Hà Nội

Phòng và trị khô nẻ da vào mùa đông?

07-01-2022 18:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Da nứt nẻ, khô ráp vào mùa đông khiến người khó chịu, thậm chí đau đớn. Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng này?

Da khô rát, nứt nẻ - vì đâu và làm sao để khắc phục?Da khô rát, nứt nẻ - vì đâu và làm sao để khắc phục?

Nếu như trong mùa hè, bạn hay bận rộn đối phó với tình trạng da bóng nhẫy dầu thì sang mùa thu đông lại phải vất vả chịu đựng những cơn ngứa do da khô rát, nứt nẻ. Trời sắp trở lạnh rồi, bạn đã biết cách khắc phục tình trạng này chưa?

Da khô là tình trạng da rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, được đặc trưng bởi thiếu một lượng nước thích hợp trong lớp biểu bì của da. Trong đa phần các trường hợp, da nứt nẻ, khô ráp không gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng có thể dẫn đến một số biến chứng da liễu khó điều trị như eczema, nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, viêm mô tế bào, đổi màu da…

1. Vì sao da lại khô nứt nẻ vào mùa đông? 

Cấu tạo của da gồm 3 lớp, sắp xếp từ ngoài vào trong:

Lớp biểu bì: Là hàng rào bảo vệ chính của da, được bao phủ bởi nước và lipid (chất nhũ tương). Màng hydrolipid này có tác dụng duy trì tiết mồ hôi, bã nhờn để da mềm mại, chống lại vi khuẩn và nấm từ bên ngoài.

Lớp hạ bì: Cấu trúc chính để tạo nên lớp hạ bì là sợi collagen, đàn hồi và các mô liên kết, chúng giúp cho làn da khỏe mạnh, linh hoạt. Các cấu trúc này gắn chặt với 1 chất giống như gel (chứa axit hyaluronic), có hiệu quả cao trong việc liên kết với phân tử nước giúp duy trì thể tích của da.

Lớp mô dưới da: Bao gồm mỡ (gắn kết lại với nhau như 1 lớp đệm bảo vệ); các sợi collagen (giữ các tế bào chất béo gắn kết lại với nhau) và các mạch máu; có chức năng tạo ra năng lượng của cơ thể, hoạt động giống như 1 tấm đệm để cách nhiệt.

Với cấu trúc như vậy, ta có thể tưởng tượng các tế bào biểu bì được xếp chồng lên nhau, kết dính với nhau bằng "chất keo" giàu lipid giúp các tế bào da bằng phẳng, mịn màng. Sự mất nước xảy ra nhanh hơn khi chất keo này bị bong ra dưới tác hại của ánh nắng mặt trời, tẩy rửa, chà xát quá mức hoặc do độ ẩm thấp của mùa đông gây da nứt nẻ, khô da, bong tróc.

photo-1641539503308

Da dễ bị khô nẻ vào mùa đông.

Một số nguyên nhân gây da nứt nẻ, khô vào mùa lạnh có thể kể đến như:

Thời tiết: Sự chuyển biến đột ngột của thời tiết sang mùa đông khiến da chưa kịp thích nghi với đặc điểm khí hậu lạnh, độ ẩm không khí thấp và có gió hanh khô… do đó, làn da dễ bị mất nước, bề mặt da trở nên khô và thiếu sức sống hơn. Đây cũng là nguyên nhân chính làm da nứt nẻ, bị khô vào mùa đông.

Uống ít nước: Trời càng lạnh thì da càng khô hơn, đây là do hiện tượng tăng mất nước qua thượng bì khi thời tiết lạnh. Hơn nữa do trời lạnh nên ai cũng ngại uống nước, thường đợi khát mới uống, nên lượng nước cung cấp cho da càng ít khiến da càng dễ bị nẻ hơn.

