Hà Nội

Phòng, trị bệnh tả: Khâu nào cần chú trọng?

01-08-2017 15:17 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiện nay, thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi gây bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả.

Bệnh dễ dàng lây lan có thể gây bùng phát thành dịch. Vậy bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả cần được điều trị và phòng ngừa như thế nào?

Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả hay bệnh tả là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn tả gây ra. Bệnh thường gây tiêu chảy nặng và mất nước, có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ở những nước và những vùng có trình độ kinh tế - xã hội - vệ sinh thấp kém, vào những tháng mùa hè (khí hậu nóng - ẩm, nhiều ruồi, nhặng, chuột... thức ăn dễ ôi thiu), đặc biệt sau khi bị lũ lụt dễ bùng phát bệnh... Bệnh lây theo đường tiêu hóa, cụ thể là đường phân - miệng thông qua nguồn nước, thực phẩm, rau quả... đặc biệt là một số hải sản như sò, ốc, hến được bắt từ những nơi ô nhiễm hoặc tay bẩn, dụng cụ ăn uống bị ô nhiễm, qua ruồi, nhặng, chuột, gián... làm lây lan mầm bệnh.

Bệnh khởi phát đột ngột bằng tiêu chảy dữ dội. Lúc đầu phân có thể ít, sệt, sau nhanh chóng trở nên điển hình với tính chất: lỏng, toàn nước, màu trắng đục như nước vo gạo có lẫn những hạt trắng lổn nhổn, mùi tanh hoặc như gạch cua màu trắng nhạt. Bệnh nhân đi ngoài dễ dàng, số lượng nhiều (tới 300-500ml/lần), nhiều lần (tới 30-40 lần hoặc hơn/ngày) làm cho tình trạng mất nước nhiều và nhanh: 10-15 lít/ngày hoặc 1lít/giờ ở người lớn. Nôn xuất hiện sau khi tiêu chảy vài giờ. Nôn dễ dàng, số lượng nhiều, dịch nôn lúc đầu là nước và thức ăn, sau giống như dịch phân. Không đau bụng hoặc chỉ đau nhẹ, không có mót rặn. Bệnh nhân thường không sốt, một số ít (dưới 5%) có sốt nhẹ…Truyền dịch để bù nước cho bệnh nhân. Ảnh: TM

Truyền dịch để bù nước cho bệnh nhân. Ảnh: TM

Dùng thuốc như thế nào?

Khi mắc bệnh tả, cần điều trị càng sớm càng tốt, cố gắng điều trị tại chỗ, hạn chế vận chuyển đi xa. Chủ yếu là bổ sung nhanh và kịp thời lượng nước và điện giải đã mất, tích cực chống nhiễm toan và trụy tim mạch.

Trường hợp nhẹ, ở giai đoạn đầu chưa mất nhiều nước và giai đoạn hồi phục, bệnh nhân có thể bù nước bằng đường uống. Dung dịch đường uống hay dùng nhất là oresol. Nếu không có sẵn, có thể pha chế dịch thay thế gồm 8 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê muối pha trong 1 lít nước hoặc nước cháo (50g gạo và một nhúm khoảng 3,5g) muối hoặc nước dừa non có pha một nhúm muối. Nên cho bệnh nhân uống theo nhu cầu và uống thành nhiều ngụm nhỏ để tránh kích thích niêm mạc ruột.

Trong trường hợp nặng, bệnh nhân cần được bù nước thông qua truyền dịch. Các loại dịch truyền thường được sử dụng bao gồm: natri clorid 0,9%, ringer lactat, natri bicarbonat 1,4%, glucose 5%. Trong quá trình truyền dịch, bệnh nhân cần được giám sát chặt chẽ. Do đó, chỉ thực hiện truyền dịch tại các cơ sở y tế.

Kháng sinh dùng trong điều trị bệnh tả có tác dụng làm giảm khối lượng và thời gian tiêu chảy, rút ngắn thời gian thải phẩy khuẩn tả trong phân. Chỉ dùng kháng sinh đường uống. Kháng sinh đường tiêm không có lợi. Cho uống kháng sinh ngay sau khi hết nôn (thường sau khi bù nước 3-4 giờ). Các thuốc được dùng ưu tiên gồm có: kháng sinh fluoroquinolon (ciprofloxacin, norfloxacin, ofloxacin), azithromycin, cloramphenicol... Chú ý không được dùng các thuốc làm giảm nhu động ruột (đặc biệt là các thuốc cầm tiêu chảy) như morphin, opizoic, atropin, loperamid... vì các thuốc này làm giảm quá trình thải vi khuẩn ra khỏi cơ thể.

Về dinh dưỡng, nên cho bệnh nhân ăn sớm, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Trẻ còn bú tăng cường bú mẹ.

Để giảm nguy cơ lây bệnh, bệnh nhân tả cần được cách ly trong phòng riêng không tiếp xúc. Xử lý phân và chất thải bằng cloramin B 10% tỷ lệ 1:1 hoặc vôi bột. Khử khuẩn quần áo, chăn màn, dụng cụ của bệnh nhân, phương tiện chuyên chở bệnh nhân bằng dung dịch cloramin B 1-2%, nước javel 1-2% hoặc nước sôi. Ngâm tay bằng dung dịch cloramin B hoặc rửa tay bằng các dung dịch khử khuẩn sau khi chăm sóc bệnh nhân.

Phòng bệnh là quan trọng nhất

Để phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, cần giữ vệ sinh môi trường, đảm bảo cung cấp nước sạch. Không ăn thức ăn tươi sống, nhất là các loại rau sống, uống nước chưa đun sôi. Một số rau sống được tưới bằng nước nhiễm khuẩn hoặc bón phân từ phân người nên là nguồn lây nhiễm nguy hiểm đáng kể cho cộng đồng. Ăn chín, uống chín, hạn chế ăn rau sống trong vùng có dịch. Tránh ăn uống ở hàng quán vỉa hè tại nơi nghi ngờ có dịch. Không được phóng uế bừa bãi vì người mắc bệnh là nguồn phóng thích mầm bệnh. Tăng cường vệ sinh cá nhân và cộng đồng như chú trọng rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn khi ăn uống và chế biến thực phẩm. Chú trọng vệ sinh trong môi trường tập thể, bán trú... Bệnh đã có vắc-xin, tuy nhiên chỉ cần sử dụng cho những vùng có nguy cơ dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế dự phòng.


DS. Nguyễn Tùng Sơn
Ý kiến của bạn
Tags: