Hà Nội

Phòng tránh mối nguy hiểm từ muỗi và virus Zika

09-12-2016 15:26 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS - Cục Y tế dự phòng cho biết tính đến 01/11/2016, cả nước đã ghi nhận 23 trường hợp dương tính với virus Zika.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, con đường lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes (muỗi vằn). Hiện chưa có vắc xin ngừa bệnh này nên cách phòng chống hữu hiệu nhất là diệt lăng quăng, muỗi và áp dụng các biện pháp hạn chế muỗi đốt.

Để không bị nhiễm bệnh, người dân cần tránh di chuyển đến vùng có dịch và lưu ý một số điều sau:

  • Thường xuyên diệt lăng quăng bằng cách lật úp, đổ nước trong các vật dụng hoặc đậy kín dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, đặc biệt ở các vùng nông thôn và khu trọ của sinh viên, công nhân.…
  • Ngủ mắc màn, kể cả ban ngày.
  • Mặc quần áo dài tay và sáng màu, nhất là đối với trẻ nhỏ.
  • Không cho trẻ em chơi ở môi trường ẩm thấp, rậm rạp hoặc khu vực tối trong nhà.
  • Sử dụng màn chắn côn trùng, chú ý đóng cửa để tránh muỗi bay vào nhà.
  • Chỉ tham gia các hoạt động ngoài trời vào những khoảng thời gian muỗi ít xuất hiện, tránh ở ngoài trời lúc bình minh, hoàng hôn, chập tối.
  • Sử dụng các sản phẩm xua muỗi xoa lên vùng da hở hoặc xịt lên quần áo. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm ngăn muỗi đốt dạng xịt hoặc kem đều chứa thành phần Diethyltoluamide (Deet) được Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) và Viện Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) chứng nhận an toàn và hiệu quả trong việc xua đuổi muỗi. Ngoài ra, Deet không phải là hóa chất diệt muỗi mà chỉ có tác dụng phủ kín các mùi thu hút muỗi do da con người tiết ra. Do đó, sử dụng sản phẩm chống muỗi với nồng độ Deet từ 10-30% giúp xua muỗi hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng.

Tình hình dịch virus Zika đang diễn biến phức tạp trên thế giới và số ca mắc bệnh này ở nước ta đang có dấu hiệu tăng nhanh. Phần lớn trường hợp nhiễm virus Zika thường sốt nhẹ, phát ban, đau cơ, đau khớp. Do đó, khi có những triệu chứng trên, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị thích hợp.

Ngoài ra, theo dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM, có khả năng đỉnh mùa dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào tháng 12, đặc biệt là ở TP. HCM và các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, mỗi cá nhân và gia đình tuyệt đối không được chủ quan trong việc phòng chống muỗi – trung gian chính lây truyền bệnh Zika và sốt xuất huyết.


Ý kiến của bạn