Phòng tránh tái nhiễm COVID-19 ở phụ nữ mang thai

17-03-2022 06:31 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS – Hiện nay nhiều người bị tái nhiễm COVID-19 khiến nhiều thai phụ lo lắng. Vậy làm cách nào để phòng tránh tái nhiễm COVID cho phụ nữ mang thai?

1. Tái nhiễm COVID-19 có nguy hiểm?

Tái nhiễm COVID-19 có nghĩa là một người đã bị nhiễm, khỏi bệnh và sau đó bị nhiễm lại. Sau khi khỏi COVID-19, hầu hết các cá nhân sẽ có một số biện pháp bảo vệ khỏi bị tái nhiễm. Tuy nhiên, tình trạng tái nhiễm vẫn xảy ra sau khi mắc COVID-19. Việc tái nhiễm giống như một lần mắc mới và cần điều trị như ca bệnh mới.

Bác sĩ Tuấn Anh – BV Phụ sản Trung ương
Khi mắc COVID-19, cơ thể sẽ tạo ra khả năng miễn dịch nhưng không phải miễn dịch nào cũng có tính bền vững vì sẽ luôn có sự suy giảm nồng độ kháng thể trong máu.

Các biến chủng mới của COVID-19 tấn công vào các tế bào trong cơ thể rất nhanh khi kháng thể chưa kịp đáp ứng miễn dịch thì việc tái nhiễm chủng cũ cũng có thể xảy ra. Hơn nữa, các virus liên tục thay đổi, bao gồm cả virus gây bệnh COVID-19. Những thay đổi này có thể dẫn tới việc xuất hiện các biến thể (chủng mới của virus) có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Vaccine phòng COVID-19 tiếp tục có hiệu quả cao trong việc bảo vệ chống lại việc bị bệnh nghiêm trọng. Vaccine được khuyến nghị tiêm cho mọi người, bao gồm những người đã nhiễm bệnh trước đây.

Hiện nay, không chỉ xảy ra tình trạng tái nhiễm chủng cũ mà còn có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 biến thể Omicron hoặc các biến thể virus khác trong cộng đồng.

Phòng tránh tái nhiễm COVID-19 ở phụ nữ mang thai - Ảnh 2.

Thai phụ đã mắc COVID-19 có thể tái nhiễm COVID-19 ở biến thể cũ hoặc biến thể mới.

2. Đeo khẩu trang, rửa tay và tiêm vaccine phòng COVID-19

Mặc dù khi tái nhiễm, thai phụ có khả năng ít diễn tiến bệnh nặng nhưng các bác sĩ cho rằng không nên chủ quan, ngay cả khi đã khỏi bệnh và tiêm đủ 2 - 3 mũi vaccine. "Mọi người nên hiểu vaccine không phải là lá chắn an toàn tuyệt đối để bảo vệ mình trước COVID-19, ngay khi đã tiêm đủ 3 mũi cũng cần tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19 đã được Bộ Y tế khuyến cáo, đặc biệt là đeo khẩu trangrửa tay thường xuyên" – Ông Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết.

Khẩu trang vẫn sẽ là một công cụ quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Nhưng một mình khẩu trang sẽ không ngăn được sự lây lan của COVID-19 mà cần tiếp tục thực hiện việc giữ khoảng cách và rửa tay thường xuyên. Thai phụ cũng nên vân động, tập thể dục tại chỗ bằng những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với từng giai đoạn của thai kỳ, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng đề kháng cơ thể. Thai phụ nên lưu số điện thoại của bác sĩ hoặc cơ sở y tế khám bệnh để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ.

Cũng như mọi người và lần mắc bệnh COVID-19 trước, thai phụ tái nhiễm hay nghi ngờ tái nhiễm COVID-19 nên test nhanh tại nhà. Nết kết quả dương tính cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn điều trị, không nên đến bệnh viện ngay khi bác sĩ chưa thấy cấp thiết.

3. Đảm bảo sức khỏe trong và sau thai kỳ

Phòng tránh tái nhiễm COVID-19 ở phụ nữ mang thai - Ảnh 4.

Thai phụ nên khám thai định kỳ hoặc theo khuyến nghị của bác sĩ.

Duy trì tất cả các buổi hẹn thăm khám sức khỏe trong và sau thai kỳ theo khuyến nghị của bác sĩ. Nếu ngại tiếp xúc trực tiếp cuộc hẹn vì COVID-19, hãy hỏi bác sĩ về những biện pháp đang thực hiện để bảo vệ thai phụ khỏi COVID-19, hoặc đề nghị được khám chữa bệnh từ xa.

Trao đổi với chuyên gia y tế hay bác sĩ về cách giữ gìn sức khỏe và tự chăm sóc cho bản thân và cho thai nhi.

Nên sinh con tại cơ sở y tế chuyên khoa sản để được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Thai phụ cũng nên trao đổi với các bác sĩ nếu bị căng thẳng hoặc có dấu hiệu trầm cảm trong hoặc sau thai kỳ.

Các mũi tiêm vaccine cần thiết được khuyên dùng trong thai kỳ để bảo vệ thai phụ và thai nhi. Những người cùng một gia đình cũng nên tiêm vaccine để bảo vệ bản thân và thai phụ.

Tiêm thêm vaccine cúm và phế cầu có thể giúp ngăn ngừa bội nhiễm khi đang mắc COVID-19. Tuy nhiên, thai phụ nên hiểu rằng việc tiêm thêm vaccine cúm không phải thay thế cho vaccine phòng COVID-19.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ khuyến nghị tất cả phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine Tdap trong thai kỳ để bảo vệ em bé khỏi bị ho gà, có thể có triệu chứng tương tự như COVID-19. 

Gọi cho bác sĩ hoặc đi khám tại cơ sở tế nếu có bất kỳ lo ngại gì về thai kỳ, nếu thai phụ bị bệnh hoặc nếu cho rằng bẩn thân có thể mắc COVID-19.

Đừng trì hoãn việc chăm sóc cấp cứu vì lo lắng sẽ bị mắc COVID-19. Các khoa cấp cứu luôn chuẩn bị các biện pháp để bảo vệ thai phụ khỏi bị nhiễm COVID-19 nếu thai phụ cần được chăm sóc y tế. Nếu thai phụ cần cấp cứu, hãy gọi 115 ngay lập tức. Nếu có người nhà đưa tới khoa cấp cứu, hãy gọi cho cơ sở cấp cứu của bệnh viện trong khi đang đi trên đường.

Cần gọi cho bác sĩ tại các cơ sở y tế ngay nếu thai phụ gặp phải bất kỳ triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp nào trong thai kỳ như đau đầu không dứt, chóng mặt, sốt, sưng phù nặng ở bàn tay, mặt, cánh tay hoặc cẳng thân, khó thở, đau vùng ngực hoặc tim đập nhanh, buồn nôn nghiêm trọng và nôn mửa hay xuất huyết hoặc tiết dịch âm đạo trong hoặc sau thai kỳ. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu dẫn tới biến chứng có thể đe dọa tính mạng.
Tái nhiễm COVID có nặng hơn không?Tái nhiễm COVID có nặng hơn không?

SKĐS - Nhiều người đã khỏi COVID -19 nhưng sau đó lại tái nhiễm lại. Do đó, nhiều F0 luôn lo lắng về khả năng bệnh sẽ nặng hơn nếu tái nhiễm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Omicron chiếm 80% số ca giải trình tự gene, Hà Nội chủ yếu biến thể 'tàng hình'


Bảo Hưng
Ý kiến của bạn