Bác sĩ nội khoa tim mạch Roman Suldensov, Nga cho rằng, trong tiết trời nắng nóng diễn ra quá trình mất nước, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, cùng nhiều hậu quả khác cho cơ thể.
“Trong những ngày nắng nóng một người tập luyện thể dục thể thao ở cường độ trung bình có thể mất tới 2 – 6 lít mồ hôi. Với nhiệt độ trên 30 độ C sự bài tiết mồ hôi gia tăng gấp 4 – 5 lần – Roman Suldensov nói - Hậu quả của quá trình mất nước là máu bị cô đặc lại. Với việc hạ huyết áp sẽ hình thành nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Nếu trong một ngày có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, để tim hoạt động bình thường cơ thể buộc phải gia tăng hoạt động mà sự gia tăng này không phải là vô hạn.
Cơ thể không chỉ mất nước mà theo mồ hôi cả các chất muối khoáng, trong đó có kali và magie cũng bị mất theo. Sự thiếu hụt các chất này gây cản trở cho hoạt động của tim.
Theo Roman Suldensov, những người cao tuổi, người thừa cân béo phì, người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim cục bộ…chịu sự tác động của thời tiết nắng nóng nhiều nhất.
Tuân thủ khuyến cáo
Trong cuộc sống những người thuộc nhóm nguy cơ cao cần giữ các nguyên tắc cần thiết để phòng ngừa triệu chứng của bệnh tim mạch. Cần tuân thủ những khuyến cáo sau:
- Hãy ăn ít một.
- Ăn ít thịt và mỡ động vật, ngược lại ăn nhiều thực phẩm từ thực vật và sữa.
- Ăn nhiều các loại rau (thìa là, rau mùi tây, các loại rau) và hoa quả.
- Nên ăn cá thay thịt.
- Nên hạn chế ăn mặn.
- Quần áo mặc cần nhẹ, thoải mái, chất liệu thiên nhiên, tông màu sáng.
- Nếu người có bệnh tim mạch không nên ra đường trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 16 giờ.
- Cần tránh mặc áo kín cổ, áo bó sát người, thắt lưng chặt.
- Nên uống những đồ uống mát nhưng không lạnh, nước thì nên uống nước khoáng, trà xanh, nước quả ép…
- Không nên uống các đồ uống chứa cồn và cà phê đặc trong thời tiết nắng nóng. Cà phê có tác động đến hệ tiết niệu, vì vậy càng làm cho cơ thể bị mất nước.
Người bệnh tăng huyết áp, béo phì cần cẩn trọng khi thời tiết nắng nóng.
Và lưu ý cần thiết
Evghênhi Giakharov, bác sĩ tim mạch với 27 năm kinh nghiệm của Nga khuyên những ai có yếu tố nguy cơ cao (đặc biệt những người có bệnh tim mạch), ngay từ đầu mùa hè cần đi khám để phòng ngừa những biến cố có thể xảy ra trong thời tiết nắng nóng.
“Các thuốc kê đơn phải luôn luôn trong tầm với, Evghênhi Giakharov nói, cần kiểm soát nhịp tim và huyết áp. Những bệnh nhân đái tháo đường cần theo dõi đường huyết thường xuyên hơn. Khi có cảm giác bất thường cần ngừng ngay, đến chỗ bóng râm, cởi bớt quần áo. Nếu các dấu hiệu đầu tiên xuất hiện như cơn đau ngực, hãy gọi ngay cho bác sĩ. Trong khi chờ cấp cứu đến cần uống ngay thuốc do bác sĩ của bạn khuyến cáo”.
Evghênhi Giakharov cho rằng, những người có bệnh tim mạch không nên làm việc ở ngoài vườn trong tiết trời nắng nóng, đặc biệt là trong nhà kính, nhà ấm.
“Những thời điểm nóng nhất trong ngày - từ 12 giờ đến 16 giờ- cố gắng không đi dưới trời nắng quá 15 phút – ông khuyên - Hãy mặc quần áo rộng rãi bằng chất liệu thiên nhiên và đội mũ nón. Cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn. Những người khoẻ mạnh nên uống nhiều nước hơn, để phòng tránh mất nước, không dưới 1,5 – 2,5 lít chất lỏng một ngày. Còn những người tăng huyết áp cần phải uống nhiều hơn để kiểm soát huyết áp”.