Hà Nội

Phòng và điều trị rối loạn mỡ máu

06-05-2014 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tôi 45 tuổi, hơi bị thừa cân và có rối loạn mỡ máu. Tôi được tư vấn về chế độ ăn nhưng vừa rồi đi xét nghiệm, mỡ máu vẫn chưa ổn

Tôi 45 tuổi, hơi bị thừa cân và có rối loạn mỡ máu. Tôi được tư vấn về chế độ ăn nhưng vừa rồi đi xét nghiệm, mỡ máu vẫn chưa ổn. Xin giúp tôi hiểu rõ hơn về bệnh, thuốc chữa cũng như phương pháp dự phòng. Tôi xin cảm ơn!

Phan Thắng (Hà Tĩnh)

Rối loạn mỡ máu (lipid máu) được coi là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh vữa xơ động mạch. Ngoài ra, nó còn có vai trò trong các bệnh khác như tăng huyết áp, đái tháo đường. Khi đã được chẩn đoán là rối loạn mỡ máu, trước hết cần điều chỉnh chế độ ăn trong 2-3 tháng. Khi chế độ ăn không mang lại hiệu quả, tức là xét nghiệm máu các chỉ số cholesterol hoặc triglycerid vẫn vượt ngưỡng cao thì mới dùng thuốc. Trong khi dùng thuốc, vẫn phải duy trì chế độ ăn kiêng theo hướng dẫn của bác sĩ. Cứ mỗi 2 - 3 tháng phải xét nghiệm lại máu/lần. Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động thể lực vừa với sức của mình. Với người lớn tuổi, nên tập đi bộ, phải tập ít nhất 45 phút mỗi ngày, tập đều hàng ngày hoặc ít nhất 3 lần mỗi tuần và phải duy trì chế độ luyện tập, bởi nếu ngừng tập thì những kết quả tốt đã đạt được cũng nhanh chóng mất đi.

Hiện nay có rất nhiều thuốc điều trị rối loạn mỡ máu. Tuy nhiên, có 2 nhóm thuốc phổ biến nhất được áp dụng vào điều trị, đó là các thuốc nhóm fibrat (như lipanthyl, lopid) và các thuốc nhóm statin (như zocor, lipitor, lescol, crestor...). Một số thuốc từ nguồn dược liệu trong nước đã được một số tác giả nghiên cứu và được dùng trên lâm sàng như cholestan (được bào chế từ củ nghệ), bidentin (được bào chế từ củ ngưu tất) hay hypochol (chiết xuất từ dầu đậu nành)... Tất cả các loại thuốc này đều phải được bác sĩ cân nhắc sử dụng cho từng bệnh nhân, do đó bệnh nhân không tự ý mua về dùng được.

Để dự phòng bệnh, cần phải có chế độ ăn giảm năng lượng, giảm ăn mỡ động vật, tăng dầu thực vật chứa nhiều acid béo không no, ăn cá có nhiều acid béo không no họ omega-3, các acid béo này làm giảm cholesterol máu; giảm các thức ăn chứa nhiều cholesterol như phủ tạng động vật; các đồ ăn ngọt (bánh ngọt, sôcôla...), hạn chế bia, rượu nhất là khi tăng triglycerid. Giảm cân sẽ tham gia điều chỉnh có hiệu lực rối loạn lipid máu, làm giảm cholesterol và triglycerid máu. Tăng rau, quả tươi, uống sữa đậu nành và tăng cường vận động thể lực.

Như vậy, với một lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ cùng với chế độ luyện tập thích hợp ngay từ khi còn trẻ có thể giúp dự phòng tốt được tình trạng tăng lipid máu. Còn khi đã bị tăng lipid máu thì ngoài chế độ ăn uống luyện tập thì việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ để dự phòng các biến chứng do tăng lipid gây nên.

TS. Hải Hà


Ý kiến của bạn