Hà Nội

Phòng và trị côn trùng đốt thế nào cho đúng?

05-04-2017 10:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường, đang nắng ấm bỗng chuyển lạnh đột ngột, những đợt gió nồm, mưa phùn ẩm ướt là điều kiện để cho các loại côn trùng sinh sôi. Việc phòng và điều trị các bệnh do côn trùng đốt không đơn giản, bởi côn trùng đa dạng cả về loài và độc tính, các biểu hiện và triệu chứng phức tạp, khác nhau ở mỗi người.

Việt Nam là nước nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, thuận lợi cho các loài côn trùng gây bệnh tồn tại và phát triển. Các căn bệnh về da do côn trùng đốt cũng vì thế tăng rất nhanh. TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, năm ngoái bệnh viện đã tiếp nhận tới 4000 trường hợp bị viêm da tiếp xúc do côn trùng. Từ đầu năm đến nay, có khoảng hơn 300 trường hợp  đến khám và điều trị bệnh về da do côn trùng đốt.

Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc về “Phòng bệnh do côn trùng đốt”, Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống  - suckhoedoisong.vn đã mời các chuyên gia đầu ngành về da liễu, dị ứng và nhi khoa  tư vấn trực tuyến cho bạn đọc. Chương trình đã nhận được hàng trăm câu hỏi của bạn đọc dành cho các chuyên gia: Ts. Đỗ Thị Thu Hiền- Trưởng phòng Kế Hoạch Tổng Hợp BV Da liễu TƯ, Thành viên Hội da liễu Việt Nam, Thành viên Hội da liễu Châu Á; Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai; PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội.

Chương trình được phát trực tiếp trên Suckhoedoisong.vn, trên kênh Youtube và fanpage của báo Sức khoẻ&Đời sống, với sự đồng hành của  nhãn hàng Remos.

Trực tuyến Phòng bệnh do côn trùng đốt

Chủ quan với những vết thương ngoài da gánh hậu quả khôn lường

PGS TS Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ, bình thường côn đốt thường có biểu hiện ngoài da nhẹ là ngứa, rát tại chỗ,  nổi sần, nặng có thể gây viêm da, loét da. Tuy nhiên có một số loài côn trùng có độc có thể gây các biểu hiện toàn thân, tổn thương nặng về hô hấp, tim mạch, huyết học, thậm chí gây ra sốc phản vệ và tử vong.

Trong đa phần các trường hợp côn trùng đốt gây nên chứng viêm da tiếp xúc do côn trùng. Nếu chỉ có các biểu hiện bên ngoài da như sưng, rát, ngứa… người bệnh thậm chí không cần điều trị cũng tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên nếu các biểu hiện bên ngoài có dấu hiệu bội nhiễm như trầy xước, chảy mủ, đau, rát nhiều, ... người bệnh cần đi khám bác sĩ để được chỉ định thuốc bôi hoặc uống phù hợp, TS Hiền khuyên.

Bệnh do côn trùng đốt.Bệnh do côn trùng đốt.

Với trẻ nhỏ, do không kiểm soát được việc gãi, dễ bị nhiễm trùng từ những vết trầy xước rất nhỏ. PGS TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cảnh báo, không nên chủ quan vì có những vết thương rất nhỏ nhưng có thể gây nguy hiểm đến cả tính mạng. Hãy thận trọng và đưa trẻ đi khám ngay khi có các vết thương có biểu hiện sưng nề, mưng mủ, chảy dịch vàng, gây sốt cao, nổi hạch toàn thân, đứa trẻ mệt mỏi, những vết thương lâu liền, lúc nào cũng rỉ máu...

Muỗi là côn trùng gây bệnh phổ biến

Muỗi là một trong những loại côn trùng gây bệnh chủ yếu ở các quốc gia nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Hiện miền Nam đã xuất hiện dịch bệnh sốt xuất huyết, trong khi đó ở miền Bắc chuẩn bị bước vào mùa dịch sốt xuất huyết. Đây là căn bệnh thường gây thành dịch,  cơ chế lây bệnh dễ dàng, muỗi đốt người bệnh sau đó truyền sang cho người lành. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất và duy nhất là diệt muỗi và không để bị muỗi đốt.

Muỗi- thủ phạm gây nhiều bệnh. Muỗi- thủ phạm gây nhiều bệnh.

PGS Thúy cho rằng, nếu người bệnh xuất hiện sốt, nhưng sống trong vùng dịch tễ, cần nghĩ ngay đến sốt xuất huyết và phải đi khám ngay.  Những dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết là sốt cao, sau vài ngày xuất hiện các nốt xuất huyết trên da, cũng có người có các dấu hiệu kín đáo như chảy máu chân răng, chảy máu mũi hay đi ngoài ra máu, nôn ra máu….

Ngoài sốt xuất huyết, muỗi còn gây một số bệnh như sốt rét, sốt vàng, zika hay bệnh viêm não Nhật Bản cũng rất nguy hiểm, nhất là với trẻ em.

Cẩn trọng với các biện pháp dân gian xử trí vết côn trùng đốt

Một trong những thói quen được nhiều người áp dụng khi bị muỗi đốt thường dùng nước bọt để bôi vào chỗ sưng.  Tuy nhiên đây là cách đúng nhưng không được khuyến khích áp dụng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ. TS Hiền lý giải, trong nước bọt của người có tính kiềm bôi vào vết muỗi cắn sẽ giảm sưng, tuy nhiên nước bọt cũng chứa đựng rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, nên biện pháp này không nên được sử dụng, nhất là trong thời buổi hiện nay, các biện pháp phòng chống muỗi đốt rất nhiều như các loại thuốc xịt côn trùng hoặc thuốc chống muỗi đốt.

Với các biện pháp dân gian như bôi nước vôi, dầu khuynh diệp… không nên áp dụng theo bởi PGS Thúy cho rằng, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh bôi những loại này sẽ giúp giảm triệu chứng côn trùng đốt.

Ngay cả việc sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng, diệt muỗi người tiêu dùng cần hết sức thận trọng, nhất là sử dụng trên đối tượng là trẻ em, cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.  PGS Thúy giải thích, bản chất của thuốc phòng chống muỗi đốt là dùng các thành phần hoá học để diệt muỗi, chủ yếu là DEET có tên hoá học là diethyl toluamide có tác dụng gây ức chế các dẫn chất acetylcholine khiến cho côn trùng không hoạt động được, và khi thuốc ức chế côn trùng thì bản thân đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng nếu xịt nồng độ cao. Do đó dùng thuốc cho những trẻ dưới 6 tháng khá nguy hiểm,  với những trẻ lớn hơn thì có thể sử dụng thuốc nếu nồng độ không cao. Thuốc có nhiều dạng khác nhau (gel, cream, xịt...). Nếu chúng ta dùng dạng xịt ở những vùng đầu, mặt, cổ thì trẻ có thể bị ảnh hưởng khi hít vào với nồng độ cao. Do đó chúng ta phải kiểm tra trước khi sử dụng thuốc hoặc tư vấn bác sĩ xem thuốc đó có phù hợp với đứa trẻ hay không và không nên lạm dụng thuốc, đặc biệt khi trẻ đang có vết thương hở hoặc trầy xước...


Hải Yến
Ý kiến của bạn