Đến năm 2021, Việt Nam và thế giới bước vào năm COVID-19 thứ hai. COVID-19 để lại những hậu quả vô cùng to lớn về sức khỏe, kinh tế, xã hội… COVID - 19 đã thay đổi cách giao tiếp, làm việc của con người trên toàn thế giới.
Làm việc online trong thời kỳ COVID-19
Với bốn làn sóng COVID -19, chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn giãn cách xã hội ở nhiều mức độ khác nhau.
Hàng trăm nghìn người đã phải cách ly và làm việc tại nhà. Chúng ta bị hạn chế rất nhiều trong các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí, giao tiếp xã hội bên ngoài. Do vậy khả năng tập thể dục thể thao, duy trì sức khỏe cơ xương khớp cũng bị ảnh hưởng lớn.
Việc phải ở nhà thường xuyên cũng làm giảm mức độ luyện tập thể lực, nhất là đối với những gia đình phải sinh hoạt trong không gian nhỏ hẹp, gò bó, không có diện tích và phương tiện để tập thể dục.
Việc phải cách ly y tế tại nhà, thu nhập giảm, mất công việc… cũng ảnh hưởng tâm lý, thậm chí khiến tâm trạng của nhiều người bị khủng hoảng, buồn chán, thụ động.
Công việc online tại nhà là một giải pháp tốt trong hoàn cảnh khó khăn này. Tuy nhiên bên cạnh đó chúng ta cũng cần nhận thức một số vấn đề phát sinh do làm việc online, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cơ xương khớp.
Tình trạng ít hoạt động thể lực do phải làm việc liên tục hàng giờ bên máy tính trong tư thế gò bó, có thể ảnh hưởng xấu đến cột sống, đặc biệt là cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Các cơ cạnh cột sống phải co cứng, giữ tư thế cho cột sống, các mạch máu do vậy bị chèn ép.
Hậu quả là chúng ta có thể bị đau vai gáy, đau thắt lưng.
Làm việc online nhiều gia tăng các rối loạn cơ xương khớp.
Ngoài ra, các khớp bàn tay cũng phải làm việc nhiều, dẫn tới đau, cứng các khớp cổ tay, bàn, ngón tay. Các bao gân cũng bị cọ sát quá nhiều gây triệu chứng ngón tay bật lò xo. Đặc biệt là thần kinh giữ cũng có thể bị chèn ép, gây ra hội chứng đường hầm cổ tay với triệu chứng tê bì, bỏng rát các ngón tay, khó khăn khi vận động, cầm nắm đồ vật.
Sự quá tải thông tin, việc phải liên tục xử lý một khối lượng thông tin lớn trên mạng với nhiều chương trình khác nhau, khiến cơ thể chúng ta bị quá tải, “ngộ độc” thông tin, hay rơi vào trạng thái tương tự như nghiện game.
Sự quá tải thông tin có thể ảnh hưởng rất lớn đến thể chất và tinh thần, có thể khiến cơ thể bị mệt mỏi, kiệt sức, mất năng lượng dần dần, thậm chí có thể gây trầm cảm, lo âu.
Chính rối loạn tâm lý này có thể biểu hiện bằng các triệu chứng đau cơ xương khớp toàn thân, co cứng cơ, chuột rút.
Ngoài ra, việc không đảm bảo chế độ ăn uống khoa học do không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất có thể gây yếu cơ, đau mỏi cơ, co cứng cơ, chuột rút.
Cải thiện sức khỏe cơ xương khớp khi làm việc online như thế nào?
Đầu tiên là chúng ta cố gắng đảm bảo chế độ ăn uống khoa học: Cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, ăn đa dạng các loại thực phẩm thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, hoa quả, sữa chua có bổ sung lợi khuẩn…
Cần uống đủ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày: Uống từ từ, chia làm nhiều lần. Việc uống nước đầy đủ giúp cho hệ tuần hoàn làm việc tốt, tăng khả năng thải độc cơ thể qua đường tiết niệu, tăng tạo chất bôi trơn cho sụn khớp.
Chế độ làm việc khoa học: Cần có thời gian nghỉ 5 - 10 phút sau một giờ làm việc. Có khi chỉ là rời màn hình, đứng lên làm vài động tác thể dục, đi lại trong nhà, trong khi vẫn có thể lắng nghe câu chuyện online.
Cần bảo đảm bàn ghế có đủ độ cao cần thiết: Khi cần có thể dựa vào thành ghế để cơ thể nghỉ ngơi trong khi đang làm việc, cũng như tư thế ngồi thuận tiện, thoải mái, đúng tư thế.
Cần có tư thế đúng khi làm việc với máy tính.
Đảm bảo ngủ đủ 7 - 8 giờ một ngày để cơ thể có thể phục hồi sau những giờ làm việc căng thẳng, thải độc và xử lý các thông tin trong ngày.
Cần thiết lập một chế độ tập thể dục tại nhà, đảm bảo tập thể lực 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày. Đó có thể đơn giản chỉ là tập đi bộ trong nhà, leo cầu thang, làm việc nhà, trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh, dọn dẹp, làm công việc gia đình. Cũng có thể tập thể dục, khí công, thiền tại nhà, tập aerobic, tập nhảy theo hướng dẫn trên mạng.
Nếu có điều kiện, có thể mua xe đạp tập, máy tập thể dục, tạ tay, dây chun… để tập tại nhà.
Luôn giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, tăng cường quan hệ giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình. Điều đó cũng giúp cho chúng ta có một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc sống.
Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất cần thiết như canxi, vitamin A, B, C, D, E, acid béo omega 3… theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Điều đó không những giúp cho sức khỏe xương khớp mà còn cải thiện chức năng hoạt động của mắt, hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa… và tăng cường khả năng hoạt động của hệ miễn dịch.
Xem thêm: Bí quyết giúp hệ cơ xương khớp khỏe mạnh
Đau nhức xương khớp và cách sử dụng thuốc giảm đau