Hà Nội

Phòng tránh viêm da tiếp xúc do đeo khẩu trang phòng dịch

03-06-2021 15:03 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đứng trước tình hình dịch COVID 19 đang diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài, thì việc đeo khẩu trang là một trong những biện pháp quan trọng trong công cuộc phòng chống dịch. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tuân thủ đeo khẩu trang đúng cách, hoặc sử dụng khẩu trang không an toàn sẽ dễ dẫn tới tình trạng viêm da tiếp xúc.

Gia tăng số các ca bệnh viêm da do đeo khẩu trang

Việc sử dụng các dụng cụ bảo hộ cá nhân trong đó có đeo khẩu trang kéo dài trong đại dịch COVID-19 được cảnh báo là có thể làm gia tăng các vấn đề về da trong đó có viêm da. Các nhà khoa học đã báo cáo các ca lâm sàng với các biểu hiện viêm da vùng mặt bao gồm mụn trứng cá, trứng cá đỏ và viêm da dầu có liên quan tới sử dụng khẩu trang kéo dài.

Cụ thể là: Với những người  thường xuyên phải sử dụng khẩu trang 6 tiếng/ ngày trong khi làm việc. Nếu tình trạng này kéo dài liên tục trong 2 tuần sẽ khiến cho làn da xuất hiện các biểu hiện ban đỏ da dai dẳng đối xứng hai bên má; Người viêm da dầu với các triệu chứng đỏ da, vảy da dầu trên vùng mũi, má và vùng cằm. Tất cả các biểu hiện này đều được chẩn đoán viêm da do đeo khẩu trang quá nhiều…

Cơ chế được các nhà khoa học đưa ra là: Sự bí tắc, kèm theo là sự ẩm ướt và môi trường nóng ẩm có thể là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của các triệu chứng trên. Vậy nên, để có thể tránh tình trạng viêm da do đeo khẩu trang, bạn cần chú ý đeo khẩu trang đúng cách và an toàn.

Viêm da tiếp xúc do đeo khẩu trang không đúng cách, không an toàn

Hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách để tránh ảnh hưởng đến da

Lựa chọn khẩu trang:Khẩu trang có đủ tiêu chí chống thấm, kháng khuẩn với giấy tờ chứng nhận nguồn gốc an toàn từ cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước. Bề mặt khẩu trang trơn nhẵn, không xù lông, tạo được sự thoải mái khi đeo, không gây ngứa ngáy, khó chịu.

Không đeo khẩu trang quá chật so với khuôn mặt, tránh việc ma sát trực tiếp nhiều vào vùng miệng và tạo được thông khí tốt khi đeo;

Không được đeo khẩu trang ngược ( đeo mặt trái);

Khi đeo phải che kín cả mũi lẫn miệng;

Không sử dụng khẩu trang bẩn, kém chất lượng;

Không dùng tay sờ vào bề mặt khẩu trang khi đang đeo;

Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo;

Với khẩu trang y tế không được tái sử dụng;

Với khẩu trang vải cần giặt sạch và phơi khô mỗi ngày;

Thay khẩu trang khi bị ướt do mồ hôi, nước mưa...;

Không sử dụng chung khẩu trang với người khác kể cả người thân;

Thu gom khẩu trang đã qua sử dụng và bỏ đúng nơi quy định.

Nếu gặp các triệu chứng: Ngứa, mẩn đỏ da.. như đã nêu trên, hãy tới các cơ sở y tế nơi có chuyên khoa Da liễu để được bác sĩ khám và điều trị. Tránh tự ý sử dụng thuốc để không gây ra những biến chứng không đáng có.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn