Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ tại nhà

24-06-2020 19:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Ngôi nhà là nơi an toàn cho trẻ sinh sống, nhưng cũng có thể xảy ra nhiều rủi ro gây thương tích cho trẻ nếu không được kiểm soát tốt. Các bậc cha mẹ cần có sự cẩn trọng trong quá trình chăm nom trẻ. Bởi tai nạn gây thương tích có thể xảy ra bất cứ khi nào nếu người lớn lơ là bất cẩn.

Tai nạn thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Phần lớn các trường hợp tai nạn thương tích trẻ em xảy ra là do sự bất cẩn của người lớn. Với bản tính thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên trẻ em rất dễ bị tai nạn thương tích. Nếu người lớn bất cẩn trong quá trình chăm nom trẻ thì dù ở môi trường nàotrẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn như: bỏng nước sôi, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang…

Tai nạn thương tích những câu chuyện từ bệnh viện

Trường hợp 1: Cuối tháng 2/2020, bà N.T.K (ở H.Hóc Môn, TP.HCM) dùng ấm siêu tốc để nấu nước tắm cho cháu ngoại là bé T.T.T. (4 tuổi). Khi nước sôi, bà K đi vào phòng lấy quần áo, khăn tắm thì nghe tiếng thét đau đớn của bé T. Bé bị cả ấm điện siêu tốc đổ vào người. Bé T được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Sau khi bù dịch, giảm đau cho bé, bệnh viện chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Tuy bé T qua được phẫu thuật cắt lọc da hoại tử, xử lý vết thương tránh nhiễm trùng, nhưng sau khi lành bệnh, bé phải chịu những vết sẹo chằng chịt, sẹo co rút ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như chất lượng sống sau này.

Trường hợp 2: Đêm trực ngày 17/03/2020, các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng- Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa gắp dị vật thực quản thành công cho bé gái TPGH 55 tháng tuổi. Qua hỏi bệnh, người thân bé cho biết, bé ngậm đồng xu trong lúc chơi đùa thì bất ngờ nuốt luôn. Sau nuốt đồng xu bé nôn ói nhiều, ăn uống không được, chảy nước bọt liên tục nên người nhà đứa bé vào bệnh viện cấp cứu.Sau thăm khám và chụp X-quang ngực - bụng thẳng, bác sĩ trực nhận định dị vật cản quang nằm trong thực quản đoạn cổ. Dị vật hình tròn, to, nằm ở vị trí miệng thực quản có hình giống đồng xu. Sau khi gây mê, nhóm phẫu thuật nhanh chóng gắp dị vật ra khỏi miệng thực quản một cách nhẹ nhàng. May mắn, sau khi đã gắp dị vật ra, soi kiểm tra thấy lòng thực quản không tổn thương niêm mạc. Dị vật là đồng xu của máy chơi game.

Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ tại nhàKhu bếp nên riêng biệt hoặc có cửa ngăn

Trường hợp 3: Vào tháng 02/2020 tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn, nôn mửa, vật vã. Được biết gia đình bệnh nhi đã trộn hỗn hợp dung dịch thuốc trừ sâu và dầu diesel định mang ra ruộng để tẩm vào hạt lạc trước khi đem trồng. Hỗn hợp này được đựng trong vỏ chai nước ngọt và để trong tầm với của trẻ. Trẻ nhầm tưởng là nước ngọt nên đã uống một ngụm. Sau quá trình cấp cứu bằng nhiều biện pháp như  loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể, dùng thuốc trung hòa độc chất, đảm bảo các chỉ số sinh tồn và điều chỉnh các rốiloạn khác, thì bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.

Không phải tất cả các trường hợp tai nạn đều được may mắn cứu chữa kịp thời như các trường hợp nói trên. Chưa kể đến nhiều trường hợp sau khi cứu chữa, cũng để lại nhiều tổn thương lẫn di chứng nặng nề cho trẻ.

Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ

Với sự nguy hiểm cùng những hậu quả nặng nề, các bậc phụ huynh, cha mẹ cần chú ý việc bảo vệ, phòng ngừa cho trẻ ngay tại chính ngôi nhà của mình. Các biện pháp cơ bản phòng chống tai nạn thương tích trong nhà cho trẻ cần được quan tâm và thực hiện:

Phòng chống ngã: Cửa sổ phải có chấn song để trẻ không chui qua được, làm cửa chắn ở đầu và cuối cầu thang khi có trẻ dưới 6 tuổi. Cầu thang phải có lan can chắc chắn với chấn song đảm bảo trẻ không chui qua được hoặc trèo lên. Sử dụng gạch chống trơn trượt để lát gạch phòng tắm, lối đi lại trong nhà. Sân, cổng, ngõ cần làm bằng phẳng, không trơn trượt.

Phòng chống thương tích do các vật sắc nhọn: Sắp xếp gọn gàng các vật sắc nhọn (dao, kéo), các dụng cụ lao động (cày, bừa, liềm, hái...) trong giá treo, ngăn kéo ngoài tầm với của trẻ hoặc kho có khóa để không gây thương tích cho trẻ; bịt các góc nhọn ở cạnh bàn khi nhà có trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.

Phòng chống ngộ độc: Đảm bảo an toàn thực phẩm, không để trẻ ăn phải thức ăn ôi thiu. Nên có tủ đựng thuốc để ở vị trí ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi. Các chất độc như xăng, dầu hỏa, thuốc trừ sâu, các chất diệt côn trùng, chất tẩy rửa và bột giặt để trong kho có khóa để trẻ không tiếp cận được.

Phòng chống bỏng, điện giật: Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc phải có vỏ bọc chắc chắn, đảm bảo an toàn; các công tắc điều khiển. Cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi, có hộp bảo vệ hoặc nắp đậy an toàn. Khu bếp nên riêng biệt hoặc có cửa ngăn hoặc khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được bếp lửa, bình ga. Đèn, diêm, bật lửa, đồ đựng thức ăn nóng, phích nước nóng cần sắp xếp để ở ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi. Không để trẻ dưới 6 tuổi trong nhà tắm một mình, tắt bình nóng lạnh khi không sử dụng. Các hố vôi tôi cần có rào chắn an toàn không để trẻ tiếp cận.

Phòng chống đuối nước: Đảm bảo ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực xung quanh nhà phải có hàng rào chắc chắn ngăn trẻ tiếp cận. Giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn; không để trẻ dưới 6 tuổi một mình trong buồng tắm.

Phòng chống bị động vật cắn, đốt hút: Nên phát quang xung quanh nhà, vật nuôi trong nhà phải được nuôi giữ đảm bảo an toàn cho trẻ và phải được tiêm phòng theo đúng quy định. Cần dạy bảo trẻ không nên trêu chọc khi vật nuôi đang ăn, đang ngủ hay cho bú, chăm sóc con.

Phòng chống hóc sặc ở trẻ nhỏ: Không để các đồ vật nhỏ như đồng xu, cúc áo, đồ chơi trong tầm với của trẻ. Lưu ý khi cho trẻ nhỏ ăn các đồ ăn dễ gây nghẹn, dính, thạch, hoa quả có hạt như vải, nhãn…

Ngoài việc cung cấp môi trường sống an toàn cho trẻ trong gia đình, trẻ cần luôn có sự quan tâm giám sát, trông nom của bố mẹ hoặc người trông trẻ, để giảm tối đa khả năng trẻ có thể tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ một cách dễ dàng. Cần dạy cho trẻ biết về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống thương tích thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em, cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn khi trông trẻ, người lớn luôn phải nhớ rằng “tai nạn thương tích có thể xảy ra với trẻ bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu”. Chỉ một phút thiếu tập trung, có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ.


TUẤN DŨNG
Ý kiến của bạn