Nguy hiểm của cao răng nhưng ít ai biết
Cao răng và mảng bám vi khuẩn - là thủ phạm gây bệnh nha chu. Mô nha chu bị suy yếu không thể giữ được răng, hậu quả cuối cùng là gây mất răng.
Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có tỷ lệ vôi răng cao nhất thế giới. Việc kiểm soát ngăn ngừa sự xuất hiện của cao răng và loại bỏ cao răng một khi chúng được hình thành là chìa khóa chính trong việc phòng ngừa bệnh nha chu.
Nếu vệ sinh sinh răng miệng không tốt, vi khuẩn trong miệng kết hợp với mảnh vụn thức ăn tạo thành một màng dính gọi là mảng bám răng. Mảng bám răng bám chặt vào răng và khi nào tồn tại đủ thời gian sẽ lắng đọng các chất khoáng trong nước bọt hình thành cao răng. Chỉ có nha sĩ mới có thể loại bỏ cao răng nhờ vào dụng cụ chuyên dụng.
Mức độ nhẹ là viêm nướu: Nướu sưng, đỏ, chảy máu… Bệnh viêm nướu có thể phục hồi trở lại nếu như vôi răng được loại bỏ và duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách. Nếu viêm nướu không được điều trị, cao răng hình thành nhiều và tồn tại dai dẳng có thể dẫn đến viêm nha chu. Khi đó hệ miễn dịch của cơ thể sẽ phóng thích các hóa chất để chống lại vi khuẩn và những sản phẩm của vi khuẩn. Kết quả của “quá trình đánh nhau” này là gây tổn hại xương và các mô nha chu có tác dụng nâng đỡ và giữ ổn định răng trên cung hàm. Mô nha chu bị suy yếu, không thể giữ được răng, dẫn đến răng lung lay và hậu quả cuối cùng là bị mất răng.
Các vi khuẩn trong bệnh nha chu cũng liên quan đến bệnh tim và một số bệnh toàn thân khác.
Bác sĩ nha khoa khuyến cáo, nên lấy cao răng theo định kỳ vì điều này có tác dụng tốt đối với sức khỏe răng miệng.
Lấy cao răng có ảnh hưởng gì không?
Lấy cao răng là quá trình sử dụng các dụng cụ nha khoa chuyên dụng để làm sạch các mảng bám cứng ở răng, ngăn chặn tình trạng hình thành cao răng và các bệnh lý nha khoa nguy hiểm. Tuy nhiên không nên quá lạm dụng lấy cao răng, bởi cạo vôi răng thường xuyên, không đúng kỹ thuật có thể dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng và một số tổn thương khác. Vì vậy chỉ nên lấy cao răng theo định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sỉ để giúp răng miệng luôn khỏe mạnh. Cụ thể: Lấy cao răng 6 tháng/lần đối với các trường hợp như: vệ sinh răng miệng tốt, men răng bóng loáng, cao răng ít. Lấy cao răng 3 - 4 tháng/lần khi thường xuyên hút thuốc lá, uống cà phê, bia rượu, vệ sinh răng miệng kém, người có men răng sần sùi, dễ tích tụ các mảng bám ở thân răng và nướu răng. Riêng trường hợp bé dưới 10 tuổi, khi lấy cao răng cần phải thăm khám trước và có biện pháp cạo vôi răng nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của trẻ.
Lấy cao răng thường không đau, không ảnh hưởng tới các mô mềm hay tổn thương men răng. Nhưng tình trạng tổn thương răng nướu vẫn có thể xảy ra nếu các thao tác của bác sĩ tác động trực tiếp đến má trong, lưỡi... Vì vậy, để hạn chế ê buốt sau khi lấy cao răng, bạn chỉ nên lựa chọn các cơ sở chuyên sâu về răng hàm mặt, địa chỉ nha khoa uy tín, có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao cùng trang thiết bị hiện đại.
Lời khuyên của bác sĩ
Để phòng cao rang cần chải răng đúng cách với kem đánh răng có fluor. Sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám vi khuẩn và mảnh vụn thức ăn còn sót ở vùng kẽ răng. Có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế lượng thức ăn nhiều đường và bột. Không hút thuốc. Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác có nhiều khả năng có cao răng. Một khi răng đã hình thành, chỉ có nha sĩ mới có thể loại bỏ vôi răng. Nên gặp nha sĩ mỗi 6 tháng một lần.