Bình thường khi hít thở, không khí được sưởi ấm và lọc sạch một phần bởi niêm mạc đường hô hấp trên như: niêm mạc mũi-họng, trước khi đi vào đường hô hấp dưới (khí, phế quản, phế nang). Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, bộ phận hô hấp đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên gây nên viêm mũi, họng, xoang... từ đó, nhiễm trùng có thể lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm khí, phế quản và phổi rất nguy hiểm.
Đường hô hấp dưới (từ phía dưới thanh quản trở xuống đến phế nang) thường là vô khuẩn, vì nó chứa 2 loại kháng thể là IgA và IgG, 2 kháng thể này có tác dụng: diệt vi khuẩn, siêu vi khuẩn, khử độc tố của chúng. Cơ chế bảo vệ này giúp cho cơ thể nói chung, đặc biệt là niêm mạc đường hô hấp dưới nói riêng không bị nhiễm lạnh. Nếu bị nhiễm lạnh thì 2 loại kháng thể IgA và IgG giảm và mất hiệu lực, lúc này các loại vi khuẩn và siêu vi khuẩn từ đường hô hấp trên tràn xuống và gây viêm nhiễm đường hô hấp dưới, phát sinh các bệnh viêm thanh quản, viêm khí phế quản và viêm phổi. Để phòng tránh các bệnh này cần chú ý một số điểm sau:
Tránh bị nhiễm lạnh
Mặc ấm khi ra ngoài, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi đi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời. Khi không có việc thật cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn. Khi đi xe đạp và nhất là đi xe máy nên đội mũ bảo hiểm loại che kín được cả đầu lẫn mặt, cằm để tránh lạnh gây nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi, họng. Trong nhà cần đóng kín các cửa, các khe, lỗ hở tránh gió lùa. Nếu có điều kiện thì dùng lò sưởi, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ vì khả năng chịu lạnh của các cháu kém. Tuy nhiên, cần tránh các kiểu sưởi bằng lò than sẽ gây ngộ độc khí CO2 rất nguy hiểm. Các gia đình có điều kiện dùng điều hòa nhiệt độ cũng không nên để nhiệt độ trong phòng ngủ quá thấp, nhất là đối với những trẻ hàng ngày vẫn đi học hoặc người lớn đi làm, vì khi chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá lớn sẽ dễ bị viêm đường hô hấp trên. Thông thường nên để khoảng 25 - 27oC.
Điều trị sớm và triệt để
Khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, cần điều trị sớm và triệt để tránh nhiễm trùng lan xuống phế quản, phổi. Ví dụ như khi trẻ bị viêm mũi thì mũi của trẻ bị chất tiết làm tắc, trẻ sẽ thở bằng mồm, như vậy không khí trẻ hít thở vào khí quản, phổi sẽ không được sưởi ấm và lọc sạch như trẻ thở bằng mũi bình thường nên trẻ rất dễ bị viêm phế quản, viêm phổi với diễn biến nhanh, nặng. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là khai thông đường hố hấp trên của trẻ bằng cách rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý natriclorua 9‰: cho trẻ nằm nghiêng, đầu kê một chiếc khăn mặt bông to, bơm nhỏ dung dịch với nước muối sinh lý (hoặc phun xịt nếu có loại chế phẩm đóng trong bình xịt áp lực) vào lỗ mũi ở phía trên dần dần sao cho dịch chảy đẩy các chất tiết trong lỗ mũi ra lỗ mũi ở phía dưới. Khi thấy dịch mũi chảy ra thì lấy khăn giấy hoặc khăn vải mềm lau sạch, hoặc hút nhẹ dịch, chất tiết ra. Với các cháu nhỏ thường ban đầu các cháu sợ nên giãy giụa, cần có một người giữ chặt các cháu để khỏi giãy, một người bơm nước muối vào mũi. Nếu không có người giúp thì có thể lấy miếng vải, chăn hoặc ra trải giường quấn dọc người cháu, cuộn cả chân tay để cháu không giãy. Với các cháu đã biết hỉ mũi, cho cháu ngồi dậy hỉ mũi ra khăn giấy. Đối với người lớn cũng cần làm sạch mũi bằng cách tương tự.
Tránh các thói quen xấu
Như hút thuốc lá thuốc lào. Hút thuốc làm giảm sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp. Khi hút thuốc, các lông chuyển trên bề mặt các tế bào biểu mô phế quản bị tê liệt, chuyển động rối loạn không đẩy chất nhầy lên được, các tế bào bảo vệ khác như các tế bào bạch cầu, đại thực bào cũng hoạt động không hiệu quả làm cho ta dễ bị nhiễm trùng. Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng tới người hút mà còn ảnh hưởng tới cả những người xung quanh nếu hít phải khói thuốc, đặc biệt là trẻ nhỏ, vì vậy không nên hút thuốc trong nhà.
Nghiện rượu cũng làm giảm sức để kháng của cơ thể, khi uống rượu người ta có cảm giác nóng nên thường cởi bớt quần áo, khăn mũ nên dễ bị nhiễm lạnh, dễ bị nhiễm trùng phế quản, phổi. Chưa kể các trường hợp uống rượu say quá nôn ra thức ăn, trong lúc nôn người đó dễ bị sặc các thức ăn, chất dịch dạ dày vào phế quản gây viêm phổi nặng.
Tăng cường sức đề kháng
Viêm phổi có xu hướng nặng hơn ở người trên 65 tuổi, hoặc ở những người mắc bệnh mạn tính như: đái tháo đường, các tình trạng bệnh lý khiến bệnh nhân phải nằm lâu, những người có tổn thương cấu trúc phổi-phế quản như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi… Do vậy, ở những bệnh nhân này, cần nâng cao sức đề kháng bằng việc tập thể dục đều đặn, tuân theo chế độ điều trị bệnh đang mắc. Ở những bệnh nhân nằm lâu, cần thay đổi tư thế thường xuyên kết hợp với vỗ rung lồng ngực. Tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm vắc xin phế cầu, vắc xin phòng vi khuẩn haemophilus cho trẻ em, người trên 65 tuổi, nhất là người có mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim, đái tháo đường, bệnh gan hoặc suy giảm miễn dịch. Có thể dùng một số thuốc tăng cường miễn dịch nhằm gia tăng sức đề kháng của niêm mạc đường hô hấp.
Duy trì chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối để có sức chống lạnh.
Thường xuyên bảo đảm vệ sinh răng miệng, giữ đều nếp đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ để tránh nhiễm trùng răng miệng. Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở răng, hàm, miệng, tai, mũi, họng để tránh vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới.
Tất cả mọi người khi phát hiện mình có các dấu hiệu khác thường như: ho, sốt, khạc đờm, khó thở, đau ngực… phải tới gặp bác sĩ để được xác định bệnh và điều trị kịp thời, tránh không để bệnh tiến triển nặng gây các biến chứng nguy hiểm.