Mùa nghỉ hè nắng nóng, trẻ em được ở nhà để nghỉ ngơi. Do đó, trẻ có nguy cơ tiếp xúc với các tác nhân gây bỏng nhiều hơn.
Theo thống kê hàng năm trên thế giới, tai nạn bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tại nhà ở của trẻ em và cũng là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong cho trẻ.
Hậu quả do bỏng gây ra
Bỏng ở trẻ em dù diện tích nhỏ nhưng cũng có thể gây mất muối, nước, huyết tương... dẫn đến tình trạng sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, gầy mòn và tử vong. Thương tích do bỏng gây đau đớn, làm trẻ em dễ hoảng sợ và có thể bị sốc. Triệu chứng đau sẽ làm trẻ rối loạn tính tình, suy mòn, suy giảm khả năng đề kháng. Đặc biệt về tâm sinh lý, đau gây cho trẻ nỗi sợ hãi, rối loạn tình cảm, tạo nên tâm lý không tiếp xúc.
Da của trẻ em thường mỏng, khi bị bỏng dễ bị các thương tích sâu hơn người lớn như: tổn thương tận cơ, xương, mạch máu, thần kinh...
Bỏng cũng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm hồn và thể chất của trẻ. Các vết bỏng nặng đều gây tổn thương nghiêm trọng, để lại sẹo vĩnh viễn, ảnh hưởng cử động do dính, co kéo; thậm chí có thể bị cắt cụt chi, cứng khớp... làm biến dạng cơ thể, gây tàn phế suốt đời.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị bỏng điện với tình trạng nguy hiểm. Điện giật có thể gây nên tử vong ngay do bị ngừng thở, ngừng tim hoặc bị bỏng sâu dẫn tới tàn phế nặng. Một điều cần lưu ý là nếu trẻ đến gần dòng điện cao thế mặc dù không chạm vào nguồn điện nhưng sẽ bị bỏng do hiện tượng phóng điện xảy ra.
Cách phòng tránh bỏng cho trẻ em
Việc phòng tránh có hiệu quả phải tiến hành trước khi xảy ra tai nạn, giảm thiểu mức độ nặng của bỏng khi tai nạn bỏng đã xảy ra.
Biện pháp phòng ngừa bỏng đối với trẻ em là phải chú ý bố trí bếp nấu ăn hợp lý, đặt bếp lò ở chỗ cao ngoài tầm tay với đến của trẻ, có vách ngăn không cho trẻ tới gần. Không cho trẻ chơi, nô đùa nơi đang nấu ăn. Không để dụng cụ đựng nước nóng, đồ vật nóng trong tầm tay với đến của trẻ hoặc trên đường đi lại của trẻ. Khi bưng bê xoong, nồi, chảo, ấm nước vừa mới sôi, tránh xa trẻ để không bị va đụng. Không để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh. Phải sử dụng phích nước sôi an toàn, vỏ phích đựng nước sôi được làm bằng nhựa, có nắp xoáy, để trong hộp gỗ. Đối với trẻ lớn hàng ngày phải giúp đỡ bố mẹ nấu ăn, cần phải hướng dẫn trẻ thao tác nấu ăn an toàn như: quay cán soong, nồi, chảo vào phía bên trong; bê soong, nồi đang nấu ăn bằng tấm lót tay; không để quần áo gần ngọn lửa...
Đồng thời cũng cần phòng ngừa tình trạng bỏng nhiệt khô cho trẻ bằng cách không để trẻ nhỏ tiếp xúc với lửa, diêm quẹt, bật lửa, nến; các vật dễ cháy, nổ như: xăng, ga, cồn... Nên cất kín các bao diêm quẹt, bật lửa, cắt bỏ các nguồn điện không an toàn; xếp các chai dầu, xăng vào tủ kín, có khóa. Không để các trẻ nhỏ để đèn dầu ở trong màn ngủ. Khi dựng xe máy, phải quay ống bô xả của xe máy đang còn nóng vào sát tường. Một vấn đề cũng cần lưu ý là phải thường xuyên trông nom tới trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ, không chủ quan vì tai nạn bỏng có thể ập đến bất ngờ.
Ngoài ra, việc phòng ngừa bỏng do điện cũng cần chú ý bằng cách lắp các thiết bị điện đúng quy tắc an toàn, sử dụng các ổ cắm điện có nắp đậy, có rơ le tự ngắt điện khi có sự cố chập điện; phải lắp đặt các ổ điện ở trên cao ngoài tầm tay với đến của trẻ. Cơ quan điện lực phải tôn trọng nội quy các cột điện, trạm biến thế của các đường dây điện cao thế. Người lớn không nên vi phạm hành lang an toàn lưới điện và dạy bảo trẻ em cần tránh xa nơi dây điện bị đứt. Nghiêm cấm không cho trẻ chơi gần đường dây dẫn điện và không cho trẻ trèo lên các cột điện; người lớn không phơi quần áo lên dây dẫn điện để tránh nguy hiểm cho trẻ. Thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện, đồ dùng bằng điện như: nồi cơm điện, bàn là điện, quát máy... để phát hiện chuột cắn làm hở mạch hay rò rỉ điện.
Một vấn đề cần lưu ý là không cho trẻ nhỏ nghịch các dụng cụ điện hoặc thao tác cắm điện, sửa chữa điện và phải cất kín những dụng cụ điện.
BS. NGUYỄN TRÂM ANH