Hà Nội

Phòng và xử trí ngộ độc khí CO

24-04-2015 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Monoxyt cacbon (CO) là một loại khí không gây kích thích, không vị, không mùi, được sinh ra do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất có thành phần carbon

Monoxyt cacbon (CO) là một loại khí không gây kích thích, không vị, không mùi, được sinh ra do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất có thành phần carbon như: than, dầu diezen và các chất đốt khác… Nguồn CO trong môi trường còn là khói thuốc lá, khói thải của xe hơi, đun nấu, sưởi bằng than. Một số hóa chất như chlorur mythylen được chuyển thành CO trong cơ thể.

CO xâm nhập cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp... Các tổn thương đầu tiên của nhiễm độc CO xảy ra với hệ thần kinh trung ương (vỏ não, nhân dưới vỏ não, đồi thị) kéo theo tổn thương cả thần kinh ngoại biên. Bên cạnh sự phát triển các tổn thương thần kinh, CO còn gây rối loạn tuần hoàn mạch, làm tăng tính thấm của mạch máu, nhất là các mao mạch, gây xuất huyết ở hàng loạt các cơ quan: não, phổi, đường tiêu hóa.

Ngành nghề có nguy cơ nhiễm độc CO: Sản xuất khí thấp; các lò công nghệ: lò cao, lò đốt gạch, vì vậy cần trang bị hệ thống thông gió, lọc bụi...

Ngành nghề có nguy cơ nhiễm độc CO: Sản xuất khí thấp; các lò công nghệ: lò cao, lò đốt gạch, vì vậy cần trang bị hệ thống thông gió, lọc bụi...

Biểu hiện

Nhiễm độc cấp tính: Các triệu chứng nhiễm độc tùy theo mức độ nặng, nhẹ phụ thuộc vào nồng độ CO trong không khí, thời gian tiếp xúc và đặc điểm mẫn cảm của từng cá thể và chủ đạo là các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương.

Thể nhẹ: Bệnh nhân cảm thấy nặng đầu, đau nhói hai bên thái dương và vùng trán, choáng váng, ù tai, hoa mắt, xa xẩm mày mặt, run chân tay, đau thắt ngực, mệt, buồn nôn, nôn. Da và niêm mạc của bệnh nhân hồng hào. Nhịp tim, mạch nhanh, thở nhanh, rối loạn.

Nếu được chuyển ra khỏi khu vực ô nhiễm CO, được thở không khí giàu oxy, các biểu hiện bệnh thuyên giảm dần, bệnh nhân có thể khỏe mạnh trở lại sau 1-2 ngày.

Đối với công nhân đã có bệnh tim mạch hoặc bệnh mạch máu ở não, có chứng đột quỵ (stroke), cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, bệnh có thể nặng lên khi chỉ mới tiếp xúc với một lượng CO hơi tăng. Sự tiếp xúc mạn tính với lượng CO thấp có thể gây biến đổi nhẹ về thần kinh, tăng huyết khối và ở phụ nữ mang thai có những biến đổi ở bào thai.

Thể nặng: Các triệu chứng nhiễm độc có thể kéo dài vài ngày, bệnh nhân thờ ơ, vô cảm, dần chuyển sang mê sảng, suy giảm, mất trí nhớ, co giật cơ, ngất, đồng tử giãn, phản xạ yếu với ánh sáng, giảm phản xạ cơ-gân, cứng gáy. Thở nông, nhanh, mạch nhanh, yếu, giảm trương lực cơ, đặc biệt là chi dưới, bệnh nhân không đứng được, hai chân run, co giật, chuyển sang liệt không đi được. Nếu bệnh nhân mê sảng lâu (trên 48 giờ), tiên lượng xấu. Trong các trường hợp thuận lợi, bệnh nhân tỉnh dần, khi đó có các biểu hiện bứt rứt, kích động.

Khi khám thấy viêm họng, phù nề thanh quản, thở rít, sau 2-3 ngày có thể thấy triệu chứng viêm phế quản-phổi, tổn thương do thiếu oxy mô phổi, xuất huyết; rối loạn nhịp tim, nhịp nhanh, huyết áp tụt, thiếu máu cơ tim; ban đỏ, mề đay, hoại thư.

Nhiễm độc mạn tính

Các triệu chứng nhiễm độc CO mạn tính không điển hình, chỉ có giá trị khi phối hợp với các yếu tố tiếp xúc hay hoàn cảnh phát sinh bệnh. Chủ yếu là các triệu chứng liên quan tới tổn thương thần kinh.

Nhức đầu thường là dấu hiệu đầu tiên, rất hay gặp, đau nhói từng cơn dữ dội. Đau đầu tăng trong ngày lao động, nhiều nhất là vào cuối ca, trong suốt tuần lao động và giảm bớt đau trong ngày nghỉ cuối tuần; bệnh nhân có cảm giác đứng không vững, thể lực giảm sút; chóng mặt.

Ngoài ra còn gặp các triệu chứng khác như: rối loạn tiêu hóa (ăn không ngon, hay buồn nôn), ho, khó thở gắng sức, hồi hộp, lo âu, đau vùng tim, hay buồn ngủ, rối loạn cảm giác, rối loạn thị giác: ruồi bay, ám điểm, biến đổi vi trường.

Các rối loạn do nhiễm độc CO nghề nghiệp không thể hết được nếu còn tiếp tục tiếp xúc. Bệnh giảm nhanh khi ngừng tiếp xúc, các rối loạn chức năng giảm đi rõ rệt vào tuần thứ 2-3, bệnh khỏi trong vòng 1-2 tháng.

Dự phòng ngộ độc CO cách nào?

Lắp đặt hệ thống thông gió, hút bụi, hơi khí độc nơi sản xuất; Giám sát thường xuyên nồng độ CO trong không khí môi trường lao động đối với các ngành nghề có nguy cơ nhiễm độc CO; Cung cấp oxy đầy đủ khi đốt các vật liệu có cacbon sẽ giảm sự phát sinh CO. Thông gió đối với lò. Nơi xảy ra hỏa hoạn, phải có trang bị phòng hộ, có dụng cụ thở; Trang bị mặt nạ cho công nhân làm việc ở những vùng ô nhiễm CO cao.

Xử trí thế nào?

Phải đưa nạn nhân ra khỏi vùng tiếp xúc cho thở oxy nhiều lần trong ngày (3-4 lần/ngày, mỗi lần 10-20 phút).

Dùng oxy cao áp có nhiều vấn đề phải giải quyết. Ðộc tính của oxy, tính gây ngủ của nitơ và bệnh giảm áp có thể xảy ra. Nếu dùng oxy cao áp để điều trị nhiễm độc CO, cần phải để nạn nhân thở oxy 100% trong thời gian chuyển tới phòng tăng áp.

Nạn nhân nhiễm độc CO phải được theo dõi chặt chẽ, đề phòng phù não nặng có thể xảy ra trong vài giờ. Tổn thương nhẹ hệ thần kinh, hệ tim mạch và thai có thể xảy ra nếu có tình trạng giảm oxy tế bào.

TS. Nguyễn Văn Sơn

 

 

 


Ý kiến của bạn