Tắm nước nóng, chà xát, tẩy rửa mạnh: Việc tắm nước nóng sẽ giúp cơ thể cảm thấy ấm áp và dễ chịu hơn vào mùa đông. Tuy nhiên, nếu tắm với nước nóng thời gian dài sẽ dễ khiến lớp lipid tự nhiên trên da bị mất đi, dẫn đến tình trạng da bị thô ráp và bong tróc. Bên cạnh đó, một số sản phẩm xà phòng có tính tẩy rửa quá mạnh cũng làm mất đi lớp lipid tạo nên hàng rào bảo vệ da này.

Tia cực tím: Nhiều người chủ quan cho rằng, mùa đông sẽ không có tia UV nên không cần thiết phải bảo vệ da dưới ánh nắng trực tiếp từ mặt trời như vào mùa hè. Tuy nhiên, trên thực tế, tia cực tím vẫn hoạt động mạnh và có tác động xấu đến da vào mùa đông.

2. Biểu hiện da khô

- Có khi ngứa mà không có tổn thương da.

- Da bị viêm đỏ, có sẩn viêm, vết cào gãi, có khi thành đám mảng viêm đỏ.

- Da khô, có ít vảy khô, tình trạng nặng hơn là da mặt bị bong tróc.

- Bàn chân, bàn tay khô, xù xì thô ráp, các nếp hằn da nổi rõ, có khi có các vết nứt sâu, đau hoặc nặng hơn có thể chảy máu.

 Nếu không chăm sóc có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm da dị ứng (eczema): Là tình trạng này gây mẩn đỏ, nứt và viêm.
  • Viêm mô tế bào: Đây là một nhiễm trùng vi khuẩn của các mô bên dưới da có thể nhập vào hệ bạch huyết và mạch máu gây nguy hiểm.
photo-1641539507078

Nếu da nứt nẻ không chăm sóc có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

3. Các phương pháp phòng ngừa và điều trị da nứt nẻ vào mùa đông hiệu quả

Nhìn chung, có 2 phương pháp tiếp cận chính trong điều trị khô da, đó là giảm thiểu các tác nhân gây kích ứng và dưỡng ẩm đầy đủ cho da.

3.1. Giảm thiểu các tác nhân gây kích ứng

- Không nên tắm quá lâu với nước quá nóng vì điều này có thể làm mất các lipid tự nhiên và các nhân tố giữ độ ẩm tự nhiên có thể thoát ra ngoài da, làm giảm khả năng giữ ẩm.

- Tránh sử dụng các sản phẩm làm sạch có khả năng tẩy rửa quá mạnh, chứa cồn hay các chất làm khô da khác.

- Tránh mặc vải len hoặc các loại vải có khả năng gây kích ứng da.

- Sử dụng kem chống nắng thường xuyên: Vào mùa đông, ngày ngắn hơn và ít ánh sáng mặt trời hơn nên nhiều người thường bỏ quên việc bôi kem chống nắng vào buổi sáng. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyên rằng ngay cả trong mùa đông, ánh sáng tia cực tím có hại vẫn có thể gây tác động xấu đến hàng rào độ ẩm của da. 

Vì vậy, lựa chọn tốt nhất là thoa thêm một lớp kem chống nắng vào mỗi buổi sáng sau khi bạn đã thoa kem dưỡng ẩm. Nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Với làn da khô, nên chọn sản phẩm chống nắng dạng kem hơn là gel hay lotion. Chọn kem chống nắng dành cho da khô và có các thành phần cấp ẩm cho da như hyaluronic acid và ceramides. Tuyệt đối không nên dùng các dòng kem chống nắng chứa cồn hay paraben vì có thể làm vấn đề khô da càng thêm trầm trọng.

- Không lạm dụng tẩy tế bào chết: Làn da nứt nẻ, thô ráp, thiếu nước vào mùa đông cần được tẩy tế bào chết. Tuy nhiên, biện pháp này có thể làm cạn kiệt độ ẩm và làm trầm trọng thêm tình trạng kích ứng.

