Cao huyết áp là tình trạng khá phổ biến hiện nay, bệnh đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Khi huyết áp tăng cao bất ngờ, chỉ số huyết áp thậm chí có thể vượt quá ngưỡng 200 mmHg. Huyết áp tăng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng áp lực cho tim, nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, bệnh nhân có thể sẽ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ hoặc tử vong.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp đột ngột
Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng tăng huyết áp đột ngột, trong đó thường gặp nhất là:
- Bệnh nhân ngừng uống thuốc. Thực tế, để duy trì được huyết áp ổn định bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ hàng ngày. Việc bỏ, quên hay uống liều thấp hơn có thể khiến huyết áp tăng đột ngột.
- Chế độ ăn không hợp lý cũng dẫn đến tăng huyết áp đột ngột. Chế độ ăn nhiều muối hoặc thức ăn mặn có thể là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp đột ngột. Dư thừa muối có thể làm căng động mạch, khiến cho thành động mạch trở nên dày và hẹp hơn và bắt đầu tắc nghẽn không chỉ làm tăng huyết áp đột ngột mà còn cản trở khả năng cung cấp máu, khí oxy và những chất dinh dưỡng quan trọng tới các cơ quan khác của cơ thể.
- Ngoài ra, ăn những thực phẩm chế biến sẵn: dưa chua, đồ ăn sẵn như khoai tây chiên cũng có thể làm tăng huyết áp.
- Ăn nhiều thịt đỏ và uống rượu cũng khiến có nguy cơ bị cao huyết áp đột ngột.
- Do thuốc: để điều trị bất cứ vấn đề sức khỏe nào bao gồm ho và cảm lạnh,… cũng có thể gây tăng huyết áp đột ngột.
Nhận biết dấu hiệu của tăng huyết áp tăng đột ngột
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh nhân cao huyết áp đột ngột:
- Đột nhiên bị đau nhức đầu hoặc chóng mặt, dễ mất thăng bằng và có thể ngã.
- Khi huyết áp tăng cao hơn so với bình thường, người bệnh co cảm giác chân, tay tê liệt, gặp khó khăn khi cử động,
- Người bệnh cảm giác khó thở,…
- Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có triệu chứng co giật, xuất huyết não hoặc bị hôn mê sâu.
Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nhiều biến chứng xấu sẽ xảy ra và đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh.
Cần làm gì khi bị tăng huyết áp đột ngột ?
Cần bình tĩnh đặt người bệnh nằm nghỉ hoặc nghỉ ngơi. Nếu huyết áp tăng cao trên 160mmHg, hãy cho bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp có sẵn đã được bác sĩ kê đơn trước đó.
Trong thời gian chờ thuốc có tác dụng, tuyệt đối tránh đi lại, nằm nghỉ ngơi và nhờ người thân đo huyết áp nhiều lần. Nếu huyết áp vẫn không hạ, hãy đến bệnh viện ngay để được bác sĩ chăm sóc.
Đối với người bệnh bị cao huyết áp đột ngột cùng lúc với việc xuất hiện các dấu hiệu: đau tức ngực, giảm thị lực, người yếu liệt, máu mũi chảy hoặc lừ đừ thì nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để cấp cứu nhanh chóng.
Phòng tránh tăng huyết áp đột ngột
- Cần uống thuốc đúng theo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ.
- Thường xuyên theo dõi chỉ số huyết áp: Người bệnh nên tự đo huyết áp tại nhà mỗi ngày tối thiểu 1 lần. Thời điểm đo huyết áp chính xác nhất là vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, trước lúc uống thuốc.
- Hạn chế rượu, thuốc lá, cà phê: Tốt nhất nên bỏ thuốc lá sớm.
- Không nên ăn quá mặn: người bệnh nên giảm lượng muối trong chế độ ăn uống..
- Không nên ăn các loại thức ăn nhanh, đồ ăn vặt hay đồ chiên… để phòng ngừa huyết áp tăng cao đột ngột. Nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng nhiều loại rau quả và chất béo không bão hòa.
- Thường xuyên tập thể dục: có lợi cho sức khỏe nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng giúp người bệnh đốt cháy được chất béo dư thừa và giúp cơ thể dẻo dai hơn. Nên tham khảo bác sĩ môn thể thao hoặc các bài tập tốt cho người cao huyết áp.Tuyệt đối không nên tập quá sức. Nếu thấy các dấu hiệu như hồi hộp, khó thở, mệt mỏi thì cần dừng lại nghỉ ngơi ngay.
Tăng huyết áp đột ngột cần được xử trí kịp thời vì đây có thể là nguyên nhân gây ra vỡ mạch máu, tắc hẹp động mạch, nhồi máu não, suy tim cấp... Nếu có tiền sử cao huyết áp thì cần sử dụng thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó cần tuân thủ một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập phù hợp.
Bất cứ khi nào có những triệu chứng bất thường thì cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và phát hiện xử trí kịp thời.