Phòng sốt xuất huyết gia tăng do thời tiết thất thường

23-12-2023 11:49 | Y tế
google news

SKĐS - Theo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, thời tiết nắng mưa xen kẻ tạo thuận lợi cho dịch bệnh phát triển nên số ca sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng so với các tháng đầu năm và cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, đến nay dịch bệnh vẫn được khống chế, kiểm soát tốt.

Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 688 ca sốt xuất huyết Dengue. Trong đó, TP Huế là địa phương ghi nhận nhiều ca với 275 ca, tiếp theo đó là huyện Nam Đông 92 ca.

Hiện nay, thời tiết nắng mưa xen kẻ tạo thuận lợi cho dịch bệnh phát triển nên ca sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng so với các tháng đầu năm và cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn được khống chế, kiểm soát tốt, các ổ dịch xuất hiện rải rác, nhỏ lẻ và được xử lý triệt để.

Phòng sốt xuất huyết gia tăng do thời tiết thất thường- Ảnh 1.

Ngành y tế triển khai phun hóa chất phòng sốt xuất huyết.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đầu năm đến nay, tại TP Huế phát hiện trên 240 ổ dịch nhỏ. Để chủ động khống chế không để dịch bùng phát, ngành y tế tổ chức phun hóa chất và phun xử lý môi trường bảo vệ cho trên 11.200 hộ gia đình với 53 lít hóa chất. Huy động lực lượng tổ chức 3 đợt thau vét bọ gậy ở 36 xã/phường trên toàn thành phố.

Mới đây, đoàn giám sát CDC tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Trung tâm Y tế TP Huế tiến hành kiểm tra công tác giám sát, quản lý, phòng chống sốt xuất huyết và điều tra chỉ số bọ gậy, đánh giá nguy cơ và bàn các giải pháp can thiệp sớm, chủ động kiểm soát không để bùng phát dịch.

Đoàn giám sát đề nghị các trạm Y tế và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, đúng các quy trình giám sát, theo dõi, xử lý ổ dịch và báo cáo tình hình dịch bệnh được Bộ Y tế ban hành. Lập kế hoạch trình cấp có thẩm quyền huy động lực lượng, hỗ trợ vật tư, kinh phí để tổ chức thau vét bọ gậy, vệ sinh môi trường, xử lý hóa chất diện rộng khu vực có nguy cơ cao…

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Mỗi người dân nên tích cực và chủ động thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết bằng việc thực hiện loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy. Cụ thể, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy. Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần.

Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ. Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến cáo, để phòng chống muỗi đốt, thực hiện mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi. Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi…Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng cần nhập viện để tránh tử vongDấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng cần nhập viện để tránh tử vong

SKĐS – Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng thường bắt đầu xuất hiện từ 3 - 7 ngày sau khi khởi phát bệnh. Những triệu chứng cảnh báo sốt xuất huyết nặng dưới đây có thể giúp bạn nhận biết và đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế kịp thời.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết sáng 23/12: Nhiệt độ xuống thấp 0 độ C, băng giá phủ trắng xoá nhiều nơi. 


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn