quê hương, với một cõi xa thơ bé.

Từ khi quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ bình thường trở lại, hình thành dần một cộng đồng Việt của tuổi đang làm, đang học, lưu trú dài hạn, ngắn hạn bên này. Họ mang tới đất Mỹ những cái tết Việt hôm nay của Hà Nội của TP.HCM. Tôi đã được dự ở Atlanta bữa tất niên: một con dê và nửa con lợn mua trực tiếp từ lò mổ, thịt còn nóng hổi để giã giò và nấu món. Mua được những thứ nguyên liệu này cũng công phu lắm. Siêu thị không bán thịt nguyên khối như vậy. Món của Đình Bảng - Bắc Ninh, của Ninh Giang - Hải Dương, của Đan Phượng - Sơn Tây đồng hành tới đây, giúp thực khách một khoảnh khắc quê nhà. Thú thật, ở Hà Nội tôi cũng rất ít khi gặp cõi ẩm thực phong phú, cầu kỳ và thấm thía đến thế. Ăn cho nỗi nhớ. Tết với cộng đồng Việt ở Mỹ, nhiều cung bậc, nhiều dấu tích thời gian của phong vị Việt. Mấy kỹ sư ở thung lũng Silicon vốn là các kỹ thuật viên công nghệ cao lại có sáng kiến tập hợp mấy gia đình tự gói bánh chưng và luộc bánh đêm cho trẻ con biết hương vị tết cổ truyền (mà bây giờ trong nước chỉ những làng xa mới còn giữ được). Nhưng là cổ truyền cải tiến vì quanh nồi bánh là các lều bạt picnic với các loại túi ngủ kiểu Mỹ cho các gia đình canh bánh. Khí hậu phía Tây nước Mỹ không lạnh lắm. Đêm luộc bánh rì rầm chuyện quê hương, lại có cái vui lửa trại chắc hẳn sẽ thành kỷ niệm của lũ trẻ sau này. Những ngày cuối năm, ở chợ Việt San Jose hay quận Cam, hay Philadelphia sầm uất nhất là các cửa hàng giò chả, bánh chưng, bánh dày, nhiều loại bánh, nhiều loại mứt, đủ loại Bắc - Trung - Nam. Khách đến đặt hàng, khách mua gửi bưu điện cho bà con ở các bang xa chợ Việt. Màu đỏ tưng bừng của giấy gói, của hộp đựng bề bộn trong các cửa hàng tạo thêm nỗi nhớ cái huyên náo om sòm của phiên chợ quê thời nảo thời nào.

Tết mà thèm vị tết, nhất là tết của các gia đình Việt sống lọt thỏm trong dân Âu Mỹ. Thường ở các bang phía đông. Tìm ra một cái chợ châu Á có thực phẩm Tàu hay Nhật hay Hàn đã hiếm, nói chi chợ Việt, rau dưa Việt, nhất là gia vị Việt. Nhưng nhạt nhất là tết ăn với chỉ một gia đình. Cả phố người ta đi làm, trẻ con nhà mình cũng đi học. Có xin nghỉ một ngày làm mâm cơm cúng thì thắp nén nhang lên cũng dễ ngậm ngùi. Lúc VTV4 đang tường thuật giao thừa ở quê nhà thì đây lại đang trưa. Bà con đành sáng kiến chọn một ngày nghỉ cuối tuần gần Nguyên đán để tập hợp nhau ăn tết trước. Nhiều người phải  bốn năm tiếng lái xe nhưng không ai nỡ vắng. Cái háo hức gặp nhau chen cái háo hức tất niên nhớ từ quê cha, đất tổ. Trẻ con có bạn chơi. Các cụ già có người đồng tâm sự. Món ăn tết chuẩn bị riêng từ mỗi nhà ngẫu nhiên lại góp vào bữa tiệc chung đủ vị Bắc - Trung - Nam.

Connecticut, 24/12/2012

 VŨ QUẦN PHƯƠNG


Ý kiến của bạn