Theo thông tin từ Nhật Bản, quả tên lửa có tên Hwasong-15 đã bay khoảng 1000 km, đạt độ cao khoảng 4500km, bay hướng ra vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên vào lúc 3h30 phút (giờ địa phương), sau 53 phút bay trong không gian quả tên lửa rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Đây là lần phóng thử tên lửa có tầm bắn cao nhất và xa nhất, có khả năng tấn công “toàn bộ lục địa của Mỹ” – truyền thông Triều Tiên tuyên bố sau vụ thử. Họ cho biết, một quốc gia bị cô lập như Triều Tiên giờ đây đã đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia hạt nhân.
Nỗi ám ảnh mang tên Triều Tiên
Vụ phóng tên lửa này đã khuấy động trở lại vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. So với lần phóng cuối cùng của Bình Nhưỡng vào tháng 9/2017 vụ phóng tên lửa Hwasong -15 rạng sáng 29/11 là quả tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay của Triều Tiên, khiến Hàn Quốc phải đáp trả bằng một cuộc diễn tập tên lửa, nội các Nhật Bản phải họp khẩn cấp lúc rạng sáng. Với Triều Tiên, vụ phóng tên lửa này là một “câu trả lời” cho động thái mới đây của Mỹ đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.
Ngay từ đầu năm, vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã nằm trong sự chú ý của dư luận Mỹ, người ta muốn xem Chính quyền của Tổng thống Trump sẽ đối phó ra sao với vấn đề hóc búa mà nhiều chính quyền tiền nhiệm của Mỹ đã không thể giải quyết được. Và dường như việc Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân chưa khi nào có dấu hiệu chấm dứt. Đầu năm nay, CHDCND Triều Tiên tuyên bố đang trong giai đoạn cuối phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới Mỹ. Đến thời điểm này, mặc dù nhiều người còn hoài nghi , nhưng công nghệ tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đang tiến bộ từng ngày, họ tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu về chương trình tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Người dân Triều Tiên theo dõi tường thuật vụ phóng tên lửa
Mặc dù trên thực tế, chưa có bằng chứng xác thực về việc Triều Tiên làm chủ kỹ thuật, và tên lửa của họ có đủ khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, nhưng với 22 quả tên lửa mà Bình Nhưỡng phóng lên trong 15 lần thử kể từ tháng 2/2017 cho thấy tham vọng của Triều Tiên là vô cùng lớn. Mỗi vụ thử tên lửa của quốc gia nhỏ bé này không chỉ làm rúng động khu vực Đông Bắc Á mà nó còn lan ra khắp thế giới. Cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ hành động này của Bình Nhưỡng từ LHQ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia trên thế giới đều cho rằng, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đan đe dọa an ninh khu vực và thế giới, nó sẽ khiến nước này bị cô lập về ngoại giao và kinh tế.
Tại sao CHDCND Triều Tiên quyết chạy theo tên lửa và vũ khí hạt nhân?
Việc chứng tỏ với thế giới mình sở hữu vũ khí tấn công tới Mỹ vừa chứng tỏ sức mạnh của Triều Tiên, vừa là cách giúp Bình Nhưỡng ngăn chặn một vụ xâm lược và đưa nước này lên tầm cường quốc quân sự thế giới.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu thời gian trước Bình Nhưỡng chỉ muốn sử dụng các đòn đe dọa hạt nhân để buộc các cường quốc phải đàm phán trực tiếp, thì vào thời điểm này, dường như chiến lược của Triều Tiên đã thay đổi. Con bài hạt nhân trong tay Triều Tiên không còn là “lá bài” để mặc cả nữa mà giờ đây đã trở thành vũ khí đe dọa ngược lại, khiến cho bất cứ quốc gia nào, kể cả những nước có tiềm lực quân sự mạnh cũng phải dè chừng.
Động thái đưa Triều Tiên trở lại các nước bảo trợ khủng bố mà Mỹ cho rằng sẽ gia tăng áp lực buộc nước này ngừng hành động khiêu khích, nhưng những phản ứng của Triều Tiên cho thấy “nước cờ” này của Mỹ không khôn ngoan, không làm cho Triều Tiên thay đổi lập trường về vấn đề hạt nhân mà còn gây ra các phản ứng tiêu cực như vụ thử tên lửa này. Để ngăn chặn Triều Tiên, Mỹ có lẽ không có nhiều lựa chọn, cần một cách tiếp cận mềm dẻo hơn, đó là sự kết hợp giữa ngoại giao, các biện pháp trừng phạt, triển khai thêm các khí tài quân sự đến khu vực, hệ thống lá chắn tên lửa và biện pháp cuối cùng phải tính đến mới là tấn công phủ đầu.