Nếu có hiện tượng bong tróc hay mẩn đỏ khi tẩy tế bào chết, cần thay đổi công thức tẩy da chết nhẹ nhàng hơn với axit lactic, axit trái cây hoặc tẩy tế bào chết với các hạt jojoba dạng tròn, ít có khả năng làm mất nước của da. 

Tránh sử dụng các axit mạnh hơn như axit glycolic và các chất tẩy da chết vật lý thô ráp như đường và muối. Dùng khăn tắm nhẹ nhàng lau khô mặt và cơ thể thay vì chà xát, tránh làm trầy xước da. Cho dù tình trạng khô ngứa của bạn nặng đến đâu, thì việc gãi có thể làm tổn thương bề mặt da và khiến da mất nhiều độ ẩm hơn. Thay vào đó, hãy thoa thuốc mỡ dưỡng ẩm hoặc dầu dưỡng lên khu vực đó để làm dịu, bảo vệ da ngay lập tức và tránh da nứt nẻ.

photo-1641539510558

Bôi kem chống nẻ cần tránh các loại kem có mùi thơm, chứa cồn vì có thể làm da thêm khô và tăng nguy cơ dị ứng.

3.2. Trị da nứt nẻ, khô nhờ dưỡng ẩm đầy đủ cho da

Đây là bước đầu tiên và quan trọng trong chăm sóc da nứt nẻ, khô. Bạn cần phân biệt được các khái niệm cấp ẩm, khóa ẩm, chất làm mềm da để biết cách xử lý trong từng tình huống phù hợp.

- Chất cấp ẩm: Có tác dụng hút và giữ nước cho da, cải thiện quá trình hydrat hóa ở lớp sừng. Các hoạt chất này có khả năng lấy đi độ ẩm từ không khí để bổ sung độ ẩm cho da. Các thành phần cấp ẩm thường dùng là: Glycerin hay Glycerol, Hyaluronic acid (HA), PEG (Polyethylnene glycol), Sodium PCA: muối của Pyrrolidone Carbonic, Propylene G.

 Bên cạnh việc bôi các sản phẩm cấp ẩm từ bên ngoài, bạn cũng cần đặc biệt chú ý bổ sung đầy đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể trong một ngày. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà vào mùa đông để bổ sung nước cho lớp trên cùng của biểu bì.

- Chất khóa ẩm: Hiểu một cách đơn giản các thành phần khóa ẩm này sẽ phải tạo một lớp màng che phủ bề mặt da, giúp giữ nước không bị mất đi. Một số chất trong nhóm như: Vaseline, petrolatum, sáp, dầu, silicon… Các chất khóa ẩm này có thể gây bí da và bít tắc lỗ chân lông do đó cần chú ý không nên dùng đơn độc mà cần kết hợp chất giữ ẩm và chất khóa ẩm để tăng cường hiệu quả dưỡng ẩm, tăng khả năng dưỡng da bằng cách lấy và giữ lại độ ẩm từ môi trường.

- Chất làm mềm da: Đây là các loại chất có khả năng lấp đầy những khoảng trống giữa các tế bào và vảy da. Các hoạt chất này thường là lipid, chất béo hoặc có đặc tính giữ nước và giữ dầu ở lớp sừng cũng như hỗ trợ cho tầng biểu bì và tầng lipid trong việc liên kết các tế bào da, hạn chế tình trạng thất thoát nước và tạo sự thống nhất tổng quan.

Ngoài ra, có thể bổ sung một số vitamin và khoáng chất để phòng chống da nứt nẻ, khô ráp vào mùa đông: Vitamin C, D, A, E, K, B5… Việc dùng các loại vitamin này cũng cần tham vấn của bác sĩ để tránh các trường hợp rủi ro có thể xảy ra khi dùng không đúng cách.

Tuyệt đối không được tự ý dùng các loại kem có chứa corticoid như: Trangala, flucina, gentrison, kem trộn, kem tự chế, một số kem Đông y không rõ nguồn gốc… để chống nẻ. Các chế phẩm này là các thuốc trị bệnh lý ngoài da chứ không hề có tác dụng chữa nẻ.

4. Lưu ý khi dùng kem bôi chống nẻ

Đối với tình trạng khô da nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn các loại kem bôi có chứa acid lactic, ure để làm ẩm da, loại bỏ vảy hay thuốc mỡ chứa corticosteroid nồng độ thấp (như hydrocortisone 1% hoặc 2,5%) giúp giải quyết các triệu chứng đỏ, sưng, đau.

 Dù tần suất gây tác dụng không mong muốn thấp hơn so với khi sử dụng ở đường toàn thân (uống, tiêm), các corticoid dùng tại chỗ vẫn có thể gây ra các tác dụng phụ trên da như khô, teo da, da đỏ ửng, rậm lông… và một số tác dụng phụ toàn thân, đặc biệt khi sử dụng trên một vùng da rộng lớn. Tác dụng phụ có thể gặp nhiều hơn khi sử dụng ở trẻ em do da trẻ còn mỏng chưa hoàn thiện, thuốc có thể được hấp thu vào máu gây các tác dụng không mong muốn toàn thân.

Để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn dị ứng khi dùng kem bôi chống nẻ, trước khi dùng nên bôi thử lên bề mặt da mu bàn tay 15 phút, nếu thấy không có phản ứng mới bôi lên mặt. Ngoài ra, cần tránh các loại kem có mùi thơm, chứa cồn vì có thể làm da thêm khô và tăng nguy cơ dị ứng.

5. Ăn gì giúp chống da nứt nẻ, khô vào mùa đông?

- Rau xanh, hoa quả tươi: Tăng cường rau xanh và hoa quả tươi giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề khángchống lão hóa, da đẹp, mịn màng, giúp da không khô, nẻ.

- Bưởi, cam, quýt: Chứa lượng vitamin A và C dồi dào, tăng sức đề kháng, giữ nước và làm căng mọng làn da. Bên cạnh đó, giúp thúc đẩy sự hình thành collagen và làm chậm tác động của các gốc tự do.

- Chuối: Vitamin A, B, C, D, kẽm, ma giê, can xi, kali, chất xơ… trong chuối giúp chống nhăn và giữ ẩm cho da.

- Cà chua: Chứa nhiều vitamin B giúp phục hồi làn da, làn da tươi trẻ, chống lão hóa, hạn chế tình trạng khô da, da nứt nẻ.

- Đậu, lạc, vừng: Cung cấp nhiều loại vitamin như vitamin E, B1, B2, canxi… giúp làn da đẹp, mịn màng.

- Trứng gà: Chứa nhiều protein giúp thúc đẩy quá trình t ái tạo da và giữ đàn hồi cho da. Trứng gà cũng chưa nhiều vitamin E giúp chống lão hóa, ngăn ngừa tình trạng chảy xệ làm da.

- Cá nước lạnh: Cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá tuyết giàu omega 3, omega 6, giúp giảm viêm, giữ độ ẩm cho da. Đây là nguồn protein, vitamin và khoáng chất tốt, giúp giữ cho da có độ ẩm, mềm mại, sáng hơn, không bị khô nẻ.

- Trà xanh: giàu chất chống ôxy hóa, giúp giảm viêm nhiễm, làm chậm quá trình phá hủy DNA và giúp da không bị cháy nắng.

- Nước: Uống đủ nước để tránh da nứt nẻ, khô, mất nước. Trung bình nên uống 2-2,5 lít/ngày.

- Dầu ô liu: Axid béo trong dầu ô liu giúp chống viêm chống lão hóa, duy trì làn da căng mịn, giữ nước và bảo vệ da khỏi nám…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tiêm mũi 3 COVID-19 sau bao lâu sẽ có hiệu quả? 


DS. Phạm Quỳnh Như
Ý kiến của bạn