Hà Nội

Phòng tránh thiếu oxy cho cơ thể

04-01-2010 15:13 | Tin nóng y tế
google news

Thiếu oxy là một quá trình bệnh lý phức tạp do cơ thể chúng ta không được cung cấp oxy đầy đủ cho nhu cầu hoạt động bình thường của tế bào, hoặc do bệnh lý mà tế bào tổ chức không sử dụng được oxy.

Khi lên cao trên 3000 mét, không khí loãng có thể làm cho chúng ta bị thiếu oxy. Bên cạnh đó một số bệnh lý cũng làm cho cơ thể bị thiếu dưỡng khí này. Những dịp lễ tết, bạn có thể đi lại bằng máy bay, hoặc bạn đi du lịch lên các vùng núi cao như Đà Lạt, Sapa... Những hiểu biết sau đây sẽ giúp bạn phòng tránh tình trạng thiếu oxy, giữ gìn sức khoẻ.

Thiếu oxy là một quá trình bệnh lý phức tạp do cơ thể chúng ta không được cung cấp oxy đầy đủ cho nhu cầu hoạt động bình thường của tế bào, hoặc do bệnh lý mà tế bào tổ chức không sử dụng được oxy.

 Thiếu oxy do hô hấp

Chúng ta bị thiếu oxy do hô hấp trong trường hợp : không khí loãng, không đủ oxy cho cơ thể hô hấp khi chúng ta bay lên cao (đi máy bay), leo núi hoặc sống trên núi cao... Khi đó bạn có thể mắc "bệnh độ cao " hoặc " bệnh núi cao". 

 Đun bếp than trong nhà làm cơ thể thiếu oxy và nhiễm độc.
Bệnh độ cao: là hiện tượng thiếu oxy cấp tính khi chúng ta lên cao đột ngột trên 3000m hoặc bay cao trên mức giới hạn mà không có hoặc bị hỏng bình oxy. Các triệu chứng của bệnh xuất hiện phụ thuộc vào độ cao và sức chịu đựng của mỗi người. Dấu hiệu sớm nhất là các rối loạn thần kinh, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, giảm trí nhớ, phản xạ chậm chạp, buồn nôn, rối loạn thị giác, nhìn mờ, hoa mắt; rối loạn thính giác nghe kém, ù tai, nôn, tim đập nhanh, yếu, có thể loạn nhịp. Gặp các triệu chứng này bệnh nhân cần được điều trị bằng cách cho thở oxy ngay, và trở xuống độ cao dưới 3000m. Nếu không xử trí kịp thời, hệ thần kinh bị ức chế sâu sắc dẫn tới co giật, hôn mê và tử vong.

Bệnh núi cao: là hiện tượng thiếu oxy cấp khi bạn leo lên núi cao trên 3000m như đi du lịch, leo núi. Ở đây bạn lên cao từ từ, khác "bệnh độ cao" là lên cao đột ngột trong thời gian ngắn, cơ thể không kịp thích ứng. Nguy hiểm của thiếu oxy cũng phụ thuộc vào độ cao và các yếu tố: mệt mỏi thể chất, lạnh hoặc nắng nóng. Khi lên cao trên 3000m, bạn sẽ thấy các dấu hiệu thiếu oxy bắt đầu xuất hiện: hưng phấn thần kinh, trạng thái kích thích, khoan khoái, hay cười nói... Lên cao trên 4000m dấu hiệu rõ rệt hơn, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi thất thường, kém trí nhớ, khó thở, tím tái, rối loạn hô hấp... Độ cao 6000m là giới hạn cuối cùng mà con người có thể chịu đựng được mà không cần có thêm oxy. Ở bệnh leo núi còn có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa do các cơ phải làm việc trong hoàn cảnh thiếu oxy sản sinh nhiều axit lactic và các axit khác.

Bạn sẽ thắc mắc là đối với dân tộc thiểu số thường sống trên núi cao thì sao? Câu trả lời là: với những dân tộc sống trên núi cao thì tình trạng thiếu oxy mạn được các cơ chế thích nghi của cơ thể họ bù đắp giúp ổn định cân bằng nội môi: hồng cầu có thể tăng tới 7-8 triệu/mm3 máu;  nhiễm kiềm hơi được bù đắp bằng cách tăng thải trừ khí bicacbonat của thận, do đó sự cung cấp và sử dụng oxy của tế bào được đảm bảo và họ có thể sống và lao động sản xuất bình thường. Bí quyết ở đây là họ đã thích nghi với độ cao từ bé và được thừa hưởng khả năng sống ở độ cao "cha truyền con nối "qua nhiều thế hệ rồi.

Thiếu oxy do bệnh lý 

Như chúng ta đã biết, một số bệnh tim mạch, phổi, và máu làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu dẫn đến thiếu oxy. Tất cả các trường hợp giảm huyết áp, suy tim, sốc, mất máu nhiều, xẹp phổi, viêm phổi, u mạch máu, thông liên nhĩ, thông liên thất, thiếu máu gây giảm số lượng hồng cầu và lượng huyết cầu tố ảnh hưởng đến vận chuyển oxy. Bệnh huyết cầu tố là những bệnh di truyền do rối loạn tổng hợp huyết cầu tố bình thường (HbA) gây xuất hiện các huyết cầu tố bệnh lý (HbS hoặc HgF) làm thay đổi chức năng vận chuyển oxy của hồng cầu và hình thể hồng cầu biến dạng thành hình liềm hoặc hình bia, do đó dễ ngưng kết và tan vỡ gây thiếu máu.

Nhiễm độc CO  trong các trường hợp:  có khí than chưa đốt cháy hoàn toàn, bếp than để trong phòng kín gió, kém thoáng khí. Nhiễm độc methemoglobin: có thể do  nhiễm độc các hóa chất như kaki chlorat, nitrobeenzol, phenylhydrazin, các hợp chất có As...; viêm phổi, đi tướt dai dẳng. Biểu hiện bệnh là xanh tím da khi lượng MetHb trên 3g% máu thành màu nâu đen, khó thở trầm trọng, tim đập nhanh, yếu , paO2 giảm rất thấp, có thể dẫn tới co giật, hôn mê và tử vong.

Phòng tránh thiếu oxy do bệnh lý cần điều trị tích cực, dứt điểm các bệnh nói trên. Không cho xe nổ máy trong nhà ở, phòng làm việc...Tránh đưa bếp than vào phòng ở, phòng ngủ hoặc đốt bếp trong các phòng kín gió kém thông khí.

Thiếu oxy do rối loạn hô hấp tế bào

Hô hấp tế bào là một quá trình oxy hóa-khử phức tạp, diễn ra nhờ hệ thống men hô hấp được phân thành những phản ứng dây chuyền liên quan chặt chẽ với nhau. Vì vậy chỉ một khâu trong chuỗi phản ứng này bị rối loạn, quá trình hô hấp tế bào cũng không thực hiện được, dù oxy được cung cấp đầy đủ, tổ chức cũng không sử dụng được oxy. Nguyên nhân của suy hô hấp tế bào có thể là: thiếu ăn, đái  tháo đường, suy nhựơc gây thiếu sinh tố và thiếu men hô hấp tế bào; nhiễm độc các chất ức chế hô hấp tế bào như thuốc ngủ, CO, H2S, As, fluorua, cyanua, các chất độc tạo ra trong quá trình nhiễm khuẩn, nhiễm độc... Phòng thiếu oxy trong trường hợp này cần ăn uống đầy đủ các chất đạm, đường, mỡ, vitamin và khoáng chất. Tránh bị nhiễm độc các hóa chất nói trên. Điều trị dứt điểm những bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc...

Như vậy nguyên nhân và bệnh sinh của thiếu oxy rất phức tạp; trong thực tế các loại thiếu oxy thường kết hợp với nhau, nên phải tùy theo tính chất và mức độ, nguyên nhân thiếu oxy mà có thái độ xử trí thích hơp. 

ThS. Minh Phát


Ý kiến của bạn