Trước tượng đài ngã ba Nghèn lịch sử, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng, vì độc lập tự do của dân tộc; cầu cho linh hồn các liệt sĩ được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng, cầu cho quốc thái dân an. Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nguyện phát huy tinh thần của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp, tập trung khai thác mọi nguồn lực xây dựng tỉnh Hà Tĩnh ngày càng văn minh, giàu mạnh xứng đáng là quê hương giàu truyền thống cách mạng.
Tại ngã ba Nghèn, cách đây đúng 81 năm, nhân dân Can Lộc và các vùng lân cận trong tỉnh Hà Tĩnh đã nổi dậy đấu tranh đòi giải phóng dân tộc và mít tinh kỷ niệm Quảng Châu Công xã. Trong đợt nổi dậy, kẻ thù đã đàn áp quần chúng rất dã man, 42 người con yêu nước của quê hương Hà Tĩnh đã anh dũng đấu tranh đến hơi thở cuối cùng.
Phong trào bắt đầu bằng cuộc biểu tình của người dân ở Hưng Nguyên (Nghệ An). Vào ngày 12/9/1930, khoảng 8.000 nông dân, đi đầu là những người cầm cờ đỏ, đã kéo về phủ lị và trương các khẩu hiệu như: Bỏ sưu thuế, Bớt giờ làm, Chống khủng bố trắng, Bồi thường cho các gia đình bị tàn sát trong cuộc bạo động Yên Bái,... thậm chí là Chia lại ruộng đất, Đả đảo chủ nghĩa đế quốc, Đả đảo phong kiến. Dòng người càng đi càng được bổ sung thêm, khi đến gần Vinh con số đã lên tới 30.000 người và xếp hàng dài tới hơn 4 cây số.
Trước đó, ngày 1/8/1930, hàng trăm người dân huyện Can Lộc mở đầu bằng cuộc biểu tình sau đó phong trào dấy lên khắp 8 phủ, huyện và tỉnh lỵ. Ngay sau đó, chính quyền Xô viết được thành lập ở nhiều nơi.