Phòng và điều trị cảm lạnh

SKĐS - Cảm lạnh còn gọi là cảm phong hàn trong y học cổ truyền với các triệu chứng thường gặp như: Nhức đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, có thể ho, đau rát họng...

Nguyên nhân và các triệu chứng của cảm lạnh

- Nguyên nhân sinh bệnh: Do làm việc không điều độ, lao lực hoặc lao tâm; do ăn uống nhiều đồ lạnh làm cơ thể bị khí lạnh tấn công từ bên trong với khí lạnh bên ngoài xâm nhập kinh mạch và tạng phủ; do lo buồn thái quá, ăn uống kém, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể làm giảm sức chống đỡ của cơ thể trước tác nhân gây bệnh.

- Triệu chứng của cảm lạnh: Nhức đầu, đau mỏi cơ thể, ban đầu sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ớn lạnh dọc xương sống, chân tay lạnh.

Thời gian ủ bệnh khoảng một ngày, người bệnh đột ngột sốt cao, rét run, thường kéo dài 3-5 ngày. Sau đó thân nhiệt hạ dần, người bệnh mệt mỏi, đau đầu dữ dội, đau các khớp, chân tay vô lực, da khô nóng, mắt đỏ, chói mắt, rát họng, có đờm, sổ mũi, đôi khi chảy máu cam, miệng đắng, chán ăn, buồn nôn…

Sau 5-7 ngày, các triệu chứng giảm dần. Tuy nhiên cần đề phòng các biến chứng của cảm lạnh như viêm phổi cấp dẫn đến khó thở... cần theo dõi và xử lý kịp thời để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

photo-1634826341466

Gừng tươi làm ấm cơ thể trị cảm lạnh

Một số biện pháp ứng phó với cảm lạnh

Đánh gió chữa cảm lạnh

- Dụng cụ: chuẩn bị 1 đồng xu tròn hoặc 1 muỗng bằng kim loại cạnh tròn, không bén, cao xoa (dầu nóng) hoặc dùng gừng tươi thay thế cho dầu.

- Thực hiện đánh gió: Bắt đầu bôi dầu và dùng tay chà xát dọc 2 bên cột sống, cổ, vai rồi dùng cạnh của đồng xu hoặc muỗng cạo với lực vừa phải vào vùng đó với chiều hướng lên hoặc xuống đều được. Mục đích đem khí nóng thấm qua da vào cơ thể.

Có thể dùng củ gừng tươi thay cho dầu (cao xoa), ta chọn củ to, rửa sạch, cho vào cối giã nhuyễn cả vỏ, vắt nước cốt lên vùng cần đánh gió rồi dùng bã chà xát cho đến khi người nóng lên. Dùng khăn khô lau sạch bã gừng. Vùng cơ thể được chà xát sẽ nóng ấm lên rất dễ chịu một cách tự nhiên không bị cảm giác lạnh tại chỗ như một số loại dầu nóng.

Gọi là "đánh gió" nhưng thật ra là cạo nhẹ nhiều lần cho da nóng lên. Đánh gió cho đến khi cơ thể ấm dần lên, không còn cảm giác ớn lạnh, giảm đau nhức cơ thể thì ngưng.

Không nên đánh gió đến mức lưng bầm tím vì khi bị nhiễm lạnh, cơ thể người bị cảm lạnh có thể sẽ gặp phải các phản ứng gây ra một số triệu chứng dị ứng và làm tăng tính thẩm thấu của các mao mạch dưới da. Khi đánh gió ta đã vô tình làm vỡ các mao mạch này, gây chảy máu hoặc xuất huyết dưới da. |

Xông hơi chữa cảm lạnh

- Nồi lá xông: Lá sả, lá bưởi, hương nhu, kinh giới, ngải cứu... Mỗi loại 1 nắm. Những loại lá này chủ yếu đều chứa các tinh dầu cay, nóng.

- Cách thực hiện: Rửa sạch các loại lá, cho vào nồi đun sôi khoảng 5-10 phút. Tắt bếp, để bên cạnh người bệnh, trùm kín sao cho giữ hơi nước từ nồi lá xông từ từ bay lên. Trong khi xông, người bệnh nên thở chậm và hít thở sâu... Mồ hôi toát ra, bắt đầu từ trán, cổ, gáy, sau đó đến toàn thân. Sau 10-15 phút, nên ngừng xông hơi. Dùng khăn khô lau mồ hôi, thay quần áo khô rồi nằm nghỉ.

- Lưu ý khi xông: Nên cho mồ hôi ra từ từ. Do đó, khi xông nên mở nắp nồi từ từ. Không bao giờ lạm dụng xông nhiều lần vì sẽ làm mồ hôi thoát ra nhiều, khiến tân dịch hao tổn (cơ thể mất nước) trong thời gian ngắn mà không bù lại kịp.

Trường hợp cảm lạnh mà ra nhiều mồ hôi không nên xông hơi. Bởi khi xông càng làm thoát dương khí ra ngoài, khiến sức khỏe suy giảm đi.

Cũng cần lưu ý khi nấu nước xông hơi chữa cảm lạnh: Không đun kỹ quá 15 phút làm các chất tinh dầu, tác dụng chính trong nồi xông bay hơi hết.

photo-1634826344303

Lá sả, lá bưởi, gừng, tía tô có tác dụng phòng, trị cảm lạnh

Cháo tía tô chữa cảm lạnh

Cháo gạo tẻ, nấu loãng, gia tía tô, kinh giới, quế hoặc vài lát gừng tươi, hành ta, hạt tiêu vừa đủ. Ăn nóng.

Hơi nước bốc lên từ cháo có tác dụng làm giảm sung huyết vùng mũi tốt hơn là hơi nước bốc lên từ một ly nước sôi. Tác dụng này chỉ có khi thêm vào tô cháo những loại rau gia vị nói trên, nhờ thành phần chính là tinh dầu. Do đó, nên ăn khi cháo còn nóng. Hơi nóng bốc lên từ tô cháo càng nhiều càng tốt, bởi vì lúc này, tô cháo còn có tác dụng như một nồi xông nhỏ.

Dùng gừng tươi chữa cảm lạnh

Cách 1: Gừng tươi 3 lát, củ cải 1 củ, rễ rau cải trắng 3 cái. Sắc uống.

Cách 2: Gừng tươi 15g, hành củ 15g, trứng gà 2 quả. Cho gừng hành vào đun sôi thì đập trứng gà vào thành canh. Ăn khi còn nóng.

Cách 3: Gừng tươi 1 củ, lá tía tô 1 nắm, lá hương nhu 1 nắm. Sắc nước uống.

Cách 4: Gừng tươi 10g, lá tre 6g, tía tô 10g, kinh giới 10g, đường đỏ 30g.Tất cả thuốc cho vào ấm, đổ vừa nước đun sôi 15-20 phút rồi cho đường đỏ vào, hòa tan. Uống khi còn nóng. Ngày uống 2 lần.

Phòng ngừa cảm lạnh

  • Uống đủ nước và chất lỏng trong ngày.
  • Giữ độ ẩm cho mũi, giảm nghẹt mũi.
  • Ăn chất béo lành mạnh để tăng chất béo trong cơ thể như bơ, dầu ô liu; ăn các loại hạt như hạnh nhân, quả óc chó, hạt hướng dương, hạt dẻ.
  • Rèn luyện thể lực giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật trong đó có cảm lạnh.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt như cải bó xôi, thịt đỏ, mật mía và ngũ cốc giàu sắt, ngăn ngừa thiếu máu.
  • Mặc đủ ấm.
  • Có thể sử dụng các thiết bị sưởi ấm phòng ngừa cảm lạnh.

Mời bạn xem thêm video:

Điều kiện bắt buộc với khách đi máy bay Từ 21/10


Lương Y Vũ Quốc Trung
(Phòng chẩn trị y học cổ truyền Vũ Quốc Trung)
Ý kiến của bạn