Hà Nội

Phòng thủy đậu không được “quên” vệ sinh

19-06-2014 06:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Thủy đậu (trái rạ) vốn được xem là bệnh nhẹ nhưng lại rất dễ lây lan qua dịch tiết từ mắt, mũi, miệng.

Thủy đậu (trái rạ) vốn được xem là bệnh nhẹ nhưng lại rất dễ lây lan qua dịch tiết từ mắt, mũi, miệng. Do đó, nếu không kịp thời phát hiện, cách ly các ca bệnh trong cộng đồng sẽ có nguy cơ bùng phát dịch trong bối cảnh vắc-xin thủy đậu “nơi có nơi không”.

Trung bình gần 40 nghìn ca mắc/năm

Theo Cục Y tế dự phòng, tính cuối tháng 5/2014, cả nước ghi nhận 16.380 trường hợp mắc thủy đậu, chưa ghi nhận ca tử vong. Như vậy, số mắc thủy đậu đến thời điểm này đã tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2013 (chỉ có 7.900 ca). Nếu so với thời điểm cùng kỳ năm 2008, năm xảy ra dịch thủy đậu, con số trên có thấp hơn so với 22.821 ca mắc vào năm đó.

 

Trẻ bị thủy đậu cần được chăm sóc,  vệ sinh và dinh dưỡng thật tốt. Ảnh chụp tại BV. Nhi đồng 1 TP.HCM

Trẻ bị thủy đậu cần được chăm sóc, vệ sinh và dinh dưỡng thật tốt. Ảnh chụp tại BV. Nhi đồng 1 TP.HCM

Tại TP.HCM, tính đến thời điểm này, có khoảng 550 ca mắc thủy đậu. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng đã phát hiện ít nhất 4 ổ dịch thủy đậu xảy ra tại các trường học từ đầu năm đến nay trên địa bàn Q.3, Q.5, Q.12 và Q.8. Cũng theo Cục Y tế dự phòng, trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 30 - 40 nghìn ca mắc thủy đậu. Đa số bệnh ở thể nhẹ và hầu như không có ca tử vong.Tuy nhiên, khuyến cáo của Bộ Y tế là không nên chủ quan. Hơn nữa, tuy có vắc-xin phòng bệnh nhưng thủy đậu không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, người dân muốn tiêm phải nhờ đến các điểm tiêm vắc-xin dịch vụ.

Cục Y tế dự phòng cho biết, do nhu cầu vắc-xin thủy đậu của người dân tăng cao bất thường trong thời gian gần đây, nên có hiện tượng thiếu vắc-xin cục bộ tại một số tỉnh thành. Hiện các công ty cung ứng vắc-xin đã tiếp tục cung cấp bổ sung vắc-xin cho các cơ sở tiêm chủng. Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, lần gần đây nhất, miền Nam được phân phối 10.000 liều và đến nay có lẽ số vắc-xin này cũng đã hết.

Không kiêng tắm, không uống nước gốc rạ

Trong bối cảnh “khan hiếm” vắc-xin, việc vệ sinh phòng bệnh thủy đậu càng phải được coi trọng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết: triệu chứng khởi phát ở trẻ nhỏ thường không gây sốt, chỉ đột ngột phát bóng nước. Trẻ lớn và người lớn lại thường có tiền chứng sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, biếng ăn. Các nốt rạ xuất hiện rất nhanh, trong 12 - 24 giờ, trên khắp cơ thể hoặc ở đầu, mặt, thân và tay chân. Bệnh kéo dài khoảng 14 ngày, giai đoạn lành bệnh từ 4 - 5 ngày khi nốt rạ có mày, vảy. Nếu chăm sóc tốt, nốt rạ không bị nhiễm trùng thì không để lại sẹo. Bệnh lây qua không khí, nước bọt, tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải các hạt li ti từ các mụn nước ở da và từ mẹ truyền sang con qua nhau thai. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất là cách ly trẻ bệnh và tiêm phòng vắc-xin. Thủy đậu nặng vẫn có thể gây tử vong khi gặp các biến chứng như viêm não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm gan…

“Khi đã mắc bệnh cần cách ly trẻ ngay để không lây cho trẻ khác. Tuyệt tối, không kiêng tắm mà trái lại cần tắm rửa kỹ lưỡng hơn để tránh nhiễm trùng da, nốt rạ gây di chứng sẹo. Cũng không uống các loại nước gốc rạ, không chùm kín trẻ, mà phải tạo môi trường hết sức thông thoáng cho bệnh nhi”, bác sĩ Khanh lưu ý.

Đồng thời, cho trẻ uống thuốc hạ sốt, dùng thuốc kháng virút từ 24 - 72 giờ sau khởi phát. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu nếu trẻ có nốt rạ trong miệng. Sử dụng kháng sinh khi nốt rạ có mủ, tấy đỏ xung quanh. Nếu thấy trẻ sốt cao liên tục, vết rạ đỏ lên thì phải vào bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Bài, ảnh: Tuân Nguyễn


Ý kiến của bạn