Những triệu chứng thường gặp khi nhiễm cúm
Cúm là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, gây ra bởi các virut cúm. Nó có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng cúm thường xảy ra đột ngột, bao gồm: sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, chảy nước mũi, đau cơ, đau đầu, mệt mỏi, một vài người còn gặp phản ứng nôn và tiêu chảy.
Hầu hết mọi người mắc bệnh cúm có biểu hiện bệnh nhẹ, không cần điều trị thuốc kháng virut và có thể tự hồi phục sau 2 tuần. Tuy nhiên, ở một số người, có thể mắc các biến chứng của bệnh cúm dẫn đến nhập viện hoặc thậm chí tử vong. Viêm phổi, nhiễm trùng xoang mũi, nhiễm khuẩn tai là những biến chứng liên quan đến cúm. Cúm cũng có thể làm các bệnh mạn tính trầm trọng hơn.
Kháng sinh không có hiệu quả trong điều trị cúm
Kháng sinh là những thuốc điều trị nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn, nhưng cảm cúm là bệnh gây ra bởi virut. Vì vậy, sử dụng kháng sinh khi đang mắc bệnh do virut gây ra có thể chứa đựng nhiều nguy cơ hơn là lợi ích. Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết có thể làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.
Các triệu chứng cảm cúm ở trẻ nhỏ.
Dự phòng cúm bằng tiêm phòng vắc-xin
Cách đơn giản và hiệu quả nhất trong dự phòng cúm là tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm để giúp bảo vệ mỗi năm từ các chủng virut mới và sử dụng các thuốc kháng virut trong điều trị cúm.
Vắc-xin cúm nên được tiêm trước khi dịch cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Sau khi tiêm vắc-xin khoảng 2 tuần, các kháng thể bắt đầu được tạo ra để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virut cúm. Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo nên tiêm vắc-xin vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, tiêm vắc-xin vào các thời điểm sau đó, vẫn cho thấy lợi ích và việc tiêm ngừa nên được tiếp tục trong suốt mùa cúm, thậm chí là sau tháng 1. Trẻ em cần được tiêm 2 liều vắc-xin để được bảo vệ khỏi bệnh cúm và quá trình tiêm ngừa nên bắt đầu sớm hơn vì 2 liều vắc-xin phải cách nhau ít nhất 4 tuần.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc các biến chứng của cúm cần được tiêm vắc-xin ngừa cúm hàng năm như: Trẻ em dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi), người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai (kể cả phụ nữ sau khi sinh con 2 tuần), nhân viên y tế; người có các tiền sử bệnh mạn tính như: hen, những bất thường liên quan đến não bộ, thần kinh, tủy sống, dây thần kinh ngoại biên (chứng liệt não, động kinh, đột quỵ, những bất thường về trí tuệ); bệnh phổi mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, xơ nang); bệnh tim mạch (bệnh tim bẩm sinh, suy tim sung huyết, và bệnh động mạch vành); rối loạn huyết học; rối loạn nội tiết (tiểu đường); suy thận; suy gan; rối loạn chuyển hóa; suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, ung thư, những người đang trong quá trình điều trị corticoid dài ngày); bệnh nhân dưới 19 tuổi đang trong liệu trình điều trị aspirin dài ngày; người bị tiểu đường (chỉ số BMI 40).
Thuốc kháng virut nào điều trị cúm?
Thuốc kháng virut trong điều trị cúm là những thuốc làm giảm sự nhân lên của virut trong cơ thể. Khi có các triệu chứng khởi phát của cúm, những thuốc này làm giảm mức độ nghiêm trọng và rút ngắn thời gian để lành bệnh. Các thuốc này cũng được sử dụng trong một số trường hợp giúp ngăn ngừa bệnh cúm, nhưng chúng không phải là một liệu pháp thay thế vai trò của các vắc-xin cúm.
Các thuốc kháng virut được sử dụng trong điều trị cúm bao gồm: oseltamivir (tamiflu), peramivir (rapivab) và zanamivir (relenza). Thuốc được sử dụng hiệu quả nhất trong vòng 48 giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Những thuốc này có thể rút ngắn thời gian lành bệnh từ 1 đến 2 ngày nếu sử dụng trong giai đoạn sớm của bệnh. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về dùng. Khi được bác sĩ kê đơn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Tác dụng phụ của các thuốc kháng virut bao gồm bồn chồn, lo lắng, giảm chú ý, buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Đối với zanamivir không được khuyến cáo ở những người có tiền sử gặp các vấn đề về đường thở như hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...