Bệnh chàm là gì?
Bệnh chàm hay còn gọi là chàm thể tạng, chàm ở trẻ sơ sinh, viêm da cơ địa.
Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, nhiều nhất là ở lứa tuổi trẻ dưới 2 tuổi. Chàm chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn dưới 2 tuổi
- Giai đoạn từ 2-12 tuổi
- Giai đoạn từ 12 tuổi đến tuổi trưởng thành
Đối với mỗi một giai đoạn đều có những dấu hiệu nhận biết riêng biệt. Người bệnh cần chú ý để có thể có biện pháp xử lý kịp thời. Tránh trường hợp chàm dai dẳng hoặc tái phát.
Bệnh chàm giai đoạn dưới 2 tuổi
Với trường hợp chàm hay viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ, dưới 2 tuổi. Dấu hiệu chủ yếu sẽ là tổn thương ở vùng mặt (má, trán và cằm).
Biểu hiện
Đầu tiên, trẻ có những tình trạng xuất hiện mụn nước nhỏ li ti thậm chí là nhỏ như đầu kim tiêm. Những mụn nước này xuất hiện trên nền da rát đỏ. Xu hướng của bệnh lan rộng, lan nhanh, có chảy nước, chảy dịch. Trong trường hợp có bội nhiễm sẽ có dịch vàng, đóng vảy màu vàng. Đây được xem là giai đoạn cấp và bán cấp.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Oanh thông tin cách chăm sóc da khi bị chàm.
Lúc này trẻ thường quấy khóc nhiều. Đồng thời ngoài vùng mặt, chàm có thể lan ra cả vùng tay và vùng chân. Với những trường hợp như vậy chúng ta phải điều trị cấp cho trẻ. Mục tiêu là giúp trẻ không bị khó chịu.
Cách điều trị chàm cho trẻ dưới 2 tuổi
Khi điều trị chàm cho trẻ dưới 2 tuổi cần có những dung dịch để thấm hút tốt dịch viêm chảy ra. Bên cạnh đó, bố mẹ nên duy trì thói quen dưỡng ẩm, chăm sóc da cho bé. Bởi dưới 2 tuổi, trẻ có làn da mỏng và nhạy cảm. Làn da của trẻ dễ bị tổn thương dưới tác hại của thời tiết. Đặc biệt khi chuyển mùa, khí hậu lạnh, trời hanh khô là lúc trẻ dễ bị chàm lặp lại. Do đó cần dự phòng bằng cách bôi dưỡng ẩm thường xuyên cho trẻ.
Tiếp theo, khi chàm ở trẻ rơi vào tình trạng cấp và viêm nặng bán cấp. Lúc này có thể dùng một số hoạt chất điều trị như mỡ kháng sinh và mỡ corticoid nhẹ và vừa để giảm tình trạng viêm. Nếu bị bội nhiễm có thể phải kết hợp bôi và uống một số loại kháng sinh, thuốc có thành phần kháng histamin để giảm ngứa cho trẻ.
Bệnh chàm ở giai đoạn từ 2-12 tuổi và trưởng thành
Chàm ở lứa tuổi từ 2-12 tuổi và từ 12 tuổi đến tuổi trưởng thành có những triệu chứng tương đồng, khá giống nhau.
Biểu hiện
Người bệnh có những rát sẩn đỏ, dày da ở phần mặt duỗi của các chi, vùng nếp gấp (khuỷu tay, đầu gối), thường xuất hiện đối xứng cả 2 bên. Nếu không điều trị về sau sẽ xuất hiện tình trạng dày da lichen hóa.
Biện pháp phòng tránh và điều trị
Cách điều trị:
Người bệnh cần hạn chế tác động cơ học: ma sát, chà sát, cào gãi để tránh tình trạng da dày hơn, bì hơn. Tiếp theo cần sử dụng những sản phẩm dưỡng ẩm, bôi thoa liên tục để da được cung cấp độ ẩm nhất định, giúp hàng rào bảo vệ da khỏe hơn. Cụ thể nên bôi thoa dưỡng ẩm 3-5 lần/ngày. Thậm chí với những trường hợp nặng có thể bôi nhiều hơn hoặc khi thời thiết hanh khô khiến tình trạng chàm tái đi tái lại nhiều hơn.
Nếu tình trạng da quá dày ngoài dưỡng ẩm có thể kết hợp một số thuốc bạt sừng, bong vảy. Ví dụ ở phần mặt duỗi hoặc nếp gấp cần hoạt chất mạnh hơn để loại bỏ được sừng để làm da mỏng hơn, không bị dày lên và hạn chế tình trạng viêm.
Phòng tránh bệnh chàm:
Ngoài việc dùng dưỡng ẩm đúng cách, người bệnh cần sử dụng đúng các hoạt chất điều trị và phù hợp với tình trạng da và tùy lứa tuổi. Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi với vùng da mỏng (mặt, cổ, mặt trong cánh tay hoặc mặt trong đùi) nên dùng những hoạt chất dạng nhẹ giúp da đảm bảo được độ an toàn. Không nên sử dụng hoạt chất corticoid mạnh để tránh tác dụng phụ như giãn mạch, mỏng da, teo da.