Hà Nội

Phong trào hiến máu tình nguyện - Đòn bẩy cho công tác an toàn truyền máu phát triển

14-02-2014 23:53 | Thời sự
google news

SKĐS - Đầu những năm 1990, ở nước ta, máu để truyền chủ yếu được lấy từ người thân của bệnh nhân hoặc được mua từ người bán máu, nguy cơ lây nhiễm bệnh qua truyền máu rất cao, truyền máu có nhiều yếu tố rủi ro.

Đầu những năm 1990, ở nước ta, máu để truyền chủ yếu được lấy từ người thân của bệnh nhân hoặc được mua từ người bán máu, nguy cơ lây nhiễm bệnh qua truyền máu rất cao, truyền máu có nhiều yếu tố rủi ro. Để bảo đảm an toàn truyền máu thì việc lấy máu từ người khỏe mạnh, hiến máu tình nguyện đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi các hoạt động an toàn truyền máu. 20 năm qua (1994 - 2014), công tác vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) đã có bước phát triển nhanh chóng, hình thành một phong trào xã hội và góp phần thúc đẩy toàn diện hoạt động truyền máu, từ công tác tổ chức lại dịch vụ truyền máu và các mảng hoạt động chuyên môn của truyền máu. 

Thúc đẩy tập trung hóa dịch vụ truyền máu

Theo thống kê, 20 năm qua, cả nước đã tiếp nhận được 8.241.502 đơn vị máu, riêng năm 2013 tiếp nhận được gần 930.869 đơn vị máu toàn phần, tăng gấp gần 7 lần so với năm 1994 khi đẩy mạnh công tác này (năm 1994 thu được 138.000 đơn vị), tỷ lệ HMTN tăng đều trong các năm, từ 14,5% vào năm 1994 lên 90,2% vào năm 2013.

Sản xuất chế phẩm máu. (Ảnh do Viện Huyết học - Truyền máu TW cung cấp).

Sản xuất chế phẩm máu. (Ảnh do Viện Huyết học - Truyền máu TW cung cấp).

Sự phát triển của công tác vận động HMTN ở nước ta đã thúc đẩy và là động lực cho việc quy hoạch lại dịch vụ truyền máu theo hướng tập trung và hiện đại. Từ việc rất nhiều bệnh viện tuyến huyện có tổ chức lấy máu, sàng lọc máu, đến nay, nhiều cơ sở đã ngừng tiếp nhận máu và chỉ nhận máu từ các trung tâm lớn, thực hiện việc tiếp nhận và cung cấp máu tập trung. Các cơ sở truyền máu tại một số bệnh viện tỉnh/thành phố và huyện chưa có trung tâm truyền máu bao phủ cũng được nâng cấp, đầu tư về trang thiết bị và con người. Hiện nay, 5 trung tâm truyền máu khu vực, 10 trung tâm truyền máu vùng và khoảng 80 cơ sở tiếp nhận máu khác đã góp phần đảm bảo tốt số lượng và chất lượng máu, đảm bảo máu cho cả khu vực đô thị cũng như từng bước đảm bảo an toàn truyền máu cho vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Cũng như kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, việc tập trung hóa dịch vụ truyền máu là điều kiện chuyên môn kỹ thuật cơ bản để thúc đẩy và đảm bảo thành công của công tác HMTN.

Việc tập trung hóa dịch vụ truyền máu cũng phát huy hiệu quả trong công tác điều tiết máu trên toàn quốc, thể hiện ở sự phối hợp, điều phối trong hoạt động tiếp nhận máu, phân phối chế phẩm máu. Điều này đã góp phần khắc phục được tình trạng khan hiếm máu ở các vùng, miền và góp phần thúc đẩy công tác HMTN ở các địa phương. Gần đây nhất, Hành trình Đỏ 2013 – hành trình hiến máu xuyên Việt, thu được hơn 17.516 đơn vị máu thì điều chuyển về Viện Huyết học – Truyền máu TW cho người bệnh ở khu vực Hà Nội là 5.754 đơn vị.

Nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn truyền máu

Song song với kết quả vận động HMTN, các hoạt động chuyên môn truyền máu cũng được thúc đẩy, phát triển toàn diện. Công tác tiếp nhận máu được cải thiện với việc sử dụng túi dẻo thay cho chai thủy tinh, cải tiến ghế và các trang thiết bị lấy máu. Đồng thời, nhiều mô hình hiến máu được tổ chức hiệu quả như: điểm cố định, xe chuyên dụng, hiến máu dự bị, câu lạc bộ nhóm máu hiếm... đã tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia hiến máu từ học sinh, sinh viên ra nhiều đối tượng ở nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, phải kể đến mô hình “ngày hiến máu lớn” như Lễ hội Xuân hồng, Chủ nhật đỏ, Hành trình đỏ...

Với lượng máu lớn tiếp nhận được, công tác sàng lọc các bệnh nhiễm trùng lây qua đường truyền máu, nhất là HIV được thực hiện tốt với việc triển khai sàng lọc kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiện tương đương với ELISA trở lên; nhiều kỹ thuật mới được phát triển như kỹ thuật điện hóa phát quang và NAT đã được ứng dụng, công tác an toàn truyền máu ở nước ta đã phát triển vượt bậc. Bên cạnh đó, chúng ta đã sản xuất được nhiều chế phẩm máu có chất lượng phục vụ cho việc mở rộng truyền máu từng phần như khối hồng cầu, khối tiểu cầu, tủa lạnh...; năm 2012, tỷ lệ máu toàn phần được sản xuất chế phẩm máu đã đạt 84,5%. Chế phẩm máu gạn tách từ một người cho cũng đã được đẩy mạnh ở nhiều trung tâm. Năm 2013, cả nước tiếp nhận được 41.375 đơn vị tiểu cầu “máy”. Nhờ việc đảm bảo về số lượng, chất lượng máu và chế phẩm máu mà các kỹ thuật y tế chuyên sâu càng có điều kiện để phát triển như: ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy... cũng như góp phần nâng cao chất lượng truyền máu lâm sàng nói chung, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý chất lượng, nghiên cứu khoa học và đào tạo về truyền máu cũng thu được nhiều thành tựu.

Phát triển của dịch vụ truyền máu nằm trong sự phát triển chung của ngành y tế. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh chóng công tác vận động và tổ chức hiến máu 20 năm qua là “đòn bẩy” rất ý nghĩa, thúc đẩy toàn diện công tác truyền máu và ngược lại, chính sự phát triển của truyền máu cũng đã góp phần phát triển bền vững của công tác vận động HMTN, góp phần đảm bảo an toàn truyền máu và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.      

TS. Trần Quý Tường (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế)

 


Ý kiến của bạn