Hà Nội

Phòng và xử trí các bệnh truyền nhiễm trong mùa mưa lũ

19-10-2016 14:12 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ như hiện nay, ngày 16/10 Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ gồm tiêu chảy...

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ như hiện nay, ngày 16/10 Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ gồm tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm...

Bệnh tiêu chảy

Trong và sau mưa lũ, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Thời điểm này bệnh hay gặp nhất là tiêu chảy, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do vi khuẩn tả. Ở những vùng, miền xảy ra mưa lũ, lụt mà trong các nguồn nước có vi khuẩn tả thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Bên cạnh đó là bệnh tiêu chảy gây ra do virut, thường gặp nhất trong mùa mưa, lũ, lụt là Rotavirus.

Khi trẻ có biểu hiện tiêu chảy, phải đưa đi khám để điều trị kịp thời. Ảnh: TM

Ở trẻ em, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do Rotavirus là rất lớn và khả năng lây lan cũng mạnh, nhất là dùng nước để ăn, uống không hợp vệ sinh sau mưa, lũ lụt. Khi bị nhiễm Rotavirus sẽ bị sốt, buồn nôn và ói mửa dữ dội. Sau 24-48 giờ, sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Trẻ tiêu chảy phân lỏng toàn nước, không có máu. Tiêu chảy và nôn ói có thể lên đến hơn 20 lần/ngày. Thông thường bệnh kéo dài từ 3-8 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 2 tuần. Vì vậy khi bị tiêu chảy do Rotavirus cần chú ý dùng các dung dịch bù nước bằng đường uống càng sớm càng tốt để ngừa mất nước.

Bệnh đường hô hấp, cảm cúm

Những ngày mưa kéo dài rất dễ làm gia tăng các bệnh đường hô hấp. Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất là viêm họng, cảm cúm. Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị.

Sau mưa lũ, gia tăng bệnh nhân tiêu chảy cấp. Ảnh: Trần Minh

Các dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp là: đau họng khi nuốt, rát cổ họng sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi. Khó thở cũng là triệu chứng rất dễ gặp khi mắc các bệnh hô hấp. Cảm giác khó thở tăng do bất kỳ hoạt động thể lực nào. Cần thiết phải theo dõi mức độ hoạt động gây khó thở làm cơ sở đánh giá tình trạng bệnh. Khó thở khi nằm, khó thở thì hít vào, thì thở ra; ho dai dẳng là phản xạ rất khó chịu của các bệnh hô hấp. Phản xạ ho có thể khởi phát bởi kích thích các cơ quan ở đường khí phế quản, đường hô hấp trên và những nơi khác như ở các xoang, ống tai, màng phổi, màng ngoài tim, thực quản, dạ dày và cơ hoành.

Khi gặp các triệu chứng trên, mọi người cần đi khám để điều trị, tránh biến chứng phức tạp.

Bệnh đau mắt đỏ

Mùa mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu tắm rửa, nhất là rửa mặt bằng nguồn nước này thì mắc đau mắt đỏ là điều khó tránh. Mầm bệnh gây đau mắt đỏ thường là nhóm virut Adeno hoặc vi khuẩn nhóm Chlamydia vốn rất sẵn có trong môi trường nước bẩn, tù đọng. Đây là bệnh lành tính, nhưng lây lan rất nhanh. Đối với đau mắt đỏ thì phòng bệnh là rất quan trọng và cần tuân thủ bằng cách tuyệt đối không lau rửa hoặc tắm giặt bằng nước bẩn, không để trẻ chơi đùa với nước bẩn. Những người phải tiếp xúc với nước bẩn cần tra mắt ngay bằng dung dịch cloramphenicon 0,4%. Rửa tay với xà phòng bằng nước sạch. Không dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt với người đau mắt đỏ; diệt ruồi vì  ruồi có thể truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.

Để phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

- Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

- Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

- Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn...


BS. Nguyễn Xuân Mai
Ý kiến của bạn