Phòng và chữa thống phong

11-02-2015 11:22 | Y học cổ truyền
google news

Y học hiện đại gọi thống phong là goutte (gút), đó là bệnh do rối loạn chuyển hóa còn có tên gọi là bệnh viêm khớp do acid uric. Bệnh liên quan nhiều đến chế độ ăn.

Y học hiện đại gọi thống phong là goutte (gút), đó là bệnh do rối loạn chuyển hóa còn có tên gọi là bệnh viêm khớp do acid uric. Bệnh liên quan nhiều đến chế độ ăn.

 

Thiên hoa phấn.

Bệnh goutte có đặc điểm là tăng lắng đọng các tinh thể acid uric hay muối urat monosodium ở xung quanh khớp (điển hình là khớp ngón bàn chân cái) ở màng hoạt dịch, xương, ở sụn. Sự lắng đọng này tạo thành các hạt tophi, có thể thấy hạt tophi ở dưới da, ở sụn vành tai. Từ việc lắng đọng các muối urat trong thận sẽ dẫn tới bệnh sỏi thận. Thận bị viêm sẽ dẫn tới bị tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ cứng động mạch. Những người quá béo hay đang bị bệnh tiểu đường cần cảnh giác hơn với goutte. Bệnh goutte được phân làm 3 thể:

 

- Thể bẩm sinh hay bệnh Lesch - Nyhan. Nguyên nhân do thiếu men HGPT. Bệnh nhân nhỏ tuổi, lượng acid uric trong máu đã cao quá ngưỡng, thể bệnh này rất nặng nhưng may là hiếm gặp.

- Bệnh goutte nguyên phát, liên quan đến yếu tố di truyền, gia đình bố mẹ bị goutte con có thể bị, từ 40 - 60% quá trình tổng hợp acid uric nội sinh tăng cũng có thể do cơ địa.

- Bệnh goutte thứ phát, lượng acid uric tăng do các bệnh khác gây nên như: goutte thứ phát gặp ít hơn loại nguyên phát; do ăn uống quá nhiều chất có chứa nhân purin; do nguyên nhân nào đó gây chết nhiều tế bào gai trong cơ thể, phá hủy các tổ chức (gọi là purin nội sinh) gặp trong các bệnh đa hồng cầu, bệnh bạch cầu thể tủy, Hodgkin, Sarcom hạch, đa u tủy xương, hoặc dùng thuốc diệt tế bào.

Đông y đã mô tả bệnh này với tên gọi thống phong. Nguyên nhân gây bệnh gồm 3 nhóm, đó là:

Do thời tiết khí hậu thất thường trong đó đặc biệt chú ý là phong và thấp.

Phong hay gặp mùa đông xuân. Phong gây tổn thương can, can chủ cân nên người bệnh bị đau cơ bắp chân, ngón chân cái (kinh can), đi lại đau tăng. Tính của can là điều đạt thư thái, nên đau sinh nóng tính, bực tức, lại càng đau. Thấp hại tỳ, tỳ ố thấp. Thấp làm tỳ rối loạn chuyển hóa do vậy dễ sinh đàm. Chuyển hóa thức ăn rối loạn sinh đàm. Đàm tắc kinh lạc huyết mạch cơ khớp mà sinh đau. Phong và thấp giảm, đau cũng giảm.

Hai là do tình chí căng thẳng kéo dài. Như kinh sợ quá hại thận. Thận chủ nhị tiện, tiểu tiện rối loạn, chất độc ứ đọng sinh đau. Thận yếu xương cốt bị biến dạng. Lo nghĩ hại tỳ, tỳ rối loạn vận hóa dễ tích nước sinh đàm. Đàm gây nghẽn tắc mà sinh đau. Tức giận hại can, can chủ sơ tiết, can tàng huyết. Khi can bị quấy động, sơ tiết rối loạn, tàng huyết thay đổi dễ sinh bực tức cáu gắt mà sinh đau. Thông bất thống, thống tắc bất thông. Khi có đau là biểu hiện khí, huyết kém lưu thông, bị ứ tắc. Khí loạn huyết ứ thì càng đau. Can chủ nhiệt nên nơi đau thường nóng sưng.

