Phòng tránh ác mộng có khó?

31-05-2019 08:24 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa các cơn ác mộng và nguy cơ tự tử ở người hay gặp ác mộng. Mặc dù khoa học vẫn chưa lý giải được trọn vẹn mối liên hệ này...

Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa các cơn ác mộng và nguy cơ tự tử ở người hay gặp ác mộng. Mặc dù khoa học vẫn chưa lý giải được trọn vẹn mối liên hệ này, điều chắc chắn ở đây là tình trạng gặp ác mộng thường xuyên sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng cuộc sống của bạn. Vậy có thể loại bỏ ác mộng cách nào?

Ác mộng tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh, trầm cảm

Ác mộng không chỉ là những giấc mơ tồi tệ, mà chúng còn gây ra nhiều tác động tiêu cực lên sức khỏe con người. Trong số những người gặp ác mộng với tần suất cao có nhiều người là nạn nhân của chứng trầm cảm hoặc hay lo âu. Những người này đặc biệt nhạy cảm hơn với hình ảnh tiêu cực trong các cơn ác mộng, dễ dẫn đến nguy cơ mắc phải những rối loạn tâm lý trầm trọng hơn. Một nghiên cứu tại Đức mới đây cho thấy những người thường xuyên ngủ mơ thấy ác mộng có tỷ lệ mắc các chứng bệnh về thần kinh, trầm cảm cao hơn người khác tới 5 lần . Các chuyên gia về bệnh thần kinh của Đức đã thực hiện điều tra, nghiên cứu với hơn 9.000 người thành niên về các nội dung liên quan như tần xuất ngủ mơ thấy ác mộng,  kết quả có tới 5,1% số người tham gia nghiên cứu cho biết họ thường xuyên gặp ác mộng, bình quân mỗi tuần một lần. Trong đó, những người có mắc triệu trứng của bệnh thần kinh, thất nghiệp và thu nhập quá thấp thường gặp ác mộng nhiều hơn. Họ thường bị mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu và thiếu tỉnh táo nên rất dễ bị trầm cảm.

Những người gặp ác mộng với tần suất cao có khả năng là nạn nhân của chứng trầm cảm hoặc lo âu.

Những người gặp ác mộng với tần suất cao có khả năng là nạn nhân của chứng trầm cảm hoặc lo âu.


Vậy loại bỏ ác mộng cách nào?

Đừng để stress: Ác mộng thường chỉ là triệu chứng của tình trạng stress ban ngày. Bởi vậy, nếu bạn căng thẳng, điều này có thể gây ra áp lực lên suy nghĩ của bạn khi ngủ. Hãy coi ác mộng như một sự báo hiệu để tìm ra “thủ phạm” đích thực gây căng thẳng trong cuộc sống thường ngày. Nếu có thể khắc phục được tình trạng này, bạn sẽ có thể giảm được khả năng gặp ác mộng vào đêm. Còn nếu không thể làm được điều này, hãy đến gặp bác sĩ trị liệu để được tư vấn, hoặc một chuyến đi nghỉ cũng có thể là một giải pháp hữu hiệu.

Phòng tránh bệnh tật: Sốt cũng là một trong những nguyên nhân gây ác mộng và sự mệt mỏi của cơ thể sẽ phản ánh ngay trong giấc mơ của bạn. Ác mộng do cơ thể mệt mỏi có thể qua đi khi bạn khỏe lên. Hãy nhớ rằng đôi khi ác mộng về cơ thể của mình có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn đang đau ốm.

Tránh uống rượu bia, hút thuốc: Rất nhiều loại thuốc khác nhau có thể gây ra tác dụng phụ là làm cho bạn gặp ác mộng. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi ác mộng xảy ra cùng hoặc sau thời điểm uống thuốc. Tránh dùng những chất kích thích như rượu và thuốc lá, bởi nó cũng là cầu nối mang ác mộng tới gặp bạn.

Nghỉ ngơi hợp lý: Đừng nằm trên giường khi bạn còn rất tỉnh táo hoặc đã dành cả ngày xem những bộ phim đáng sợ, hoặc rất bận rộn, hoặc bị căng thẳng. Nếu bạn làm như vậy, bạn sẽ ngập chìm trong những suy nghĩ, sau đó thiếp đi và những cơn ác mộng sẽ vây quanh bạn. Thay vào đó, bạn nên dành khoảng 1giờ trước khi ngủ để thư giãn, loại bỏ hết sự căng thẳng. Đọc sách là một cách rất hữu hiệu, đặc biệt sẽ tốt hơn nếu nó là một quyển truyện cười.

Chế độ ăn uống: Thức ăn của bạn có thể ảnh hưởng đến giấc mơ, cũng giống như thuốc vậy. Hãy nhớ rằng thức ăn tương tác với cơ thể theo rất nhiều cách khác nhau. Chắc chắn rằng bạn có một chế độ ăn uống hợp lý, tránh những đồ uống chứa cafein bởi nó sẽ làm đầu bạn bị kích thích, hoạt động liên tục, tránh những thức ăn mang lại quá nhiều năng lượng và những thức ăn khó tiêu hóa, những thứ này sẽ “quấy rầy” bạn và bạn sẽ không thể có những giấc mơ đẹp.

Đi vệ sinh trước khi đi ngủ: Có vẻ điều này không thật sự quan trọng nhưng đừng nên coi thường nó. Một hình thức thường thấy của sự ức chế trong cơ thể đó là nhu cầu đi toilet và nhu cầu này sẽ chui vào trong giấc mơ của bạn dưới rất nhiều hình thức. (Ở trẻ nhỏ điều này có thể dẫn đến hiện tượng đái dầm).

Nhìn chung, chúng ta có rất nhiều biện pháp tự nhiên lẫn chuyên môn giúp bạn khắc phục hoặc hạn chế tần suất gặp ác mộng mỗi khi đi ngủ. Bên cạnh việc ngủ nghỉ điều độ, các hoạt động rèn luyện thể dục thể thao cũng là một thói quen lành mạnh giúp bạn ngủ ngon hơn, hạn chế lo âu, trầm cảm cũng như tần suất xuất hiện của những cơn ác mộng. Ngoài ra, tập yoga và thiền cũng là những hoạt động hiệu quả trong việc giúp bạn có sức khỏe dẻo dai hơn và có được những giấc ngủ ngon.


BS. Nguyễn Văn Thịnh
Ý kiến của bạn