Theo y học cổ truyền, trẻ em ho có nhiều nguyên nhân, phần nhiều là do nhiễm hàn tà (phong hàn) hoặc nhiễm nhiệt tà (phong nhiệt).
Trẻ em nội tạng còn non yếu, có em vốn tỳ phế đã bị hàn lại hay ăn thức ăn sống nguội lạnh, cởi trần, tắm lâu mà đi gió mà bị nhiễm hàn tà. Có em vốn trong người nóng lại ăn nhiều thức ăn cay nóng, gặp nắng nóng mà bị nhiễm nhiệt tà vào tỳ phế đều có thể sinh ho. Nguyên tắc phòng điều trị nếu ho do hàn cần phải ôn bổ, nếu ho do nhiệt cần phải thanh giải. Sau đây là những bài thuốc cổ phương gia giảm phòng trị ho cho trẻ em.
Ho do nhiễm hàn tà: thường biểu hiện ho nghẹt mũi, chảy mũi nước, ngứa họng nặng tiếng, đàm nhiều, có khi đau đầu phát sốt... Sử dụng bài thuốc Sâm tô ẩm gia giảm, gồm có: tô diệp 4g, cát căn 4g, tiền hồ 4g, trần bì 4g, bán hạ chế 2g, cát cánh 4g, bạch phục linh 4g, cam thảo chích 4g, đại táo 3 quả, sinh khương 3 lát. Nếu bệnh lâu có thể ho nặng thêm dẫn đến (phế tỳ hư hàn) trẻ lười ăn, mệt mỏi, da, môi nhợt, gặp gió lạnh ho tăng, sổ mũi loãng, đàm nhiều, đại tiện nhuận hoặc lỏng, gia them vị ôn bổ như nhân sâm 4g, bạch truật 4g, nếu có đàm mũi nhiều gia xuyên bối mẫu 4g. Bài thuốc có tính bổ ấm, thông phế, cầm ho. Cách dùng: cho khoảng 2 chén nước đun cạn lấy nửa chén nhỏ; sắc làm 3 lần, chung lại chia đều uống 2 - 3 lần trong ngày.
Ho do nhiễm nhiệt tà: mới đầu thường biểu hiện ho khó khăn, đàm vàng dính hoặc trắng dính, khô miệng họng đau, tắc mũi đau đầu, mình nóng sốt tự ra mồ hôi, rêu lưỡi vàng mỏng, ho không nghe tiếng đàm... Sử dụng bài thuốc Tang cúc ẩm gia giảm gồm có: lá dâu khô 8g, cúc hoa 4g, hạnh nhân 4g, liên kiều 4g, bạc hà 4g, cát cánh 4g, cam thảo 4g, rễ tranh 4g, đại táo 3 quả, sinh khương 3 lát. Bài thuốc có tính thanh nhiệt thông phế cầm ho… Nếu bệnh để lâu (phế tỳ nhiệt) sinh ho luôn luôn mặt đỏ miệng khô, đàm mũi đặc vàng, xanh đại tiện phân táo bón tiểu vàng. Sử dụng bài thuốc Tả bạch tán gia giảm, gồm: vỏ rễ cây dâu 4g, xuyên bối mẫu 4g, địa cốt bì 4g, mạch môn 8g, tri mẫu 4g, cát cánh 4g, hoàng cầm 4g, bạc hà 6g, cam thảo 2g, đại táo 3 quả, sinh khương 3 lát. Nếu đại tiện táo bón gia thêm hạnh nhân 4g, đàm nhiều gia bạch phục linh 6g, trần bì 4g, trẻ mệt yếu gia nhân sâm 4g. Bài thuốc có tính thanh phế, hóa đàm, cầm ho. Cách dùng: cho khoảng 2 chén nước đun cạn lấy rửa chén nhỏ, sắc làm 3 lần chia chung lại chia đều uống 3 lần trong ngày (các bài thuốc trên trẻ lớn tuổi nhiều cần dùng liều lượng gấp đôi hoặc hơn).
Trên đây là những bài thuốc cổ phương gia giảm để phòng trị ho ở trẻ em do bị nhiễm hàn tà, nhiệt tà. Bài thuốc đã sử dụng qua nhiều thế hệ thấy hiệu quả, lại dễ uống dễ sử dụng, hầu như không có tác dụng phụ, và có thể phối hợp cùng lúc uống cả thuốc Đông y và thuốc Tây y kháng sinh) càng mau khỏi. Phòng trị ho trẻ em cần lưu ý khi bị nhiễm hàn tà hay nhiệt tà đều có thể gây ho nhưng có nhiều triệu chứng khác nhau. Nguyên tắc phòng trị ho do hàn (lạnh) cần phải ôn ấm, nhiệt (nóng) phải thanh giải, mát. Nếu dùng thuốc và ăn uống không đúng ho sẽ bị ho nặng thêm. Khi bệnh khỏi rồi, cần ăn uống bồi bổ sức lực cho trẻ phòng tái phát.
Lương y MINH PHÚC