Nguyên nhân thứ ba là do chế độ sinh hoạt không theo một nguyên tắc nào, lúc quá vui, lúc quá mệt, ăn ngủ thất thường thì dễ bị khí tán, huyết ứ. Huyết ứ sinh đau, ăn uống nhiều chất bổ béo lại ít vận động, thì đàm trệ càng tăng, nên dễ bị thống phong. Bị bệnh rồi mà lại ăn nhiều chất bổ béo, nhiều chất chua cay tỳ sẽ sinh nhiều đàm, trong cơ thể đàm sẽ di chuyển lung tung, tắc trở kinh lạc mà sinh đau. Tắc đột ngột thì sinh đau cấp, tắc từ từ thì đau âm ỉ tăng dần. Sau lao động mệt nhọc, sau chấn thương lớn, khí huyết hư lao nhiều, thì việc lưu thông khí huyết sẽ kém. Khí trệ huyết ứ cũng sinh đau.

Kể ra như vậy để biết được nguyên nhân sinh thống phong. Trong bệnh thống phong có triệu chứng đau liên quan tới những yếu tố nào để người bệnh biết mà phòng. Phòng để không mắc bệnh và phòng cả trong khi bị bệnh mới nâng cao hiệu quả điều trị. Các tạng bị ảnh hưởng nhiều trong thống phong đó là tỳ, can, thận.

Chế độ ăn uống quá dư thừa, đặc biệt là thừa chất quá bổ béo. Khí hậu ẩm thấp và gió lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho thống phong xuất hiện. Uất ức giận hờn hay lao động căng thẳng mệt nhọc hay chấn thương đụng dập cân cơ nhiều, huyết bị hủy hoại nhiều làm can suy yếu cũng xuất hiện thống phong.

Kinh sợ, sinh hoạt trác táng, thận khống chế bài xuất, thận rối loạn vai trò chủ cốt cũng dễ sinh thống phong. Nên nguyên tắc điều trị là chú ý đến công năng ba tạng tỳ-can-thận, khu phong, hoạt huyết. Đồng thời tùy người bệnh bị các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, tiêu khó hay béo phì... hoặc bệnh lý đường hô hấp để gia giảm cho thích hợp. Điều trị Đông y thường toàn diện, chú ý các chứng có trên người bệnh để đối pháp lập phương.

- Bài thuốc chữa cơn goutte cấp:

Đào nhân 8g, phòng phong 12g, hoàng kỳ 12g, nhũ hương 6g, đan sâm 20g, thổ phục 12g, hồng hoa 8g, một dược 8g, đương quy 16g, xích thược 12g, hy thiêm 12g. Ngày sắc uống một thang.

Bài thuốc chữa bệnh goutte mạn

Xuyên khung 12g, thục địa 12g, đan sâm 16g, phòng phong 10g, trạch tả 12g, đương quy 12g, xích thược 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, độc hoạt 12g. Ngày sắc uống một thang.

Bài thuốc chữa bệnh goutte ở người béo bụng

Bạch linh 20g, trần bì 12g, một dược 8g, trạch tả 12g, độc hoạt 12g, sơn thù 16g, bán hạ chế 12g, hồng hoa 8g, phòng phong 12g, nhũ hương 12g, nam bình 12g, xuyên khung 12g. Ngày sắc uống một thang.

Bài thuốc chữa cơn goutte trên bệnh nhân tăng huyết áp

Thiên ma 12g, xuyên khung 12g, đan sâm 20g, kê huyết đằng 12g, xích thược 12g, sơn thù 8g, câu đằng 12g, đương quy 12g, hạ khô thảo 12g, thổ phục 12g, thục địa 12g, bạch linh 12g. Ngày sắc uống một thang.

Bài thuốc chữa cơn goutte trên bệnh nhân suy nhược, tăng huyết áp

Hoàng kỳ 10g, bạch truật 16g, hy thiêm 12g, thục địa 12g, sơn thù 8g, kỷ tử 12g, đương quy 12g, đan sâm 20g, hồng hoa 8g, hoài sơn 16g, mạch môn 12g, địa long 12g. Ngày sắc uống 1 thang.

Bài thuốc chữa cơn goutte ở bệnh nhân tiểu đường.

Sơn thù 8g, sinh kỳ 12g, mạch môn 12g, ngũ vị 8g, hồng hoa 10g, hoài sơn 12g, sinh địa 12g, thiên hoa phấn 12g, ngưu tất 12g, kê huyết đằng 12g, xích thược 12g, phòng phong 12g. Sắc uống ngày một thang.

Cũng có thể kết hợp xoa bóp châm cứu với uống thuốc đồng thời giải quyết chế độ ăn uống đúng mực, lao động và sinh hoạt hợp lý sẽ tăng kết quả điều trị đáng kể.

PGS.TS. Dương Trọng Hiếu

 


Ý kiến của bạn