Phòng trị sỏi tiết niệu bằng y học cổ truyền

Người bệnh sỏi tiết niệu cùng với việc dùng thuốc cần lưu ý cách ăn uống để tăng hiệu quả điều trị và phòng tránh tái phát.

Sỏi tiết niệu - triệu chứng và nguyên nhân

Phòng trị sỏi tiết niệu bằng Y học cổ truyền - Ảnh 1.

Dây tơ hồng sao vàng trị sỏi tiết niệu.

Y học cổ truyền gọi sỏi tiết niệu là chứng "sa lâm", "thạch lâm" với triệu chứng chủ yếu: Đau bụng, đau lưng, tiểu tiện ra máu, tiểu tiện khó…

Nguyên nhân do thấp nhiệt ứ trệ ở hạ tiêu làm cặn nước tiểu đọng lại, hạt nhỏ gọi là sa, hạt to gọi là thạch. Thấp nhiệt còn gây sốt, khí trệ huyết ứ, gây chảy máu.

Cách chữa tùy theo thể và nguyên tắc cấp tính trị tiêu, mạn tính trị bản. Thời gian trị bệnh thường kéo dài, có thể làm sỏi nhỏ lại tự tiêu hoặc tiểu tiện bài tiết ra ngoài; có thể làm thay đổi cơ địa làm sỏi không tái phát (sau khi bài tiết ra hay sau phẫu thuật lấy sỏi).

Việc điều trị sỏi thận đòi hỏi phân biệt rõ loại sỏi để chọn thuốc thích hợp và phòng tái phát.

Một số bài thuốc trị sỏi tiết niệu

Phòng trị sỏi tiết niệu bằng Y học cổ truyền - Ảnh 2.

Thổ phục linh.

+ Sỏi phosphate: Gặp ở người hay xúc động, uống nhiều thuốc kiềm trong điều trị loét dạ dày. pH nước tiểu thường 6,5 – 6,8.

Bài thuốc: Lấy 1 quả dứa, khoét 1 lỗ trong lõi, cho 25g phèn chua, đậy lại bằng miếng khoét, dùng tăm tre cố định. Nướng nhỏ lửa khoảng 30 phút, lấy ra ép lấy nước, chia uống nhiều lần trong ngày. Uống 10 ngày. Sau 1 tháng, kiểm tra, nếu vẫn còn sỏi, uống tiếp 1 đợt nữa.

Nên ăn nhiều thịt, giảm ăn rau; uống gel nhôm để hạn chế hấp thu phosphate vào máu.

Kiêng ăn: Ca cao, đậu nành, đậu Hòa lan, đậu Pois, gan, nấm mèo, cá mòi, cá thu, cá rô, cá đối, bơ.

Phòng trị sỏi tiết niệu bằng Y học cổ truyền - Ảnh 3.

Củ mài.

+ Sỏi urate: Thường gặp ở người ăn nhiều, to béo hoặc mắc bệnh gút (thống phong).

Bài thuốc: Dây tơ hồng (sao vàng) 30g, thổ phục linh 20g, củ mài (sao vàng) 30g, tỳ giải 30g, mã đề thảo 16g, hạt sen (sao vàng) 20g. Sắc với 1 lít nước, sắc 2 lần, cô lấy 500ml, chia uống 3 lần, lúc đói. Uống dài ngày mới có kết quả.

Cần giảm thiểu thức ăn có nhiều purin, làm tăng pH nước tiểu: Cật bê, cật heo, gan, tôm, ốc, cá chày, thịt bê, các loại cá thịt bị ươn, nấm các loại.

Hạn chế uống thuốc làm tăng pH nước tiểu: Citrate natri, bicarbonate natri.

+ Sỏi oxalate: Là sự kết hợp chuyển hóa không trọn vẹn của hydrat carbon kết hợp với các bệnh kiết lỵ hay giun sán.

Bài 1: Dây lá kim tiền thảo. Dùng dây lá tươi 100g, rửa sạch, giã nhỏ, thêm 1 lít nước, lọc vắt lấy nước, uống trong ngày. Hoặc sắc với 2 lít nước lấy 1 lít chia 3 lần, uống trong ngày. Uống đến khi khỏi bệnh.

Bài 2: Hoạt thạch 20g, cam thảo 3g, hỏa tiêu 20g. Nghiền nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 2g, chiêu bằng nước sắc kê nội kim 15g.

Hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều oxalate: Dưa leo, củ cải đỏ, măng tây, dâu tây, trà đặc. Nên ăn ít chất bột hoặc chất béo.

+ Sỏi cystin: Do dùng nhiều loại thức ăn làm tăng pH nước tiểu.

Bài thuốc: Thạch vĩ 8g, xa tiền tử 12g, hoạt thạch 12g, cam thảo 4g, cù mạch 8g, đông quỳ tử 8g, kim tiền thảo 30g, kê nội kim 10g, xuyên sơn giáp 10g, vương bất lưu hành 15g, tục đoạn 15g, đỗ trọng 10g, tang ký sinh 15g, hồ đào nhục 15g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 20 ngày.

+ Sỏi calcium: Là sự kết hợp các chất trên với calcium để tạo sỏi. 

Đề phòng sỏi tái phát, phải kiêng các thức ăn có nhiều calcium: Xà lách, hạt dẻ, cải xoong, rau dền, rau diếp, rau đay, vừng đen, đậu nành, đậu trắng, trứng, sữa, socola, cua, sò, hến, xương hầm...

Người nằm bất động lâu ngày, thường hay bị táo bón, có nhiều yếu tố kết hợp sinh sỏi (nhiễm trùng, loãng xương), nên phải cho uống nhiều nước, tránh táo bón. Hạn chế các thức ăn nhiều calcium, tránh để nhiễm trùng, làm giảm pH nước tiểu bằng các loại thuốc và cho vận động tay chân sớm.

Bài 1: Hải kim sa 15g, kim tiền thảo 15g, xa tiền tử 10g, mộc thông 8g, bạch linh 10g, thanh bì 10g, trần bì 10g, hoạt thạch 15g, hổ phách mạt 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống 15 - 20 ngày.

Gia giảm: Nhiệt nặng thêm đại hoàng 10g, chi tử 10g, chích thảo 10g. Thấp nặng, thêm trư linh 10g, ý dĩ 15g. Đau kịch liệt, thêm huyền hồ 10g, tiểu hồi 5g, xích thược 15g, nga truật 15g. Khí hư, thêm đảng sâm 20g, hoàng kỳ 15g, hoài sơn 15g. Thận hư, thêm tang ký sinh 15g, tục đoạn 15g, thỏ ty tử 10g, nhục quế 4g, phụ tử chế 3g.

Bài 2: Râu ngô 40g, mã đề thảo 60g, cỏ mực 40g, rễ cỏ tranh 20g. Dùng tươi hay khô. Dùng tươi: Sắc với 2 lít nước lấy 1 lít, lọc chia uống 3 lần, uống khi đói. Ngày 1 thang.

Xem thêm video đang được quan tâm:

An toàn cho người cao tuổi trước dịch COVID-19

Lương y Thảo Nguyên
Ý kiến của bạn